Chuyện về Trường Sa ở Kỳ Cùng

*Lần đầu tiên trong đời, chị được tham gia đoàn công tác của tỉnh Lạng Sơn đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa. 7 giờ 30 sáng 7-5, Tàu KN 491 xuất phát từ cảng Cát Lái nhằm hướng mặt trời thẳng tiến. Đây là một cơ hội hiếm để chị cùng mọi người đi và trải nghiệm. Một hành trình hàng trăm hải lý đầy ý nghĩa để chị có sự hiểu biết về biển, đảo bằng trực giác với thật nhiều xúc cảm dạt dào.

Điểm đầu tiên tàu 491 cập bến là đảo Song Tử Tây. Chị đã được dự buổi lễ chào cờ thiêng liêng trên đảo. Khi bài quốc ca vang lên, chị đã không kìm nén được nỗi xúc động dâng cao. Nước mắt chị tuôn trào. Những bước chân  duyệt binh đầy can trường, mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây trong buổi lễ giữa trùng khơi càng làm cho mọi người thêm vinh dự, tự hào, tin tưởng. Cảm ơn những người con của mọi miền Tổ quốc đã về đây kiên cường, bền bỉ cống hiến và xây dựng để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, dân tộc.

 

Nhân vật (ngoài cùng bên phải ảnh) tham quan lớp học trên đảo Trường Sa

 Rồi những đảo nổi, đảo chìm khác mà chị và đoàn công tác đến thăm cũng luôn làm cho cảm xúc của chị dâng trào. Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Len Đao, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Đá Tây, Đá Lát, Trường Sa… Biển trời Trường Sa dù bao la rộng lớn vẫn luôn được đong đầy thương yêu bằng những giọt nước mắt vui mừng, xúc động. Cuộc sống đời thường nơi phên dậu quốc gia vẫn đủ đầy rau xanh, trái ngọt. Vẳng đâu đây những câu đồng dao của các em bé làng chài, tiếng đại hồng chung ngân nga buổi sớm cùng lời nguyện cầu quốc thái, dân an của thầy trụ trì chùa Trường Sa.Chị đã gặp và nói chuyện với những người thầy giáo ở Trường Sa, Song Tử Tây về điều kiện giảng dạy, học tập của thầy và trò trên đảo. Thật khâm phục những con người tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” nơi đảo xa của Tổ quốc. Thầy Mạnh, thầy Quyết đã đưa chị tham quan phòng học và chiêm ngưỡng những sản phẩm, đồ chơi do thày trò trên đảo tự làm, có cả những bông hoa điểm mười ngộ nghĩnh và sống động.

Rồi rất nhiều kỷ niệm đến giờ chị vẫn không thể nào quên. Thầy Thích Tâm Tánh-trụ trì chùa Trường Sa đã tặng mỗi người một viên đá san hô do thầy trực tiếp viết chữ thư pháp lên trên đó làm kỷ niệm. Cây bút mà thầy viết đã ngả màu và ngòi viết cũng đã mòn đi theo năm tháng. Kết thúc chuyến thăm, ngay trên cầu tàu đảo Trường Sa là cuộc chia tay đầy lưu luyến. Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa xếp hàng ngay ngắn ở âu tàu hát vang những bài hát hào hùng. Lời chào: "Chúc các thủ trưởng mạnh khoẻ"-"Hẹn ngày gặp lại" để tiễn đoàn khiến cho chị và mọi người lại một lần rơi lệ thương yêu.

 

Đoàn công tác tỉnh Lạng Sơn và đại biểu một số tỉnh thành thăm đảo Trường Sa tháng 5-2017. Ảnh: TG

 * Bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa, cao hơn 1.000 mét, con sông Kỳ Cùng trong mát uốn lượn, cung cấp nguồn nước ngọt cho tỉnh Lạng Sơn rồi chảy sang Trung Quốc. Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc Việt Nam chảy ngược. Nước sông không thể đổ về biển lớn theo thông lệ của các con sông khác đủ để nói về khoảng cách xa xôi từ miền biên ải này. Dòng sông cứ uốn quanh địa phận Lạng Sơn như nỗi niềm trăn trở của con người với những gì đang còn gian khó của những người lính biển.

Đại úy Phan Văn Bình, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng với chị về nỗi niềm của những người canh giữ đảo, những người biền biệt khơi xa, chỉ gần vợ con, gia đình trên sóng điện thoại. Suốt hành trình, chị cứ day dứt khi nghĩ đến những người vợ, người con lính biển phải tự “độc lập tác chiến” trong cuộc sống hiện nay. Lạng Sơn có hòn Vọng Phu-một khối đá tự nhiên hình một người phụ nữ bồng con hướng nhìn về phương xa. Sự tích về hòn Vọng phu thì có rất nhiều nhưng sự tích truyền miệng kể về một người đàn bà chờ chồng hóa đá được nhiều người biết hơn cả. Đây là một câu chuyện cảm động về tình yêu, phẩm giá thuỷ chung và lòng sắt son của người phụ nữ chờ chồng. Trên dải đất Việt Nam hình chữ S có biết bao nhiêu nàng Vọng Phu như thế. Vợ những người lính biển, lính đảo xa chồng. Năm thì mười họa, các chị mới được là vợ, là đàn bà theo đúng nghĩa…

 Sau chuyến đi Trường Sa ấy, chị đã kể cho rất nhiều người chuyện về những người lính đảo Trường Sa-những con người rắn rỏi, kiên trung đang hiến dâng sức trẻ giữ gìn biển, đảo quê hương; chị kể về tấm gương 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh năm 1988 để giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Lại là những dòng nước mắt lăn dài. Chị đã khóc. Nhiều người đã khóc. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam như một tượng đài bất diệt trong sâu thẳm trái tim của chị cũng như của mỗi người dân đất Việt.

 Biết ơn thầy Thích Tâm Tánh, chị đã cùng bạn bè tìm mua và gửi tặng thầy những món quà: Bút viết thư pháp, mực viết, đèn pin, đèn hoa sen ở chùa, hộp trầm, bát đốt trầm... Như thấu hiểu tấm chân tình của những người con từ đất mẹ Lạng Sơn, sau 10 ngày, những món quà đó đã đến được với người nhận. Chị đã xúc động đến nghẹn lòng khi thực hiện xong một tâm nguyện nhỏ với Thầy. Còn tâm nguyện lớn hơn, chị cũng bắt đầu thực hiện, đó là việc góp phần cùng các ban, ngành, đoàn thể giúp cho bà con các dân tộc Lạng Sơn biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về huyện đảo Trường Sa, về những người lính biển Việt Nam đang canh giữ yên bình cho biển, trời Tổ quốc.                      

 Minh Đức

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn