Cơm nhà
HQVN -
Người ta thường nói “muốn hiểu rõ về một người phụ nữ, hãy nhìn vào căn bếp của họ”. Căn bếp ấm áp, thường xuyên đỏ lửa, được bố trí sạch sẽ, gọn gàng phần nào phản ánh tính cách, nếp sống của người vợ, người mẹ trong gia đình đồng thời cũng cho người khác cảm nhận và hình dung được cuộc sống sinh hoạt và không khí của gia đình ấy…
Có thể không quá quan trọng việc mỗi ngày được ăn món gì, thức ăn đề huề hay giản tiện, giàu mỹ vị hay đạm bạc đơn sơ. Cơm nhà hàm chứa một giá trị thiêng liêng hơn ở không khí chan hòa yêu thương, gắn bó, nơi những câu chuyện đời thường có cơ hội được đoàn tụ, san sẻ cùng nhau. Bữa cơm là nơi chứng kiến bàn tay ân cần chăm bẵm của người mẹ, người vợ trong từng buổi chợ cùng tình yêu và tâm huyết mà họ gửi vào mỗi bữa ăn.
Ảnh minh họa
Thực tế, có nhiều bà mẹ tuy đã được báo trước chồng con bận bịu không dùng bữa nhưng không bỏ được thói quen mỗi chiều vẫn ngồi bó gối đợi chồng con về bên cạnh mâm cơm đang nguội dần. Nếu ai đã đôi lần chứng kiến cảnh mẹ hay vợ mình đon đả chợ búa, nấu nướng, chăm chút từng bữa cơm gia đình để mỗi chiều trước mâm cơm trầm tư ngồi đợi, hẳn sẽ trân trọng biết bao nhiêu tấm tình của họ để có thể từ chối hay gác lại những cuộc hẹn bên ngoài. Với nhiều người phụ nữ, việc chợ búa, cơm nước cho chồng con cũng giúp họ an tâm hơn về khâu vệ sinh, dinh dưỡng nên thường không quên dặn con… đi đâu, làm gì nhớ giờ về ăn cơm.
Tôi cũng gần như không có thói quen ăn uống bên ngoài mặc dù khá tiện lợi và tiết kiệm thời gian, bởi không thích nghi được với không gian ồn ã, kém thoải mái, có khi còn chen lấn, bụi bặm. Với tôi, miễn là cơm nhà thì… ăn gì cũng ngon. Đôi khi quá bận rộn, chỉ cần một đĩa rau muống luộc, mấy quả cà cùng đĩa trứng chiên hay đậu khuôn cũng xong bữa. Mỗi cuối tuần rảnh rang hơn thì tranh thủ ghé chợ chọn mua thức ăn cả nhà ưa thích rồi mặc sức bày biện nấu nướng. Tôi thích cái cảm giác được cùng vợ vào bếp mỗi chiều, cùng đỡ đần nhau nhặt rau, nấu xào, rửa chén… Đó cũng là khoảng thư giãn sau một ngày dài đánh đu với công việc, có những phút giây được trò chuyện, chia sẻ cùng nhau để trút bỏ nhọc nhằn.
Xã hội càng hiện đại, mỗi người ngày càng dành thời gian cho công việc, bận bịu nhiều hơn. Thậm chí, có người quanh năm “cơm hàng cháo chợ” không phải vì họ đã đánh mất đi nghĩa vụ với gia đình, quên hẳn thói quen vào bếp. Chẳng thế mà ngay cả ở người trẻ, họ vẫn thường tranh thủ tối đa những ngày nghỉ hiếm hoi của mình chỉ để được về nhà ăn “cơm mẹ nấu”.
“Cơm mẹ nấu” - tôi thích cách gọi giàu hình tượng này dù nó thật giản dị. Uớc muốn ngỡ nhỏ nhoi ấy chứa đựng trong đó biết bao nỗi khát thèm tình yêu thương, sự chăm bẵm của mẹ cha, không khí sinh hoạt gia đình. Ở đấy, trả lại cho ta những khoảnh khắc bình yên, lắng dịu đi bao phiền muộn.
Cơm nhà, vì lẽ đó đã vượt lên mọi giới hạn thuần túy của một bữa ăn!
Ngô Thế Lâm
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn