Đại tướng Lê Đức Anh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại
* Trung tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Đại tướng Lê Đức Anh sinh năm 1920 tại Thừa Thiên Huế, tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi (1937). Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí gắn liền với nhiều mốc son lịch sử dân tộc.
Đồng chí đã tham gia quân đội và gắn bó với cuộc đời binh nghiệp đầy gian khổ và oanh liệt. Đồng chí có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, như: Chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Junction City (Gian-xơn Xi-ty) của Mỹ-ngụy (mùa khô 1966-1967); Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chống địch lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Paris (1973); Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975); chỉ huy xây dựng lực lượng vũ trang ở đồng bằng sông Cửu Long và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; làm nhiệm vụ quốc tế, cùng quân, dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, khôi phục sản xuất, xây dựng lại đất nước...
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm chỉ huy trưởng Cơ quan Tiền phương của Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên các cương vị công tác, đồng chí luôn tận tụy, cương nghị, bản lĩnh và dám làm, dám chịu trách nhiệm, đem hết tài năng, trí tuệ để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đại tướng Lê Đức Anh với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu 5, năm 1998. Ảnh tư liệu
Với một thời gian dài công tác, giữ nhiều cương vị quan trọng trong quân đội, Đảng và Nhà nước, bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí luôn thực hiện tốt chức năng tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ giành thắng lợi vẻ vang, thống nhất đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một là, đồng chí Lê Đức Anh luôn quan tâm xây dựng bản chất cách mạng cho quân đội.
Xây dựng bản chất cách mạng là vấn đề quan trọng, cơ bản hàng đầu trong phương châm xây dựng quân đội, vì nó thể hiện sự giác ngộ chính trị của quân đội, là nền tảng để xây dựng tính chính quy, tinh nhuệ và tiến lên hiện đại, là cơ sở để Quân đội ta “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (1).
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của xây dựng bản chất cách mạng cho quân đội, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có lòng trung thành vô hạn và nhận rõ vinh dự, trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đại tướng khẳng định: “Sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta [...] bắt nguồn từ đường lối chính trị, đường lối quân sự và sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Đó là thước đo phẩm chất, lòng trung thành vô hạn của Quân đội ta đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, kiên định và kiên trì con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân đã lựa chọn, quyết tâm đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (2). Đại tướng Lê Đức Anh cũng chỉ rõ nguồn gốc, mục tiêu chiến đấu, vinh dự, trách nhiệm của mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam: “Quân đội ta là con em của nhân dân lao động, có lòng yêu nước nồng nàn, được Đảng giác ngộ cách mạng, mang bản chất của giai cấp công nhân, ra đời từ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, vì nhân dân mà phục vụ. Mục tiêu chiến đấu của Quân đội ta là mục tiêu của Đảng, của dân tộc: Vì độc lập tự do của dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân [...] “Bộ đội Cụ Hồ” là tấm lòng ưu ái, sự tin cậy của nhân dân đối với Quân đội ta. Quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu là vinh dự, trách nhiệm của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ” (3).
Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có tinh thần vượt qua khó khăn, ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cương vị là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Quận ủy Hớn Quản và Chính trị viên Chi đội 1, đồng chí Lê Đức Anh luôn coi trọng tiến hành nhiều biện pháp giáo dục, động viên, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ. Do đó, các đội vũ trang, nhất là Chi đội 1 do đồng chí làm Chính trị viên nổi tiếng đánh giặc giỏi và có kỷ luật dân vận tốt. Khẩu hiệu “Không ra đi khi chưa trồng rau để lại cho người đến sau; không được đi khi chưa múc đầy ang nước; không đi khi nhà cửa chưa quét dọn sạch sẽ” đã trở thành nếp sống của bộ đội Chi đội 1. Ngày 14-6-1948, Chi đội 1 được cấp trên quyết định đổi thành Trung đoàn 301-trung đoàn đầu tiên ở Nam Bộ; đồng chí Lê Đức Anh tiếp tục được giao làm Chính trị viên.
Những năm tiếp theo của cuộc kháng chiến, cùng với thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của một cán bộ quân sự (4), đồng chí Lê Đức Anh luôn coi trọng tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị, cùng cấp ủy đảng giáo dục chính trị tư tưởng, qua đó xây dựng, củng cố bản chất cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Những đóng góp của đồng chí Lê Đức Anh đã trực tiếp xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao, tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần, giành thắng lợi trong nhiều chiến dịch có ý nghĩa quan trọng, như: Chiến dịch Bến Cát (1950); Chiến dịch Bình Giã (1965); Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City của Mỹ và tay sai (1966-1967); Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đánh bại 75 tiểu đoàn địch bình định, lấn chiếm Chương Thiện trên địa bàn Quân khu 9 (1973); Chiến thắng Đồng Xoài-Phước Long (cuối 1974, đầu 1975); Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) và đánh bại cuộc tiến công xâm lược của tập đoàn phản động Pol Pot trên tuyến biên giới Tây Nam, cùng quân, dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh là tấm gương mẫu mực về phẩm chất cách mạng, luôn “tuyệt đối trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn [...] luôn giữ vững ý chí, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” (5). Là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở tầm chiến lược, nhưng trong công tác, chiến đấu, đồng chí Lê Đức Anh không ngại hiểm nguy, luôn có mặt ở những nơi khó khăn để chỉ đạo cách giải quyết; gần gũi, thương yêu, quan tâm, chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, khẳng định: “Đối với đồng chí, đồng đội, Đại tướng Lê Đức Anh không phân biệt cấp bậc, chức vụ, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, luôn quan tâm, chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ và thực hiện chế độ, chính sách hậu phương quân đội” (6). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhấn mạnh: Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, đồng chí Lê Đức Anh “không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn thể hiện rõ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết” (7). Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh luôn căn dặn cấp ủy, chính quyền các địa phương: “Chúng ta làm cách mạng để giành chính quyền cho nhân dân, chính quyền của dân, do dân, vì dân” (8); theo đó, “cấp ủy, chính quyền địa phương phải có giải pháp thiết thực để bảo đảm các điều kiện phát triển sản xuất, bảo đảm quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân” (9). Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh “là một nhà chính trị, nhà quân sự tài năng [...] tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng, học tập và noi theo” (10).
Hai là, đồng chí Lê Đức Anh có những cống hiến to lớn trong xây dựng, hoàn thiện tổ chức, biên chế của quân đội, bảo đảm phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ qua từng thời kỳ cách mạng.
Xây dựng, hoàn thiện tổ chức, biên chế là một trong những nội dung cốt lõi trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Đức Anh đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, đề xuất và trực tiếp triển khai xây dựng, hoàn thiện tổ chức, biên chế của quân đội, bảo đảm phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ.
Đầu năm 1957, cách mạng Việt Nam có những chuyển biến quan trọng trên cả hai miền Nam-Bắc, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục xây dựng quân đội theo hướng chính quy, hiện đại, nâng cao sức mạnh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc và chi viện chiến trường miền Nam. Tháng 3-1957, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp Hội nghị lần thứ 12 (mở rộng), ra Nghị quyết về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, chỉ rõ: “Tích cực xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước lên chính quy và hiện đại” (11). Hội nghị đã chính thức phê chuẩn Kế hoạch xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng 5 năm (1955-1959). Quán triệt Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Tổng Tham mưu trưởng giao cho Cục Quân lực chủ trì đề án điều chỉnh xây dựng Quân đội giai đoạn 1956-1960.
Tháng 6-1955, cấp trên bổ nhiệm đồng chí Lê Đức Anh làm Cục phó Cục Tác chiến; đến tháng 5-1957, đồng chí được điều sang làm Cục phó Cục Quân lực; tháng 8-1961, đồng chí được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Quân lực; tháng 8-1963, đồng chí được bổ nhiệm Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Dấu ấn của đồng chí Lê Đức Anh trong thời gian này là đã tập trung nghiên cứu, xây dựng tổ chức quân đội, trước hết và chủ yếu là các đơn vị ở miền Bắc, theo hướng chính quy, hiện đại, biên chế gọn, làm việc hiệu quả. Với tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo tính biểu biên chế cho từng quân khu, nhà trường theo chức trách, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, đi từ việc xác định chức danh để bố trí nhân sự vào các vị trí thích hợp, nhằm phát huy hết phẩm chất và năng lực của mọi cá nhân, tổ chức. Ngày 21-2-1958, “Đề án Điều chỉnh xây dựng Quân đội giai đoạn 1956-1960” hoàn thành, được Bộ Chính trị thông qua; ngày 24-2-1958, Kế hoạch Chỉnh biên được hoàn chỉnh. Đầu tháng 3-1958, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị số 258.TV “Về công tác chỉnh biên năm 1958” trong toàn quân; ngày 21-3-1958, Bộ Quốc phòng ra “Quyết định về tổ chức biên chế, trang bị của các đơn vị binh chủng lục quân và những đơn vị đầu tiên của không quân, hải quân”. Tháng 7-1958, Cục Quân lực đã cùng các cơ quan có liên quan thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu hoàn chỉnh đề án chỉnh biên cơ sở. Yêu cầu chỉnh biên phải tạo cơ sở vật chất (kho, xưởng, bệnh viện) có biên chế tổ chức phù hợp với nhu cầu ngày càng tiến lên chính quy, hiện đại cả thời bình và thời chiến của quân đội. Ngày 20-10-1958, Bộ Tổng Tham mưu ra chỉ thị chỉnh biên cơ quan tỉnh đội, thành đội, huyện đội, châu đội, quy định cụ thể tổ chức cơ quan quân sự địa phương. Đây là những cơ sở rất quan trọng để Quân đội ta hoàn chỉnh từng bước về tổ chức, biên chế, nâng cao sức mạnh chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng), Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, mối quan hệ giữa cách mạng hai miền Nam-Bắc. Đến giữa năm 1959, Hội nghị Trung ương 15 (lần thứ hai) và sau đó là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) tiếp tục khẳng định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước. Đại hội xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc, phong kiến” (12); nhiệm vụ trước mắt là: “Chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam” (13). Đại hội quyết định thành lập Trung ương Cục để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, trước mắt là ở Nam Bộ. Về quốc phòng, Đại hội chủ trương: “Xây dựng Quân đội thường trực tiến lên chính quy, hiện đại” (14) để bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ở miền Bắc và tích cực chi viện chiến trường miền Nam.
Cụ thể hóa nhiệm vụ quân sự mà Đại hội Đảng đề ra, ngày 25-2-1961, Bộ Chính trị phê chuẩn “Kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ hai (1961-1965)”, nhấn mạnh: “Chính quy hóa và hiện đại hóa, bảo đảm cho quân đội có đầy đủ và có tỷ lệ tương xứng các thành phần binh chủng, quân chủng, có sức chiến đấu cao; xây dựng lực lượng thời bình phải tính đến khả năng chuẩn bị cho thời chiến” (15).
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Kế hoạch Quân sự 5 năm lần thứ nhất, bước vào thực hiện Kế hoạch xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng 5 năm lần thứ hai, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Cục Quân lực hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức quân đội, trang bị và xây dựng cơ sở vật chất theo hướng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại. Ngày 28-2-1961, “Kế hoạch tổ chức trang bị và xây dựng cơ sở vật chất cho Quân đội (1961-1965)” do Cục Quân lực chuẩn bị được Quân ủy Trung ương thông qua.
Đến cuối năm 1963, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, công tác tổ chức, biên chế trang bị và chấn chỉnh bộ đội thường trực đều đạt và vượt kế hoạch đề ra (16). Việc chấp hành điều lệnh, điều lệ của quân đội đi vào nền nếp. Công tác phòng thủ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, xây dựng dân quân và lực lượng dự bị... đều được triển khai đồng bộ. Quân đội đã có bước trưởng thành về tổ chức, biên chế, được xây dựng tương đối chính quy, gồm nhiều quân, binh chủng, sư đoàn, trung đoàn được trang bị thống nhất, hiện đại, khả năng cơ động, tác chiến được nâng cao một bước.
Từ tháng 2-1964 đến năm 1975, đồng chí Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ vào miền Nam công tác, giữ các chức vụ: Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; Tư lệnh Quân khu 9; Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây-Tây Nam đánh vào Sài Gòn, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam. Thời gian này, đồng chí đã có nhiều đề xuất quan trọng và trực tiếp soạn thảo, triển khai kế hoạch xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nói chung, các đơn vị quân đội nói riêng trên các địa bàn, đơn vị mình phụ trách, bảo đảm vừa thực hiện nghiêm chủ trương của cấp trên về xây dựng quân đội, vừa hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên hướng, địa bàn phụ trách. (17)
Ngày 18-2-1987, Bộ Chính trị và Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm đồng chí Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Với cương vị người chỉ huy cao nhất của quân đội, đồng chí cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng đề xuất Bộ Chính trị thông qua và trực tiếp triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng quân đội tinh, gọn, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thế trận phòng thủ đất nước được bố trí lại phù hợp, hiệu quả hơn; thế trận chiến tranh nhân dân và sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân được phát huy cao độ, nhất là ở các vùng biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược; đường biên giới với các nước được xây dựng, củng cố; lực lượng phòng thủ trên biển, đảo được tăng cường, quân số thường trực giảm nhưng tinh nhuệ, hiện đại, cơ động linh hoạt, chất lượng được nâng cao. Đồng thời, chú trọng xây dựng công nghiệp quốc phòng tự chủ, có khoa học kỹ thuật tiên tiến, có lực lượng cán bộ và nhân viên khoa học ngày càng phát triển; chú trọng nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng và cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị tiến tới tự động hóa phòng không tầm trung và tầm cao; lực lượng hải quân phát triển và bố trí ngày càng thêm chặt chẽ. Cơ cấu biên chế, tổ chức và nhiệm vụ, chức năng của các học viện, nhà trường trong toàn quân được điều chỉnh thích hợp. Điều đó đã giảm được chi phí quốc phòng trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, khi vừa phải tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phải đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế theo đường lối đổi mới để sớm đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội.
Ba là, đồng chí Lê Đức Anh luôn coi trọng phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Nghệ thuật quân sự Việt Nam bao gồm chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Là một nhà chính trị, quân sự tài ba của Đảng, đồng chí Lê Đức Anh đã sớm bộc lộ tư chất và khả năng chỉ huy tham mưu quân sự. Trưởng thành trong hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú, đồng chí Lê Đức Anh có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cương vị là Tham mưu trưởng Khu 7-một địa bàn trọng điểm, nơi diễn ra những trận đánh quyết liệt giữa quân và dân ta với quân đội Pháp và tay sai, đồng chí Lê Đức Anh đã dành sự quan tâm lớn cho công tác tổ chức chiến dịch, xây dựng và phát triển chiến thuật cho bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh và Cơ quan Tham mưu, lực lượng vũ trang Khu 7 đã tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Thông qua tổng kết thực tiễn chiến đấu, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương Khu 7 đã tìm ra nhiều cách đánh sáng tạo, hiệu quả. Từ cách đánh bí mật tiếp cận, thả lựu đạn vào bên trong tháp canh diệt địch, phơi sương làm mất hơi người để bí mật đột nhập vào đồn giặc, dùng đạn lõm và bộc phá để diệt lô cốt đầu cầu, đến cách dùng hai mũi đặc công cùng tiến hành mở hai cửa mở cho bộ binh xung phong tiến công đồn địch, tuy lúc đầu còn sơ khai, nhưng đã hình thành và phát triển thành “cách đánh đặc công”, “chiến thuật đặc công”-nỗi khiếp sợ đối với quân Pháp và quân Mỹ sau này.
Trong thời gian công tác tại Bộ Tổng Tham mưu, trên cương vị Cục phó Cục Tác chiến, đồng chí Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu kế hoạch xây dựng công trình phòng thủ bờ biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Đồng chí được Bộ Tổng Tham mưu cử làm trưởng đoàn cán bộ sang Trung Quốc để nghiên cứu những vấn đề chiến thuật, cách đánh đường hầm, công tác kế hoạch xây dựng công trình quốc phòng quốc gia... trong thời gian hơn một tháng. Sau khi về nước, đoàn họp, thảo luận thống nhất cách vận dụng vào địa hình Việt Nam để báo cáo Bộ và tổ chức phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn các quân khu xây dựng các công trình theo bản thiết kế phù hợp với cách đánh được Bộ phê duyệt. Đây là những tiền đề rất quan trọng cho công tác xây dựng công trình phòng thủ, vận dụng chiến thuật cách đánh đường hầm, địa đạo cho các đơn vị bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương cả nước trong hai cuộc kháng chiến.
Mùa khô năm 1966-1967, đế quốc Mỹ và tay sai mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, mà đỉnh cao là cuộc hành quân Junction City đánh vào Chiến khu Dương Minh Châu nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và chủ lực của ta, bịt chặt biên giới Việt Nam-Campuchia, mở rộng vành đai an ninh quanh Sài Gòn. Để vừa bảo toàn lực lượng, bám trụ trên địa bàn tác chiến không có dân, vừa đánh tiêu hao, tiêu diệt địch, trên cương vị Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã đề xuất: “Di chuyển những người và tổ chức thật cần thiết thuộc Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền đến nơi an toàn; lực lượng còn lại tổ chức thành các “huyện căn cứ”, các “xã căn cứ” để đánh địch tại chỗ, phát huy cao độ ưu thế của du kích chiến, kết hợp với các đơn vị chủ lực cơ động đánh vào bên sườn và phía sau đội hình quân địch” (18). Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền nhất trí đề xuất này và giao đồng chí Lê Đức Anh tổ chức lực lượng tại chỗ đánh địch. Sau gần hai tháng chiến đấu (22-2-1967 / 15-4-1967), ta đã loại khỏi chiến đấu hơn 14.000 tên và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ, cơ quan đầu não kháng chiến, đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của Mỹ-ngụy. Đề xuất của đồng chí Lê Đức Anh trong chiến dịch này là nét độc đáo, sáng tạo về nghệ thuật chiến dịch, tạo ra “thế trận chiến tranh nhân dân trên một địa bàn không có dân” để đánh địch, phát huy hiệu quả và giành thắng lợi to lớn trong thực tiễn.
Năm 1974, trên cương vị Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh khẩn trương xây dựng Kế hoạch Tác chiến mùa khô 1974-1975; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ lực Miền huấn luyện và hoạt động tác chiến theo kế hoạch mới, nhất là tập huấn cách đánh công kiên. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Miền chỉ huy các đơn vị liên tiếp tiến công địch, giành thắng lợi trong Chiến dịch Đường 14-Phước Long (6-1-1975). Đây được coi là “Trận trinh sát chiến lược”, là cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm Phó tư lệnh Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân tiến công trên hướng Tây-Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Với tài thao lược và kinh nghiệm trận mạc được tích lũy trong suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng, đồng chí Lê Đức Anh đã tổ chức lực lượng, xác định các hướng, mũi tiến công, giao nhiệm vụ, hiệp đồng cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận; chỉ huy cánh quân đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đây là những cơ sở thực tiễn quan trọng, góp phần hoàn chỉnh lý luận nghệ thuật chiến dịch quy mô lớn của Quân đội ta.
Đại tướng Lê Đức Anh đã đi xa, nhưng những cống hiến của đồng chí với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, sự nghiệp xây dựng quân đội vẫn luôn có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn. Với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh đã tham gia chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, đảm nhiệm cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước giai đoạn đầu tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Trên cương vị nào, Đại tướng Lê Đức Anh “cũng phát huy phẩm chất và năng lực, đóng góp hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân” (19); trong đó, nổi bật là những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng với sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc nói chung và đối với quân đội nói riêng; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo QĐND điện tử
(1) - Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb CTQG - ST, H, 2011, tr.435.
(2) - Lê Đức Anh, Mãi mãi xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, với lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, in trong sách: Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Đại tướng Lê Đức Anh và nhiều tác giả, Nxb CTQG, H, 2007, tr.54.
(3) - Mãi mãi xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, với lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, in trong sách: Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Sđd, tr.54 - 55.
(4) - Cuối năm 1948, đồng chí Lê Đức Anh được Xứ ủy Nam Kỳ bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Khu 7, đánh dấu bước chuyển của đồng chí từ cán bộ chính trị sang cán bộ quân sự.
(5), (6), (7) - Điếu văn do Thủ tướng Chính phủ đọc tại Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh. (Dẫn theo: http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Dieu-van-do-Thu-tuong-Chinh-phu-doc-tai-Le-truy-dieu-Dai-tuong-Le-Duc-Anh/20195/25802.vgp)
(8) - Đại tướng Lê Đức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb CTQG - ST, H, 2015, tr.337.
(9) - Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu tuyên truyền Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh. (Dẫn theo: http://www.tuyengiao.vn/tu-lieu/huong-dan-chi-dao/tai-lieu-tuyen-truyen-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-dong-chi-le-duc-anh-130475).
(10) - Điếu văn do Thủ tướng Chính phủ đọc tại Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh (Nguồn đã dẫn).
(11) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 18, Nxb CTQG, H, 2002, tr.287.
(12) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb CTQG, H, 2002, tr.919.
(13) - Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Sđd, tr.919.
(14) - Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Sđd, tr.934.
(15) - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Sđd, tr.337.
(16) - Kế hoạch chấn chỉnh tổ chức và điều chỉnh trang bị năm 1961 được các đơn vị thực hiện xong trong 6 tháng đầu năm.
(17) - Tháng 2-1976, đồng chí Lê Đức Anh được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9 khi toàn quân đang giảm quân số, giải thể các đơn vị. Đồng chí đề nghị giữ lại Sư đoàn 330 thường trực, đưa Sư đoàn 8 và Sư đoàn 4 làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế; tổ chức đào tạo cán bộ trung đội trưởng, trung đội phó, tiểu đội trưởng và một số chiến sĩ đã qua chiến đấu tại Trung tâm Đồng Tâm và đề nghị phong quân hàm sĩ quan cho các đồng chí này. Nhờ vậy, Quân khu giữ được ba sư đoàn và cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, bảo đảm phát huy kịp thời sức mạnh chiến đấu khi bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.
(18) - Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu tuyên truyền Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh. (Nguồn đã dẫn).
(19) - Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Sđd, tr.5.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Quân đội anh hùng, trung - hiếu sắt son - ( 22-12-24 12:00 )
- Quán triệt quan điểm của Đảng, xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại - ( 22-12-24 08:00 )
- Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm trang sử hào hùng - ( 22-12-24 08:00 )
- Phát huy truyền thống anh hùng, sự nghiệp vẻ vang, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - ( 22-12-24 08:00 )
- Trung đoàn 151: Sơ kết chương trình phối hợp hoạt động năm 2024 với các địa phương - ( 22-12-24 08:00 )