Cùng hành động để bảo vệ đại dương
HQ Online -
Ngày Đại dương thế giới 8/6/2022 được Liên hợp quốc lựa chọn là “Hồi sinh: Cùng hành động vì đại dương”, gửi gắm thông điệp kêu gọi các quốc gia cùng phối hợp giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.
Các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên mở rộng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo biển đạt 10.000 MW lắp đặt vào năm 2030. Ảnh: Cao Tuấn
Điều này đòi hỏi các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi công tác quản trị đại dương, hướng tới mục tiêu phát triển một nền kinh tế biển (KTB) bền vững.
Đại đương đang bị đe dọa nghiêm trọng
Đại dương có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo thực phẩm, sinh kế, điều hòa môi trường sống của con người. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu và sự khai thác quá mức của con người, đại dương đang bị ô nhiễm và suy kiệt nghiêm trọng, đe dọa an ninh lương thực, sinh kế, tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của nhiều quốc gia.
Tại hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải pháp cho nền KTB xanh có khả năng chống chịu” tổ chức hồi giữa tháng 5-2022, với sự tham dự của hơn 70 quốc gia, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Đại dương thân yêu của chúng ta đang đứng trước những nguy cơ rất nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hoạt động khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển và các rủi ro khác”.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, những nguy cơ này diễn biến ngày càng nhanh và khó lường. “Nếu chúng ta không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ, kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn, nhiều vùng đảo và vùng ven biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng.
Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia, dân tộc. Vì vậy, phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của tất cả chúng ta, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết: “Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng, Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để vừa bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho mọi người dân, vừa làm tròn nghĩa vụ bảo vệ biển và đại dương cùng cộng đồng quốc tế cho các thế hệ mai sau. Chúng tôi sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong việc giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu, vì biển và đại dương xanh, trong lành và một nền kinh tế bền vững”.
Bảo vệ đại dương là đảm bảo cho tương lai
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng: “Bảo vệ sức khỏe của các đại dương chính là bảo đảm bền vững cho giải quyết các vấn đề tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng xã hội, an ninh lương thực, sinh kế và việc làm ở nhiều quốc gia, đặc biệt đối với các quốc gia dễ bị tổn thương như các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các quốc gia có vùng ven biển thấp.
Để bảo vệ đại dương, trái đất cho các thế hệ hôm nay và mai sau, chúng ta cần thống nhất về nhận thức và hành động để xác định đúng các rủi ro, chuyển hóa những thách thức nghiêm trọng thành những cơ hội phát triển mới, kịp thời khắc phục được những khiếm khuyết trong các mô hình phát triển trước đây”.
Các chuyên gia cho rằng, xây dựng nền kinh tế xanh bền vững và có khả năng chống chịu, cần phải bắt đầu bằng việc giải quyết một loạt các vấn đề quan trọng, trong đó có việc cải thiện công tác quản trị đại dương toàn cầu; giải quyết việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản và khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo của đại dương.
Với bờ biển đẹp, nhiều đảo hoang sơ, Việt Nam cần có sự thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng khách quốc tế từ 8 - 10%/năm. Ảnh: Bích Nguyên
Trong đó, kịch bản xanh lam mang lại lợi ích vượt trội về sự đóng góp tổng thu nhập quốc nội (GDP), tổng thu nhập quốc dân (GNI) của các ngành KTB và thu nhập bình quân đầu người cho các lao động nghề biển. Cụ thể, khi kịch bản xanh lam được áp dụng, GDP sẽ tăng trưởng hơn kịch bản cơ sở 296.000 tỷ đồng vào năm 2025 và 538.000 tỷ đồng vào năm 2030. Thu nhập bình quân đầu người cũng sẽ tăng 8% so với kịch bản cơ sở.
Bên cạnh đó, cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới; khắc phục bằng được những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu trong giai đoạn tới.
Quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển, ven biển, phát triển năng lượng dựa vào đại dương phải dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật biển xanh, tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kêu gọi các quốc gia cam kết mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương. “Đây không chỉ là trách nhiệm đối với sự sinh tồn của cộng đồng dân cư của mỗi quốc gia, mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, của thiên nhiên, nơi nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự thịnh vượng của nhân loại trên trái đất” - Phó Thủ tướng nói.
Bích Nguyên
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam - ( 14-10-24 08:00 )
- "Địa chỉ xanh" giữa biển - ( 07-01-24 09:00 )
- Xã đảo Tam Hải thanh bình bên bờ sóng - ( 12-12-23 09:00 )
- Khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy kinh tế biển Đà Nẵng phát triển - ( 05-11-23 07:00 )
- Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố - ( 17-09-23 04:00 )