Đạo lý nguồn cội trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

HQ Online -

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để con cháu hôm nay nhớ về truyền thống cha ông, tự hào về sức mạnh cội nguồn, về sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Mỗi tháng Ba về, chúng ta lại mong mỏi được một lần hành hương về đất Tổ, được lên đỉnh non thiêng Nghĩa Lĩnh thành kính dâng nén hương thơm, tỏ lòng tri ân công đức các Vua Hùng có công dựng nước. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương không tổ chức đoàn rước, không truyền hình trực tiếp, hạn chế đại biểu tham dự để tránh việc tập trung đông người. Nhưng điều đó không thể ngăn được tấm lòng của người dân hướng về ngày Giỗ Tổ.

Cổng vào khu di tích Đền Hùng. Ảnh: Dâng Triều

Bà Lưu Thị Mai, một người dân ở huyện Thanh Thủy, Phú Thọ cho biết: Năm nay, do dịch Covid-19, để phòng tránh dịch bệnh nên chúng tôi không trực tiếp đến được Đền Hùng để dâng hương nhưng vào ngày 10-3 âm lịch gia đình tôi và cả các gia đình xung quanh theo lệ hàng năm vẫn làm mâm cơm canh bằng sản vật địa phương dâng lên ban thờ gia tiên để cúng các Vua Hùng. Chúng tôi dâng mâm cơm cúng theo tâm mình là chính nhưng nhất định sẽ có bánh chưng, bánh dày và cơm tẻ để tưởng nhớ đến ơn nghĩa của các Vua Hùng.

Xuyên qua lãng đãng khói mây huyền thoại mấy ngàn năm, mỗi người con đất Việt hành hương về Đất Tổ như vẫn thấy hình ảnh các Vua Hùng cùng thần dân cày ruộng. Trong lớp lớp đàn chim Lạc sải cánh trên mặt trống đồng, lịch sử đã khắc ghi công lao các Vua Hùng đời đời dựng nên nhà nước Văn Lang của người Việt cổ với nền văn minh lúa nước và nền văn minh sông Hồng để tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc phong phú và độc đáo, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ và dài lâu của dân tộc Việt Nam. Đất Phong Châu xưa, nơi các vua Hùng dựng nghiệp đã trở thành miền đất Tổ. Trải mấy ngàn năm lịch sử, mỗi tấc đất, ngọn cây, bậc đá nơi đây đều thấm đẫm huyền thoại về đạo lý cội nguồn.

Ông Nguyễn Ngọc Long ở phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng chia sẻ: Mọi năm, vào dịp Giỗ Tổ, gia đình chúng tôi cùng nhau thuê xe đi lễ Đền Hùng, cùng nhau ôn lại truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” của ông cha ta. Năm nay, để phòng chống dịch Covid-19 nên gia đình tôi không đi lễ, tôi thắp nén hương thơm trước bàn thờ Tổ tiên thành kính dâng lên các Vua Hùng. Tôi nghĩ, ở tại nhà lúc này là cách ủng hộ công cuộc toàn dân chung sức, chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Giá trị tinh thần của ngày Quốc Giỗ chính là tinh thần đại đoàn kết toàn dân, là yếu tố tạo nên sức mạnh của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước xưa và nay. Chúng ta mãi mãi ghi tạc công lao của các Vua Hùng, từ việc dạy dân cày ruộng, đi săn, đến chinh phục thiên nhiên đắp đê trị thủy, đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Từ Phong Châu, đàn con của Mẹ Âu Cơ đã mở mang đất đai, bờ cõi. Gắn kết với nhau qua hai chữ “đồng bào” với câu chuyện Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở trăm con, tình cảm “đồng bào” vì thế đã thành một giá trị thiêng liêng, sâu đậm. 54 dân tộc anh em, dù là người Kinh hay người Thượng, dù miền ngược hay miền xuôi, đều là con Lạc, cháu Hồng. Vì thế, dù ở đâu, người Việt Nam vẫn luôn nhớ mình có chung ngày Giỗ Tổ.

Ngày Giỗ Tổ năm nay đúng vào dịp cả nước đang phòng chống dịch Covid-19. Với niềm tự hào dân tộc và lòng thành kính hướng về nguồn cội, chúng ta càng thấy cần phải có trách nhiệm hơn với việc chung sức, đồng lòng thực hiện theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Thể hiện được tinh thần đoàn kết, đồng lòng, đây chính là nguồn lực vô tận giúp cho dân tộc Việt Nam ta mãi mãi trường tồn.

Hải Thanh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn