Cựu chiến binh gắn bó với nghề nuôi tôm

HQVN -

Gần 30 năm gắn bó với ao đầm, từ thời hoàng kim của con tôm sú giữa thập niên 90 của thế kỉ 20, cho đến nay số hộ gia đình bám trụ trên các đầm tôm ven TP. Nha Trang chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh (61 tuổi, phường Phước Long, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vẫn ngày đêm cặm cụi với nghề nuôi tôm truyền thống giữa vùng sông nước mênh mông.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Để đến được đầm tôm của ông Minh, chúng tôi phải men theo con đường đất chạy dài hàng cây số dọc theo bờ Tây sông Quán Trường, xuyên qua những rặng đước, rặng bần, cụm dừa nước hoang sơ. Nó đối lập với bờ bên kia-một Nha Trang hiện đại với hàng loạt chung cư cao tầng xen lẫn các biệt thự ven sông được thiết kế đa phong cách đông-tây-kim-cổ.

Đầm tôm của ông Minh nằm khuất sau rặng đước ven sông. Căn nhà nhỏ được ông dựng lên phía góc đầm vừa đựng công cụ vừa là chỗ ở để trông coi, chăm sóc cho con tôm mà cả đời ông từng gắn bó. Thực ra, trên mảnh đất này, ông cũng là dân ngụ cư chứ không phải người bản địa. Quê mãi tận huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, cuộc sống thuần nông nơi quê nhà thiếu trước, hụt sau với 5 đứa con và người vợ tần tảo khiến ông phải lên đường tìm cuộc sống mới. Năm 1993, một mình ông lặn lội vào TP. Nha Trang nuôi tôm thuê qua sự giới thiệu của người bà con. “Cũng như lính trinh sát chú ạ, ban đầu bác đi một mình vừa làm thuê, vừa xem xét nếu ổn thỏa thì cả gia đình mới theo vào”- Ông Minh tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Minh xử lý môi trường đầm trước khi đưa tôm vào nuôi

Thời trai trẻ, ông Minh có 5 năm làm người lính bảo vệ biên giới phía Bắc. Nhập ngũ tháng 3-1979, ông đóng quân tại Lạng Sơn, sau đó chuyển về Lục Nam, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) cho đến năm 1984 thì xuất ngũ. Vào Nha Trang đúng thời kỳ hoàng kim của nghề nuôi tôm sú, ông hơi choáng ngợp, bởi lúc ấy, cả cánh đồng phía Tây sông Quán Trường điện sáng thâu đêm. Hàng trăm hộ dân, hàng ngàn héc ta đầm trở nên nhộn nhịp. Người ta ăn, ngủ, thao thức cùng quá trình trưởng thành của con tôm. Tôm là vàng, đầm cũng là vàng, vàng theo đúng nghĩa đen thật sự.

Khi đó, giá 1 héc ta đầm vào khoảng 250-300 triệu (tương đương hơn 50 cây vàng). Nguồn tôm giống cực hiếm, phụ thuộc vào sự may mắn của ngư dân khi bắt được tôm sú mẹ ngoài biển. Giá tôm sinh sản cao ngất ngưởng, từ 8-10 triệu đồng/con. Tuy vậy, nếu ai mua được thì chỉ cần từ 3-4 lứa sinh sản, mỗi lứa từ 700 ngàn đến 1 triệu ấu trùng tôm, người nuôi tôm giống có thể thu về hàng trăm cây vàng.

Trong vòng quay lợi nhuận của con tôm sú thời hoàng kim, ông Minh từ người đi làm thuê trở thành người thuê các đầm để tự nuôi tôm. Nguồn lợi từ con tôm đã cho ông nguồn thu đáng kể để nuôi các con ăn học đàng hoàng. Ông sở hữu một cơ ngơi tương đối khá giả và đặc biệt là 1 héc ta đầm nuôi tôm mà ông gắn bó cho đến tận hôm nay.

Bám trụ với nghề truyền thống

Sự phồn vinh nào cũng có chu kỳ của nó. Nghề nuôi tôm ở Nha Trang không nằm ngoài quy luật này. Khoảng cuối thập niên 90, khi mà người dân chủ động được nguồn giống do các nhà khoa học trong nước tạo ra thì thị trường tôm giống bắt đầu lắng lại. Bên cạnh đó, do quá nhiều ao, đầm, thiếu quy hoạch, hoạt động trong thời gian khá dài, nguồn nước bị ô nhiễm khiến tôm chết hàng loạt, kéo theo sự xuống dốc không phanh về kinh tế của hàng trăm, hàng ngàn hộ nuôi.

Đến lúc này, người ta mới bán đổ, bán tháo đầm, đìa, dụng cụ để đi tìm một mô hình kinh doanh khác hiệu quả hơn. Riêng ông Nguyễn Văn Minh và khoảng hơn chục hộ vẫn tìm cách ở lại, sống cùng con tôm, cây đước. Những thăng trầm trong nghề nuôi tôm không làm ông nản chí. Có lẽ đã từng là người lính vào sinh ra tử, ông hiểu được giá trị của cuộc sống và cố gắng lèo lái nó theo hướng có lợi.

Từ mô hình nuôi tôm sú đến tôm thẻ chân trắng giống Hawaii, ông Minh kiêm cả nhập thức ăn cho tôm để bán cho các hộ nuôi trồng thủy sản khu vực lân cận. Lấy chỗ này bù chỗ khác nên đến thời điểm này, ông là một trong những người cuối cùng trụ lại trên các đầm tôm ven nội thành Nha Trang.

Đầm nuôi tôm tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa của ông Nguyễn Văn Minh

Hiện tại, ông Minh sở hữu 1 héc ta đầm, mỗi mùa thu hoạch, trừ các chi phí, thu về khoảng 25-30 triệu đồng. Số tiền không nhiều so với công sức bỏ ra nhưng ông vẫn ngày đêm bám trụ. Ở tuổi 61, khi con cái đã yên bề gia thất, đáng ra đã được an hưởng tuổi già, nhưng người cựu chiến binh ấy vẫn miệt mài lao động, ngày đêm chạy xe bỏ thức ăn cho các hộ nuôi và chăm sóc mấy ao tôm. Khi các con gợi ý mua lại đầm để bố đỡ vất vả, ông chỉ cười và lắc đầu: “Con tôm đã cho bố tất cả. Bố không thể phũ phàng với nó. Chỉ khi nào Nhà nước trưng dụng lại đất đai, nếu không bố vẫn sẽ nuôi tôm đến già”.

Giờ đây, ông Minh nuôi tôm gần như hoàn toàn tự nhiên, không theo kiểu công nghiệp. Bởi theo ông, nương tựa vào tự nhiên, nuôi thuận theo tự nhiên sẽ không bao giờ bị lỗ, chỉ có lãi ít hay nhiều mà thôi. Mỗi lần có dịp trò chuyện, ông lại say sưa kể về kinh nghiệm và niềm đam mê với nghề nuôi tôm giống của mình.

Như cái nghiệp vận vào người, nhìn ông bước thoăn thoắt trên bờ thửa, xử lý nước hay cho tôm ăn với nụ cười thật tươi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, chúng tôi hiểu rằng, những ngày lặn lội trên đầm, đìa là những ngày ông hạnh phúc nhất.

Bài, ảnh: Hồ Anh Mão

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn