Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Sa: Điểm tựa tinh thần nơi đầu sóng
HQVN -
Cách đất liền hàng trăm hải lý, Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa như một điểm tựa tinh thần cho quân, dân giữa muôn trùng phong ba bão tố. Hình ảnh Đại tướng giữa biển trời mênh mông như tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa cũng như đồng bào cả nước chung tay bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trước đây, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã xây dựng vườn hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vườn hoa tưởng niệm rộng gần 100m2 được xây dựng trong vòng 103 ngày (đúng bằng tuổi thọ của Đại tướng).
Công viên trên đảo Sơn Ca
Tháng 4-2014, cùng đoàn công tác đến thăm đảo Sơn Ca, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã nảy ra ý tưởng xây dựng Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo. Ý tưởng này nhanh chóng được Bộ Tư lệnh Hải quân ủng hộ và triển khai thực hiện. Ngân hàng Quân đội là nhà tài trợ duy nhất của công trình ý nghĩa này. Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân vinh dự được giao nhiệm vụ trực tiếp xây dựng công viên.
Trung tá Phạm Tài Bá, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 131 là một trong những người trực tiếp xây dựng Công viên Đại tướng trên đảo Sơn Ca (khi đó anh là Chính trị viên Khung xây dựng công trình). Nói về quá trình xây dựng công viên, Trung tá Bá kể: “Thời tiết ngoài đảo vô cùng khắc nghiệt nhưng có ngày những người lính Công binh đã cõng đến cả trăm tấn vật liệu trên vai chuyển từ tàu vào đảo. Cán bộ, chiến sĩ phải tiết kiệm nước ngọt trong sinh hoạt để xây dựng công trình nhưng ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi thi đua đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình".
Các đại biểu thăm đảo Sơn Ca làm lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt nhưng công trình đã được hoàn thiện đúng tháng 5-tháng kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam và Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Trung tâm công viên là chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cao 1,76m, ngang 1,76m được tạc từ đá sa thạch nguyên khối do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thực hiện. Bức tượng đã thể hiện thần thái uy nghi và quyết đoán của vị Tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, bậc thiên tài quân sự của thế giới, người đã sáng suốt đề xuất Quân ủy Trung ương quyết định sớm giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Sơn Ca (25-4-1975).
Sau chân dung Đại tướng là một bức tường hình vòng cung chạy thành hai cánh ôm phía sau bức tượng dài 24m, cao 2,5m. Bức tường được trang trí hình sóng cuộn, phía trên gắn 300 bức ảnh tư liệu lịch sử in trên gốm thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời của Đại tướng gắn với lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, các giai đoạn lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam…
Thượng tá Nguyễn Như Tuyến, Chính trị viên đảo Sơn Ca chia sẻ: “Rất vinh dự và tự hào cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca khi Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng trên đảo. Chúng tôi coi đây là vinh dự và trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Công viên là nơi chúng tôi tổ chức sinh hoạt, giáo dục truyền thống quân đội và những công lao to lớn của Đại tướng đối với quân đội, đất nước. Chúng tôi xây dựng những tiêu chí để cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca học tập và noi theo gương Đại tướng”.
Điểm tựa tinh thần nơi đảo xa
Ngày ngày, sau những giờ học tập, công tác, những chiến sĩ trẻ và nhân dân trên đảo lại đến Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp để cắt tỉa cây cảnh, chăm sóc cho công viên được khang trang, sạch đẹp.
Trung sĩ Nguyễn Văn Khánh, Chiến sĩ đảo Sơn Ca chia sẻ: Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được công tác trên đảo, nơi có Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi tự nhận thấy rằng mình phải tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, luôn nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca thường xuyên chăm sóc khuôn viên công viên
Ông Hồ Sinh, quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là ngư dân tàu cá QNg 90585 TS. Năm nay ông 61 tuổi nhưng đã có hơn 40 năm gắn bó với ngư trường truyền thống Trường Sa. Đánh bắt hải sản gần khu vực đảo Sơn Ca, ông Sinh thường vào đảo khi trên tàu có người đau ốm cần sự giúp đỡ của các y, bác sĩ, khi thì xin hỗ trợ nước ngọt, ít rau xanh… Mỗi lần lên đảo, ông đều đến thắp hương tại Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Sinh trải lòng: “Chúng tôi đi biển 2 đến 3 tháng mới về bờ. Đi biển cực lắm, phải đối mặt với bao nguy hiểm, sóng gió… Mỗi lần lên đảo thắp cho Đại tướng tuần nhang cầu trời yên, biển lặng cũng thấy ấm lòng và đỡ nhớ nhà”.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi luôn lấy tấm gương của Đại tướng để giáo dục nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa thường xuyên phấn đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ vừa xây dựng phát triển đảo ngày càng khang trang hơn, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo”.
Không chỉ trên đảo Sơn Ca mà trên các đảo, điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa hôm nay, bên cạnh ảnh thờ Bác Hồ là ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cán bộ, chiến sĩ ra đảo công tác hoặc hoàn thành nhiệm vụ tại đảo chuẩn bị về bờ đều thắp hương báo cáo, báo công với Bác, với Đại tướng.
Noi gương Đại tướng, cán bộ, chiến sĩ Hải quân hôm nay luôn tích cực học tập, rèn luyện ý chí, vượt mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Thanh Hà
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Ấn tượng triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” - ( 24-11-24 09:00 )
- Vùng 3: Giao nhiệm vụ cho lực lượng tham liên hoan nghệ thuật quần chúng - ( 23-11-24 01:00 )
- Lữ đoàn 162 tham gia thử thách chạy bộ “Higreen – Vì Trường Sa xanh” - ( 23-11-24 01:00 )
- Tiểu đoàn 158 tổ chức giao hữu thể thao - ( 22-11-24 08:00 )
- Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 682 tham gia thử thách chạy bộ “Higreen – Vì Trường Sa xanh” - ( 21-11-24 09:00 )