Đánh bạc qua mạng bị xử lý như thế nào?
Đánh bạc đã và đang là một trong những tệ nạn nguy hiểm ở nước ta. Tệ nạn này đang diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều hình thức tinh vi, quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ, nhất là thông qua mạng Internet.
Ảnh minh họa
Mọi hành vi đánh bạc đều bị xử lý, tùy tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình: Người có hành vi mua số lô, số đề sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng; người ghi số lô, số đề sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; đối với các hành vi khác như: Đánh bài, đá gà bị phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
*Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử còn quy định các mức xử phạt đối với các hành vi sau:
- Tại Điều 106 quy định: Người có hành vi “lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia hoặc mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo hoặc điểm thưởng” thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
- Tại Điều 101 quy định: Cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi “đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc” thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
- Tại Điều 104 quy định: Tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân “cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng để đánh bạc” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 30 đến 40 triệu đồng; nếu quy đổi vật phẩm ảo, điểm thưởng thành tiền hoặc thẻ thanh toán hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử dưới bất kỳ hình thức nào thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 170 đến 200 triệu đồng và sẽ bị áp dụng một trong các hình phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng, tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính… tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 quy định Tội đánh bạc như sau: Nếu đánh bạc trái phép dưới các hình thức mà số tiền dùng để đánh bạc từ 5 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu “sử dụng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Người chơi đánh bạc qua mạng có thể tham gia khi đang ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào chỉ với một chiếc điện thoại, máy tính có kết nối Internet. Do đó, để phòng ngừa tệ nạn này, cần đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật liên quan như Nghị định 167/2013/NĐ-CP; Điều 321, 322 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017; đặc biệt là Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi đánh bạc qua mạng, có hiệu lực ngày 15/4/2020.
Văn Linh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất quy định tại Luật BHXH năm 2024 - ( 05-11-24 08:00 )
- Nâng chế độ bồi dưỡng với người trực tiếp khảo sát, rà phá bom, mìn - ( 15-10-24 09:00 )
- Những điểm mới có lợi về việc bồi thường cho người dân khi bị thu hồi đất - ( 14-10-24 08:00 )
- Một số điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ - ( 31-07-24 11:00 )
- Cảnh báo lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học - ( 08-07-24 05:00 )