Dấu ấn mới của Hải quân Việt Nam trong tiến trình ANCM

HQVN -

Ngày 5-11-2020, Hải quân Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 14 (ANCM 14), được các đại biểu trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Sự kiện này khẳng định quyết tâm vượt khó, vai trò, vị thế và trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác về an ninh hàng hải khu vực cũng như năng lực tổ chức, điều phối các hoạt động đa phương quốc tế của Hải quân Việt Nam, tạo dấu ấn mới trong tiến trình hợp tác 20 năm của cơ chế ANCM.

ANCM 14 được tổ chức trực tuyến đến 11 điểm cầu với các nước ASEAN. Ảnh: Thanh Bình

Trải qua 2 thập kỷ hình thành và phát triển, bắt đầu với Giao lưu Hải quân các nước ASEAN năm 2001 và được chính thức hóa thành Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN (ANCM) từ ANCM 5 năm 2011, ANCM đã trở thành một trong những diễn đàn thường niên quan trọng hàng đầu về hợp tác hải quân trong khu vực Đông Nam Á. Đây là diễn đàn để lãnh đạo Hải quân các nước ASEAN gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ quan điểm, đề xuất các sáng kiến nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác và nâng cao khả năng phối hợp xử trí các vấn đề chung về an ninh hàng hải.

ANCM là nơi khởi nguồn của nhiều sáng kiến, chương trình hợp tác thiết thực của Hải quân các nước ASEAN như: Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN, Giao lưu Sĩ quan trẻ Hải quân các nước ASEAN, Chương trình Huấn luyện học viên Hải quân ASEAN... Có thể khẳng định rằng, ANCM là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu góp phần duy trì môi trường biển hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN.

Sau 20 năm tham gia cơ chế này, Hải quân Việt Nam luôn đóng vai trò là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm với nhiều sáng kiến, đóng góp quan trọng vào các chương trình hợp tác trong khuôn khổ ANCM. Như đã nói ở trên, ANCM khởi đầu năm 2001 tại Thái Lan với tên gọi Giao lưu Hải quân các nước ASEAN (ANI). Với ý tưởng ban đầu chỉ là tạo cơ hội để lãnh đạo Hải quân các nước ASEAN gặp gỡ, giao lưu, ANI chưa trở thành một cơ chế hợp tác chính thức thường niên mà chỉ tổ chức ngắt quãng được 4 lần (2001, 2003, 2005 và 2010) trên cơ sở tự nguyện của hải quân các nước. Năm 2011, Hải quân Việt Nam đề xuất sáng kiến đưa ANI thành ANCM và tổ chức lần đầu tại Hà Nội. Với rất nhiều nỗ lực vận động và thúc đẩy của ta, ANCM 5 được tổ chức thành công và từ đó tới nay ANCM mới trở thành một cơ chế hợp tác chính thức, tổ chức thường niên, luân phiên đăng cai bởi hải quân các nước, đóng vai trò nền tảng, trụ cột trong hợp tác hải quân giữa các nước trong khu vực.

Cũng tại ANCM 5, Hải quân Việt Nam đã đề xuất 2 sáng kiến, bao gồm Thủ tục Chào hỏi giữa tàu và máy bay Hải quân các nước ASEAN (Hello ASEAN) và Chương trình Giao lưu Sĩ quan trẻ Hải quân các nước ASEAN (ANYOI). Cả hai sáng kiến nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN. Hello ASEAN đưa ra một cách thức mới để khởi đầu các phiên trao đổi thông tin liên lạc trên biển giữa tàu và máy bay của Hải quân các nước ASEAN, thể hiện sự thân thiện, đoàn kết và giảm thiểu nguy cơ hiểu lầm hoặc va chạm không đáng có. Với ý nghĩa tốt đẹp như một lời chào của hòa bình, hữu nghị, Hello ASEAN đã được Hải quân các nước ASEAN thường xuyên sử dụng trong những năm vừa qua. Tương tự, ANYOI được đề xuất với mong muốn tạo ra một diễn đàn để sĩ quan trẻ Hải quân các nước ASEAN gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kiến thức, chuyên môn, tạo sự gắn kết hướng tới tương lai, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác trong khu vực. Sau thành công và dấu ấn đậm nét của ANYOI lần thứ nhất do Hải quân Việt Nam tổ chức năm 2012, Hải quân các nước ASEAN đã liên tục luân phiên tổ chức, biến ANYOI trở thành chương trình giao lưu thường niên mang tính bền vững. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, từ ANCM 6 đến ANCM 13, Hải quân Việt Nam tiếp tục tham gia và đóng vai trò là một trong những thành viên nòng cốt, có tiếng nói quan trọng, góp phần định hình các chương trình hợp tác trong khuôn khổ hội nghị.

Tư lệnh Hải quân Việt Nam chào các đại biểu tại các điểm cầu. Ảnh: Thanh Bình

Năm 2020, Hải quân Việt Nam đã lên kế hoạch và tiến hành công tác chuẩn bị để tổ chức ANCM 14 cùng với các sự kiện đối ngoại quốc phòng khác như Duyệt binh hàng hải quốc tế, Diễn tập đa phương Hải quân các nước ASEAN lần thứ 2, Hội thảo quốc tế về các vấn đề trên biển, Diễu binh đường phố và các hoạt động bên lề vào tháng 5. Chuỗi 6 hội nghị lập kế hoạch chuẩn bị cho các sự kiện đã được Hải quân Việt Nam tổ chức rất thành công với sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của hải quân các nước trong và ngoài khu vực. Tiếc rằng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các sự kiện trên đã không thể diễn ra như dự kiến.

Đối với ANCM 14, sau khi tham vấn Hải quân các nước ASEAN và Quân đội nhân dân Lào, chấp hành sự chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Hải quân Việt Nam đã quyết định tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh đặc biệt và chưa có tiền lệ khi khu vực Đông Nam Á và toàn thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một loạt các nước trong khu vực áp dụng các quy định phong tỏa, hạn chế đi lại, quyết định tổ chức ANCM 14 bằng hình thức trực tuyến là quyết định rất kịp thời, sáng suốt, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm vượt khó của Hải quân Việt Nam.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ta cũng như sự đồng thuận, ủng hộ của các nước, ANCM 14 trực tuyến với chủ đề “Hợp tác hải quân vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự  và đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, được các đại biểu trong và ngoài nước đánh giá rất cao về nội dung và công tác tổ chức, điều hành. Ngay sau khi kết thúc ANCM 14, các Tư lệnh/Trưởng đoàn Hải quân/Quân đội các nước, các Tùy viên Quốc phòng, Tùy viên Hải quân, đội ngũ sĩ quan tham mưu, sĩ quan kỹ thuật, thông qua các kênh khác nhau đã gửi lời chúc mừng Hải quân Việt Nam.

ANCM 14 đạt được sự đồng thuận cao về quan điểm và đi đến thống nhất nhiều hoạt động hợp tác theo lộ trình ANCM trong những năm tiếp theo. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là minh chứng rõ nét cho quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn và cam kết của Hải quân/Quân đội các nước ASEAN đóng góp xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng trong khu vực. Tư lệnh Hải quân Việt Nam với tư cách Chủ tịch ANCM đã thể hiện tốt vai trò điều hành, dẫn dắt hội nghị, được Tư lệnh/Trưởng đoàn Hải quân các nước và Quân đội nhân dân Lào đồng thuận, ủng hộ và đánh giá cao.

Các đại biểu dự ANCM14 tại điểm cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Duy Khánh

Cũng trong ANCM 14, công tác tổ chức, điều phối về nội dung và kỹ thuật với các điểm cầu tại các nước được thực hiện chặt chẽ, nhịp nhàng, đảm bảo đường truyền thông suốt. Điều này vừa là minh chứng cho khả năng tổ chức, điều phối, năng lực khoa học công nghệ của ta trong kỷ nguyên chuyển đổi số, vừa mở ra một phương thức tương tác mới giữa Hải quân các nước ASEAN trên nền tảng trực tuyến.

Như vậy, sau ANCM 5 năm 2011 cùng với các sáng kiến đã trở thành tài sản chung của Hải quân các nước ASEAN, ANCM 14 năm 2020 một lần nữa để lại dấu ấn mới đậm nét về những đóng góp của Hải quân Việt Nam trong tiến trình hợp tác của ANCM. Hải quân Việt Nam không chỉ là thành viên có trách nhiệm, luôn tích cực tham gia các chương trình hợp tác mà còn trở thành một trong những thành viên chủ chốt, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy trong những thời khắc khó khăn, góp phần gắn kết Hải quân các nước ASEAN vì một vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Chúng ta đã biến khó khăn, thách thức thành cơ hội thể hiện tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ theo đúng tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020. Đây là một bước tiến mới quan trọng, tiếp thêm động lực để Hải quân Việt Nam tự tin, chủ động trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả và thực chất.

Bùi Trung Tấn 

Sáng kiến tổ chức Chương trình Trao đổi kinh nghiệm huấn luyện Hải quân các nước ASEAN (ANTEEP) của Hải quân Việt Nam tại ANCM 14 đã nhận được sự ủng hộ và nhất trí thông qua của các nước. Tư lệnh/Trưởng đoàn Hải quân/Quân đội các nước đã nhất trí để Hải quân Việt Nam thành lập nhóm làm việc, thảo luận chi tiết, đi đến thống nhất các nội dung tổ chức chương trình trong thời gian tới, mở ra triển vọng về một chương trình giao lưu, tương tác và trao đổi chuyên môn mới, bổ ích, hướng tới xây dựng Hải quân các nước ASEAN “gắn kết và chủ động thích ứng”.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn