Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay đổi ở tương lai

HQ Online - Cách đây đúng 40 năm, rạng sáng ngày 17-2-1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc đã bất ngờ mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam dài hơn 1.000 km thuộc địa bàn 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu).

Quân xâm lược Trung Quốc đã bắn phá, tiêu hủy tất cả các cơ sở, kho tàng, nhà ở của ta ở các thị xã, thị trấn và các làng bản, bắn giết vô cùng tàn bạo nhân dân ta. Chúng tiến sâu vào địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu từ 10 -15 km, tiến sâu vào đất Cao Bằng gần 50 km. Vượt trội cả về binh lực lẫn hỏa lực, Trung Quốc vẫn không thể khuất phục ý chí của quân dân Việt Nam.

Trước sự tấn công bất ngờ của quân xâm lược Trung Quốc, quân đội và nhân dân Việt Nam, trực tiếp là dân quân, du kích và bộ đội địa phương ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc và tiếp đó là quân chủ lực được tăng cường, đã dũng cảm kiên cường chiến đấu đánh lại chúng, bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Sơ đồ cuộc tiến công của quân xâm lược Trung Quốc ngày 17-2. Ảnh tư liệu

Sáng 5-3-1979, lệnh tổng động viên được ban bố, 50 triệu người Việt Nam khi ấy đã sẵn sàng chuyển từ thời bình sang thời chiến. Nhưng chỉ đến trưa 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân. Tuy nhiên, tại một số điểm thuộc một số tỉnh ở khu vực biên giới, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt ở mặt trận Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang, những trận đánh đẫm máu để giành giật từng điểm cao với những hy sinh vô cùng lớn vẫn chưa chấm dứt, mà phải đến tháng 9-1989 chiến tranh mới thật sự kết thúc.

Trong giai đoạn đó, Quân chủng Hải quân đang tập trung lực lượng bảo vệ các vùng biển trọng điểm của Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Theo mệnh lệnh của trên, Đội 5 trinh sát thuộc Tiểu đoàn 861 Đặc công Hải quân được thành lập. Cán bộ, chiến đấu viên của Đội đảm nhiệm trinh sát nắm tình tình và phối hợp với các lực lượng bảo vệ an toàn cho Đặc khu Quảng Ninh.

Chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu tại cột mốc biên giới Lạng Sơn. Ảnh tư liệu

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam của quân và dân Việt Nam là cuộc chiến đấu vì chính nghĩa. Trong một bối cảnh như vậy, chúng ta không còn cách nào khác bởi kẻ thù đã buộc ta phải cầm súng. Cách đây 10 năm, tức là 30 năm sau khi đất nước Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng của tập đoàn phản động Pôn Pốt-Iêng Sary, các cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ mới được đưa ra xét xử bởi 1 tòa án quốc tế và cũng phải đến ngày 16-11-2018, phiên tòa bất thường trong hệ thống tòa án của Cam-pu-chia dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc mới ra được phán quyết: Các cựu thủ lĩnh Khiêu Xăm Phon và Nuon Chea của tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại.

Một cây cầu bắc qua biên giới 2 nước bị quân Trung Quốc phá hủy. Ảnh tư liệu

Tù binh Trung Quốc bị bắt tại Cao Bằng. Ảnh tư liệu

Đây là phán quyết mang tính lịch sử cho thấy cộng đồng quốc tế đã nhận thấy rõ tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ và không thể tha thứ cho hành động này. Dẫu có muộn màng nhưng sự thật lịch sử và tính chính nghĩa sáng ngời của việc Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia tiêu diệt lực lượng Khmer Đỏ và giúp hồi sinh đất nước Chùa Tháp đã thêm sáng tỏ; khẳng định Việt Nam đã đóng vai trò rất to lớn trong việc vạch trần tội ác của chế độ này.

40 năm trôi qua, nhưng ký ức về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 vẫn hằn sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam bởi tính chất ác liệt của nó. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước mà cả trên thế giới.

Kế thừa truyền thống hòa hiếu của dân tộc, lấy đại cục làm trọng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chủ trương và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991. Từ đó đến nay, hai nước chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, cùng nhau đẩy mạnh quan hệ hợp tác phát triển, nâng quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc lên tầm cao mới, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước.

Nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 với quá nhiều hy sinh, đau thương và mất mát, không phải là để khoét sâu thêm nỗi đau chiến tranh, mất mát, mà chính là để làm sáng rõ sự thật lịch sử về cuộc chiến tranh này. Thế hệ chúng ta cần tôn trọng những quyết định của lịch sử, vì chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay đổi ở tương lai với một đất nước hùng cường và thịnh vượng. Đó chính là cách để báo đáp các bậc tiền nhân, là hành động để đền đáp lại sự hy sinh của nhân dân, nhất là của những gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, cựu chiến binh, những người đã từng tham gia vào cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất để bảo vệ biên giới Tổ quốc trước sự xâm lược của quân Trung Quốc.

Nguyễn Toàn


Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn