Có ai còn nhớ trò chơi cỏ gà…

HQ Online -

Tuổi thơ của thế hệ 8X trở về trước, ai cũng có trong gia tài ký ức của mình tên một loại cây gọi về bao kỷ niệm: Cây sung, cây gáo, cây gạo, cây phượng, cây trứng cá, cây sim, cây khế… hay chỉ đơn giản là cây xấu hổ mọc dại ở ven đường.

Quê tôi nghèo lắm, cái nghèo bám vào gót chân nứt nẻ của mẹ, hằn lên khuôn mặt khắc khổ của cha. Ngày ba tháng tám, cơm không đủ ăn, mẹ dành những hạt gạo cuối cùng nấu cháo loãng cho ba cha con còn mẹ thì ăn củ mài, củ sắn. Đi học về, dắt trâu ra đồng, tôi đói đến hoa cả mắt. Có lần đói quá, gục trên lưng trâu ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Ngủ dậy thì cũng vừa qua cơn đói.

Ấy vậy mà trái ngược với đời sống vật chất, đời sống tinh thần của trẻ con chúng tôi ngày đó vô cùng phong phú. Quần áo vá chằng vá đụp, cơ thể gầy guộc vì thiếu đói, những cứ rảnh lúc nào là túm năm tụm ba bày ra đủ các trò chơi cực kì hấp dẫn. Nào là đánh đáo, nhảy dây, nào là chơi bi, đá cầu… Trong số các trò chơi dân dã ấy, có một trò mà lũ trẻ chăn trâu vô cùng yêu thích: chơi đá gà.

Sau những cơn mưa rào mùa hạ, khắp triền đê, cánh đồng, cỏ gà mọc lên tua tủa, đan bện vào nhau thành một thảm dày xanh mượt như nhung. Thân cỏ mảnh, lại dài như sợi chỉ nên còn gọi là cỏ chỉ. Cỏ chỉ có sức sống dẻo dai đến lạ, cứ âm thầm bò miên man trên mặt đất, bò đến đâu là ăn sâu bén rễ vào đó. Gặp nơi không thuận lợi để cắm rễ mọc lên bụi mới, những sợi cỏ mảnh sẽ dừng lại, cái đầu chỉ bắt đầu mập ra, phình to rất nhanh và vươn lên ngạo nghễ y hệt đầu của một chú trống choai đang độ hiếu chiến. Ấy chính là những “con gà” mà lũ trẻ chăn trâu mê mải kiếm tìm. 

Chiều nào cũng vậy, sau khi buộc trâu vào cọc tre cho chúng nhởn nhơ gặm cỏ, bọn trẻ lại tỏa đi khắp nơi tìm cỏ gà thi đấu. Dù cỏ đầy đồng đầy bãi nhưng đầu cỏ biến thành “gà” thì lại không nhiều. Tôi cứ dí mắt xuống cỏ mà lần tìm từng bụi, từng bụi một, mặt mũi bê bết đất, có hôm về nhà tắm rửa kì cọ ba bốn ngày vẫn còn những vết đen mờ mờ trên trán. Tìm được “gà” đạt tiêu chuẩn khó lắm. Nhưng đứa nào chơi chọi gà nhiều sẽ có kinh nghiệm chọn “gà”, chúng tìm những nhánh cỏ màu tía, già đanh, dẻo dai chứ không chọn nhánh cỏ mập mập, mọng nước, dễ bị gãy đứt.

Sau khi mỗi đứa có trong tay một nắm cỏ kha khá thì cuộc thi chọi gà bắt đầu. Thao tác chọi cực kỳ đơn giản. Một đứa cầm phần thân cỏ, đưa búi lá đầu gà ra phía trước. Đứa kia dùng “gà” của mình vụt mạnh xuống một cái. Luân phiên mỗi bên sẽ dùng sức quật, ngoặc “cổ gà” mình vào “cổ gà” đối phương. Cứ lần lượt như vậy cho đến khi “đầu gà” rụng xuống, thay cọng cỏ khác và ai hết nắm cỏ trong tay trước là thua cuộc. Kỹ năng thi thố chẳng có gì cao siêu nhưng đứa nào tinh ý và chơi nhiều thì cũng tự đúc rút cho mình một vài mẹo vặt. Ấy là khi vụt “gà” thì phải vụt dứt khoát, miết cổ tay về phía “đầu gà” của đối phương. Ngược lại khi đến lượt mình đưa “gà” cho đối phương “chém” thì kinh nghiệm là phải cầm cỏ một cách vừa phải, không được cầm quá chặt. Khi tay đối phương vừa chém xuống thì nhanh chóng nương xuôi theo nhát chém, như vậy tay đối phương mất lực, “cổ gà” của mình không bị “gà” đối phương chặt đứt.

Phần thưởng cho người thắng cuộc là bắp ngô nướng, củ khoai luộc hoặc đôi khi chỉ là cõng nhau chạy một quãng đồng, thế mà khi chơi thì say sưa đến lạ.

Giờ, mỗi lần về quê, qua cánh đồng làng, tôi lại nhớ cỏ gà và những trò chơi tuổi thơ da diết…

                        Nguyễn Ánh Nguyệt

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn