Chuyện về bộ đội Công binh Hải quân

HQVN -

Đến Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân, chúng tôi được nghe kể những câu chuyện về tháng năm “dãi nắng, dầm mưa” trên những công trình đảo xa. Thượng tá Nguyễn Trần Nam, Lữ đoàn trưởng bộc bạch: Nói đến công binh là nói đến những người lính đi trước về sau, bảo đảm công binh chiến đấu, xây dựng công trình (XDCT) quân sự quốc phòng trên các đảo và trong đất liền; bên cạnh đó là những nhiệm vụ phòng chống cháy nổ, bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Tìm hiểu những hiện vật trưng bày ở Phòng truyền thống Lữ đoàn 131 chúng tôi được biết, các hiện vật từ quá khứ như gợi mở bao điều muốn nói với tương lai. Đó là những mô hình đường hầm khoan sâu vào núi, các ngôi nhà trên đảo xa, đến những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường và cả những bài thơ của lính công binh sáng tác trong lúc nghỉ ngơi hay các trang nghị quyết đã ố vàng theo thời gian đang hiện hữu trước mắt. Chúng cũng lặng lẽ và kín tiếng như chính những chủ nhân của chúng vậy.

Chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện với Đại tá Trần Mạnh Sơn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 131. Ông trực tiếp giới thiệu về những công trình cầu cảng, sân bay, đường sá... mà lính công binh đã tham gia xây dựng. Những công trình lịch sử như cầu cảng K15 - Đồ Sơn từ hơn nửa thế kỷ trước, đến nhà lâu bền trên đảo, công sự, trận địa... đều thấm mồ hôi, máu xương của thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 131. Tất cả đã góp phần “kê cao” đất nước. Đại tá Trần Mạnh Sơn chia sẻ: Ngày ấy là những ngày muôn vàn khó khăn gian khổ, thiếu thốn vẫn hằn in trong tâm khảm. Bao bàn tay tuổi thanh xuân làm nhiệm vụ trong khi phương tiện, nhiên liệu thiếu thốn, mọi thứ phải dùng bằng sức người. Để vận chuyển xây dựng, lính công binh phải kết bè tre, chất nguyên vật liệu chuyển từ tàu rồi đợi trời tối mới đẩy lên đảo.

Huấn luyện chiến thuật cho tiểu đội trưởng công binh ở Lữ đoàn 131

Chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn đặc thù của lính Công binh Hải quân, ít khi tập trung ở doanh trại mà quanh năm suốt tháng tỏa ra khắp mọi miền đất nước theo những công trình. Có tiểu đoàn, đại đội cả khối cán bộ, chỉ huy khung phải ở những nơi khác nhau để quản lý, chỉ huy bộ đội. Thượng tá Nguyễn Trần Nam chia sẻ thêm: Những năm gần đây nhiệm vụ xây dựng công trình thường xuyên, liên tục cấp bách và càng nặng nề hơn. Xây dựng ngoài biển khó khăn gấp cả trăm lần trên đất liền. Nhất là trước bão tố trùng khơi con người luôn trở nên bé nhỏ, song từ trong gian khó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã cải tiến nhiều phương tiện kỹ thuật, giúp việc vận chuyển và xây dựng được thuận tiện và hiệu quả hơn.

Cho dù việc thi công trên đảo gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng càng gian khó, bộ đội công binh càng sáng tạo. Đại úy QNCN Phạm Văn Thuận, Thợ lái máy húc, Tiểu đoàn 883, vừa mới tham gia xây dựng ở công trường đảo xa về. Với kinh nghiệm theo công trình hơn 10 năm, anh Thuận trải lòng: Thi công ở đảo không có giờ nghỉ, ngày nghỉ cố định, phải hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, thủy triều, cũng không có chuyện làm ngày ngủ đêm, phần lớn làm đêm vì ban ngày phải chuyển vật liệu từ tàu vào. Ở đảo khác với đất liền ở chỗ, một công trình trong bờ có thể thực hiện 1 đến 2 tháng là xong, nhưng ngoài đảo thời gian gấp hai, ba lần. Chứng kiến thành quả là những ngôi nhà người dân ở, những công trình khang trang ngoài khơi xa mà lòng tôi thấy tự hào vì đã góp phần làm cho biển đảo tươi đẹp hơn.

Huấn luyện rải vật cản trên sông

Chúng tôi đến thăm Đại đội 6, Lữ đoàn 131 vừa lúc anh em đang trong giờ huấn luyện vượt sông. Thiếu tá Vũ Quang Vinh, Đại đội trưởng, đang duy trì đơn vị luyện tập. Các chiến sĩ mặc áo phao, quần áo đều thấm ướt bởi phải lội nước đẩy xe xích xuống sông, với cường độ huấn luyện diễn ra rất khẩn trương. Sau những khẩu lệnh to, rõ, mạch lạc, những động tác dứt khoát, ở các vị trí từ lái xe đến tiểu đội trưởng, chiến sĩ đều thực hiện một cách thuần thục. Số phao và phương tiện kỹ thuật từ trên ô tô đã được hạ xuống bãi sông. Chỉ mươi phút sau, một chiếc xe xích đã sẵn sàng lội nước chở người, phương tiện qua sông có trọng tải lên đến chục tấn.

Trong những phút giải lao ngắn ngủi chúng tôi hỏi Thiếu tá Vũ Quang Vinh, anh “khoe”, kíp vượt sông của đơn vị tham gia Hội thao công binh toàn quân đạt giải cao. Đó là niềm phấn khởi để đơn vị quyết tâm huấn luyện đạt thành tích cao hơn. Ngoài huấn luyện làm cầu đường, dò gỡ bom mìn, huấn luyện vượt sông, thả mìn trên sông là nhiệm vụ cơ bản của bộ đội công binh thì trong mùa mưa bão, việc dùng xe xích, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ rất quan trọng nên luôn được sự quan tâm sát sao của chỉ huy các cấp.

Chúng tôi rời Lữ đoàn Công binh 131 khi bóng chiều đã ngả, còn đó những câu chuyện dở dang, nhưng hằn in vào tâm trí chúng tôi là những người lính làm đẹp cho các công trình biển đảo. Những lời chia sẻ của Đại tá Trần Mạnh Sơn, nguyên Trung đoàn trưởng vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi. Đối với người lính Công binh Hải quân, mỗi lần được lên đảo, chạm tay vào những chồi xanh trên cát, ngắm những công trình, lá cờ đỏ tung bay kiêu hãnh trên cột mốc chủ quyền, họ càng thấu hiểu hơn về trách nhiệm cống hiến của mình.

Bài ảnh: XUÂN DŨNG

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn