Chuyện về người vẽ lại hàng rào điện tử ở Vĩ tuyến 17

HQ Online -

Hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra của đế quốc Mỹ có từ tháng 6-1966, được bố trí dọc khu phi quân sự Vĩ tuyến 17. Dựa vào chức năng tiên tiến của thiết bị này nên đế quốc Mỹ tuyên bố “Việt cộng không thể qua đây”. Thế nhưng chỉ với sự giúp đỡ của tổ tình báo nội tuyến, Đặc công Hải quân đã “vượt rào” an toàn suốt 7 năm để vào chiến trường Cửa Việt-Đông Hà đánh địch. 1 trong 5 tình báo nội tuyến của tổ B8 (Ban Trinh sát) Công an vũ trang Vĩnh Linh ngày ấy là ông Lê Viết Trinh (Tổ trưởng) là người đã vẽ lại hàng rào điện tử của địch. Chính những phác thảo của ông là cơ sở cho nhiều bản đồ chi tiết của ta về hàng rào điện tử được hình thành sau này.

Vẽ lại “hàng rào” dài 100km

Các thành viên trong tổ của ông Trinh mỗi người đảm nhiệm những công việc khác nhau. Ông Định-anh ruột ông Trinh được cài vào cảnh sát ngụy quyền. Ông Hưu làm Trưởng ban Mật mã quận Trung Lương (thời đó, các huyện ở Quảng Trị được đổi thành quận. Quận Trung Lương nằm ở phía bắc huyện Gio Linh ngày nay, sát Vĩ tuyến 17). Ông Viện là bảo vệ cho đồn trưởng Trung Lương. Hai người còn lại là ông Chút và ông Lê Viết Trinh. Hằng ngày, tùy theo "nhiệm vụ" của mình, mỗi thành viên trong tổ trực tiếp nắm tình hình, phát hiện âm mưu, thủ đoạn của địch, thông báo cho ông Trinh đang hoạt động tại cơ sở để tổng hợp, gửi ra bờ Bắc.

Cuối năm 1966, khi Mỹ-ngụy chuẩn bị kế hoạch xây dựng hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra, các ông đã nắm được thông tin. Tuy nhiên, do 4 người dò la ở 4 nguồn khác nhau nên việc phác thảo kế hoạch xây dựng, triển khai hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra trên bản đồ của ông Trinh rất khó, nhất là những chi tiết như đài quan sát, các cao điểm đặt ra-đa...

 

Ông Trinh kể lại chuyện vẽ hàng rào điện tử với tác giả. Ảnh: Quang Thanh

Tháng 5-1967, Mỹ-ngụy đổ quân càn quét, đốt sạch 22 thôn của quận Trung Lương và quận Gio Linh để thiết lập vành đai trắng, triển khai xây dựng hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra. Hàng rào được bố trí liên hoàn trong khu vực rộng 10-20km, dài khoảng 100km từ Cửa Việt kéo lên Đường 9, tới biên giới Việt-Lào dài sang tận Mường Phìn (Lào). Hệ thống vật cản là 12 lớp kẽm gai đủ loại chồng lên nhau, cao 3m. Phía trước là bãi mìn sâu 500-700m chạy suốt tuyến. Đan xen với hàng rào thật là một “hàng rào” khác gồm nhiều thiết bị điện tử. Nguy hiểm nhất là “cây nhiệt đới”, nó được ngụy trang như một nhánh cây chuyên thu tín hiệu nhiệt, âm thanh báo về trung tâm xử lý, làm cơ sở để địch tổ chức hỏa lực hủy diệt mục tiêu. Quy trình xử lý tín hiệu thông tin từ “cây nhiệt đới” diễn ra ngay lập tức. Thời gian đầu, khi chưa phát hiện ra “cây nhiệt đới”, phía ta bị thương vong rất nhiều. Năm 1967, ông Trinh phải liên lạc với tình báo của ta ở bờ Bắc hàng trăm lần, điều đó đồng nghĩa với việc ông đã vẽ đi vẽ lại hàng trăm lần hệ thống hàng rào điện tử này. Ngoài việc liên lạc thông tin bằng hòm thư bí mật, ông còn tự mình vượt sông Bến Hải, vượt qua sự canh gác nghiêm ngặt của kẻ thù để bàn giao bản vẽ.

Thời gian dẫu đã lùi xa, nhưng bây giờ ông Trinh vẫn tự tin vẽ lại sơ đồ của hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra một cách mau lẹ. Hàng rào có hình chữ T mà đường số 1 là trục dọc; Khe Sanh, Cửa Việt là hai điểm mút. Chính những thông tin do tổ của ông Trinh cung cấp đã chỉ ra được điểm mạnh, yếu của hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra để Quân Giải phóng thực hiện các biện pháp vô hiệu hóa chúng, tạo điều kiện thuận lợi giúp Đặc công Hải quân tổ chức vượt qua tuyến phòng thủ này an toàn. Ông Trinh nói: “Chỉ cần một lỗ hổng thì cả một trung đoàn lọt qua bình an vô sự”.

Đám cưới dài gần 300 ngày

Luôn cận kề bên ông Trinh là bà Trần Thị Thiển. Ông Trinh tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi và đã phải ngồi tù (1960-1961). Còn bà Thiển là người tham gia phong trào đấu tranh cách mạng của địa phương nên cũng bị địch bắt vào tù (1959-1961).

Mặc dù bà ở xã Trung Giang, ông ở xã Trung Hải nhưng do biết nhau từ trước nên ở trong tù, hai người vẫn nhận ra nhau. Bị giam riêng ở hai khu nhưng chỉ qua ánh mắt, câu nói, họ đã đem lòng cảm mến. Cuối năm 1961, ông Trinh quyết định nói lời yêu với bà Thiển bằng một lá thư viết vội.

Ông Trinh say sưa đọc từng câu trong lá thư viết gửi bà Thiển khi còn ở trong tù cho chúng tôi nghe. Lá thư có đoạn: “Nam thanh gặp nữ tú, anh hùng gặp gái thuyền quyên. Năm Nhâm Dần đang dang cánh tay chờ đón, đừng chần chừ mà lỡ làng duyên nợ, Thiển ơi…”. Ra tù, cả hai chưa kịp bén duyên thì một năm sau, bà Thiển lại bị địch bắt. Thời gian bà sống trong tù (1963-1966) cũng là thời gian ông Trinh ở ngoài dần trở thành tình báo nội tuyến của Công an vũ trang Vĩnh Linh.

Đầu năm 1966, bà Thiển ra tù. Gia đình hai bên tổ chức làm đám cưới cho họ. Nhưng hạnh phúc muộn màng vẫn còn như muốn thử thách ông bà lần nữa. Buổi sáng, nhà trai từ Trung Hải sang Trung Giang đặt lễ xin dâu thì buổi chiều, cô dâu lại bị địch bắt với tội “làm phản quốc gia”. Gần một năm sau (sang năm 1967), bà Thiển ra tù, hai gia đình mới có buổi đón dâu trọn vẹn. Tính ra, đám cưới của ông bà kéo dài gần 300 ngày mới đến “tuần trăng mật”.

Bà Thiển là người khéo tay thêu thùa. Trong tù, bà dành thời gian thêu chiếc gối cưới cho vợ chồng mình. Chưa kịp bí mật gửi ra cho ông thì phòng nữ tù nhân của bà bị khám xét. Nhanh trí, bà mang chiếc gối vào nhà vệ sinh, cậy gạch lên để giấu xuống. Chiếc gối ấy bây giờ đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống của huyện Gio Linh. Mặt sau chiếc gối thêu cây đàn, còn mặt trước thì có hai câu thơ: “Hiền Lương nước chảy lững lờ/Có người thôn nữ duyên thơ chèo đò”.

Mái chèo duyên phận ấy đã giúp người tình báo nội tuyến Lê Viết Trinh và nữ chiến sĩ cách mạng Trần Thị Thiển chọn mảnh đất thanh bình bên hữu sông Hiền Lương làm nơi lưu giữ những ký ức đẹp của một thời tranh đấu. Ngôi nhà ông bà nằm duy nhất phía ngoài đê thôn Bách Lộc, xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Ông bà chọn nơi này, bởi đây cũng chính là nơi ông đã đặt hòm thư bí mật để liên lạc với tình báo của ta. Ở chỗ hòm thư ấy, cả một phòng tuyến trị giá 2 tỷ USD của địch chỉ lọt thỏm trong ruột một chiếc gậy tre.

MINH ĐỨC

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn