Dấu ấn từ những tác phẩm
HQVN -
Một tiết mục trong chương trình dạ hội
Mỗi tác phẩm gửi về ban tổ chức để tham gia xét giải đều có góc nhìn riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân. Dù ở thể loại nào, nhưng chất chứa trong đó vị mặn mòi của biển cả, phản ánh hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, tâm tư tình cảm và cả một hậu phương rộng lớn của bộ đội Hải quân. Từng thể loại có cách thể hiện riêng, từ các “chất liệu” khác nhau. Điểm chung của các tác phẩm là làm nổi bật chủ đề “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân”. Những người luôn trụ vững nơi đầu sóng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; luôn nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong môi trường khó khăn, khắc nghiệt trên biển, đảo.
Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh, Tạp chí văn nghệ Quân đội người đạt giải B thể loại văn học, với hai tập ký “Trường Sa kỳ vĩ và gian lao” và “Tàu ngầm Việt Nam-Huyền thoại những câu chuyện lạ”. Để có tác phẩm này, anh đã có nhiều chuyến trải nghiệm về với biển, đảo và bộ đội Hải quân. Mỗi chuyến đi anh luôn tìm tòi đọc tài liệu, gặp nhân chứng để hiểu sâu về vấn đề mình cần viết. Hơn nữa, anh cũng “hóa thân” làm bộ đội Hải quân nơi đầu sóng ngọn gió để cùng ăn, cùng làm, cùng ở với những người lính biển.
Trong tập kí về bộ đội tàu ngầm, với 11 bài viết, tác giả đã có góc nhìn sâu về loại trang bị hiện đại bậc nhất này, về trình độ làm chủ vũ khí và cuộc sống đời thường của thủy thủ tàu ngầm Hải quân. Bài “Tàu ngầm, sức mạnh răn đe và gìn giữ hòa bình”, tác giả viết “Trước khi đến Lữ đoàn Tàu ngầm 189, tôi cất công sục vào mạng, chui vào thư viện và xem gần chục bộ phim về tàu ngầm. Sức mạnh “sát thủ không ranh giới” của tàu ngầm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Triều Tiên và những gì thuộc tàu ngầm như cấu tạo, tính năng, tác dụng, hình ảnh, đời sống thủy thủ… dường như không mấy xa lạ với tôi. Vậy mà gần 10 ngày ăn, ở, sống cùng nhà với thủy thủ, tôi mới nhận ra tàu ngầm huyền thoại, với những con người làm chủ nó còn mới lạ, hấp dẫn, kỳ vĩ gấp nhiều lần tôi nghĩ, tôi viết…”
Âm nhạc là một trong các thể loại có số lượng tác phẩm tham gia xét thưởng đông đảo. Ca khúc “Tổ quốc nhìn từ biển” của Quỳnh Hợp và Nguyễn Việt Chiến đạt giải B. Theo nhạc sĩ Quỳnh Hợp, sau chuyến đi Trường Sa năm 2011, chị đã đọc được bài thơ trên Báo Thanh Niên. Sau 2 ngày đọc, nghiền ngẫm bài thơ và 3 giờ sáng tác, Quỳnh Hợp đã hoàn thành bài hát “Tổ quốc nhìn từ biển” theo nhịp hành khúc: thúc dục- cương quyết. Bài hát như một tráng ca thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi khi ca khúc được cất lên như một lời hiệu triệu, kêu gọi mọi người đoàn kết, cùng nhau giữ vững từng tấc đất, sải biển.
Vào tháng 5-2011, bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến được công bố vào lúc tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông đã nhận được sự rung động của hàng triệu độc giả. Đến 5-2014, khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan xâm phạm vùng biển nước ta. Bài hát liên tục được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng thôi thúc hàng triệu trái tim người dân đất Việt hướng về biển, đảo. Nhiều người đã sử dụng làm nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại điều đó chứng tỏ bài hát có sức lay động lớn trong cuộc sống. Được biết, cách đây 5 năm, nhạc sĩ Quỳnh Hợp- người có một “gia tài” ca khúc về biển, đảo Tổ quốc, về bộ đội Hải quân cũng được trao giải A với ca khúc “Lính đảo đợi mưa” (thơ Trần Đăng Khoa).
Nhà báo Nguyễn Trọng Thiết, Thư ký tòa soạn, Báo Hải quân Việt Nam, đạt giải A, bộ ảnh ảnh nghệ thuật “Hải quân hiện đại”. Bộ ảnh thể hiện sức mạnh của Hải quân nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại với 5 binh chủng: tàu mặt nước; tàu ngầm; không quân hải quân; pháo-tên lửa bờ biển; hải quân đánh bộ, đặc công hải quân và phòng thủ đảo. Mỗi bức ảnh là một thông điệp mang đến cho độc giả một góc nhìn về con người và vũ khí trang bị hiện đại. Để có được những bức ảnh này, tác giả luôn bám sát mọi hoạt động của các đơn vị trong Quân chủng, nhất là các đơn vị có trang bị mới, hiện đại ngay từ khi tiếp nhận, khai thác làm chủ, huấn luyện trên biển. Khi tác nghiệp, anh luôn sâu sát từ ăn, ở sinh hoạt đến huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên không. Chia sẻ về những khoảng khắc “vàng” bấm máy, anh cho biết, để có bức ảnh đẹp mình phải trăn trở, đầu tư thời gian, công sức, chấp nhận khó khăn, thử thách, nhất là phải luôn trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm với từng lần bấm máy, với từng bức ảnh. Mỗi lần tác nghiệp là một lần tự học tập để nỗ lực hơn…
Tất cả các tác phẩm dù đạt giải hay không đều thể hiện tình yêu biển, đảo và bộ đội Hải quân. Giá trị của chúng không dừng ở vẻ đẹp đơn thuần bên ngoài mà còn cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó chính ủy Hải quân, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, các tác phẩm đoạt giải thưởng lần này chỉ là thành công bước đầu, bởi tác phẩm có giá trị cần phải được trải nghiệm, được công chúng đón nhận và có sức sống với không gian, thời gian. Giá trị vật chất của giải thưởng tuy không lớn, nhưng Bộ Tư lệnh Hải quân đánh giá rất cao tình cảm, trách nhiệm của văn nghệ sĩ đã dành cho bộ đội Hải quân và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Hải Hà
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Bế mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 20-11-24 10:00 )
- Quân chủng Hải quân khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2024 - ( 18-11-24 10:00 )
- Rau càng cua - ( 17-11-24 08:00 )
- Trung tâm Huấn luyện Vùng 4 tổ chức tọa đàm thanh niên - ( 15-11-24 01:00 )
- Liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân diễn ra từ ngày 18/11 - ( 14-11-24 09:00 )