Chuyện về thẻ căn cước...
- Các ông ơi, không hiểu vì sao kỳ họp này Quốc hội lại xem xét, cho ý kiến vào dự thảo Luật Căn cước, rồi sẽ đổi thẻ căn cước công dân (CCCD) thành thẻ căn cước. Tôi thấy mấy trang “lề trái” nó phản đối, bảo là vẽ việc để kiếm chác...
- Đúng đấy, tôi cũng thấy trên mạng xã hội có người cho rằng việc thay đổi này nhằm thu lợi cho cơ quan chức năng, còn người dân phiền phức, tốn kém thì mặc kệ!
Rót nước trà mời mấy người bạn già cùng xóm xong, ông Tuấn mở điện thoại thông minh ra, tìm bài báo đưa cho các bạn xem và phân tích:
- Lúc đầu, tôi cũng nghĩ như các ông. Nhưng rồi tôi vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để tìm hiểu thì mới biết, việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 thành Luật Căn cước là một bước đột phá trong quản lý dân cư, phục vụ chuyển đổi số; qua đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khai thác, bổ sung dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ảnh minh họa: antoanthongtin.vn
Cơ sở dữ liệu này chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng thông tin về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện cho công dân tham gia vào các giao dịch điện tử thuận tiện, an toàn. Căn cước là công cụ xác minh danh tính và quyền lợi của công dân khi thực hiện các giao dịch điện tử cả trong và ngoài nước.
Căn cước điện tử phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới số, giúp người dân không cần mang theo thẻ căn cước khi thực hiện các giao dịch điện tử. Không những thế, Luật Căn cước là cơ sở để cấp chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch nhằm quản lý và bảo vệ quyền công dân của họ. Thẻ căn cước cũng không có vân tay và một số thông tin không cần thiết để tránh rủi ro khi lộ thông tin cá nhân... Nói chung là rất nhiều tiện lợi các ông ạ!
- Nhưng mà nó gây tốn kém và người dân lại phải đi làm thẻ căn cước!
Trước ý kiến của người bạn đồng niên, ông Tuấn đọc một đoạn giải trình của Bộ Công an: Việc thay thẻ CCCD đang sử dụng bằng thẻ căn cước mới không gây phiền hà, tốn kém, vì dự thảo Luật Căn cước thay thế Luật CCCD năm 2014 đã quy định rõ việc chuyển tiếp: CCCD đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong thẻ; khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành mà sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ CCCD thì vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật. Thẻ CCCD quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ CCCD trong giấy tờ đã cấp.
Nghe ông Tuấn đọc rõ ràng từng ý, mấy người bạn vỡ lẽ dần, gật đầu lia lịa. Ông Tuấn chân thành bộc bạch:
Nhờ đọc kỹ những thông tin này nên tôi mới hiểu sự cần thiết phải ban hành Luật Căn cước và thay thẻ CCCD thành thẻ căn cước đấy! Qua đây tôi rút ra bài học: Trước những thông tin chê trách chính quyền, nhất là những ý kiến phản đối với thái độ hằn học đăng trên các trang mạng thì mình đừng có tin, phải tìm hiểu thông tin chính thống để không bị mắc lừa, không bị các đối tượng phản động “dắt mũi” nhằm phục vụ mưu đồ đen tối của chúng, các ông ạ!
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Làm sao để nghị quyết thực hiện được ngay - ( 12-01-25 08:00 )
- Tỉnh táo trước sự xuyên tạc, chống phá về công tác nhân sự trước thềm đại hội đảng các cấp - ( 06-01-25 08:00 )
- Phản bác sự xuyên tạc thành tựu công nghiệp quốc phòng Việt Nam - ( 30-12-24 11:00 )
- Nhận thức đúng về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - ( 26-12-24 07:00 )
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII - ( 24-12-24 08:00 )