Chuyến tàu đại đoàn kết - kết nối trái tim người Việt với Trường Sa

HQ Online -

Chuyến đi là hải trình của tình yêu, niềm tin và tinh thần đại đoàn kết của những người con đất Việt hướng về biển đảo quê hương. Đó là cảm xúc của các thành viên tham gia "Chuyến tàu đại đoàn kết" đến với quân dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trươc Nhà đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam ở đảo Đá Tây A

Trường Sa và tình yêu Tổ quốc

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước hướng tới kỷ niệm các sự kiện trọng đại: 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 70 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam; 50 năm Ngày giải phóng Trường Sa; 160 đại biểu trong và ngoài nước đã tham gia “Chuyến tàu đại đoàn kết” đến với huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Tham gia hải trình, bà con kiều bào đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng đại biểu các cơ quan, đơn vị trong nước đã đến thăm, làm việc tại các đảo, điểm đảo: Đá Thị, Sinh Tồn, Len Đao, Cô Lin, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DKI/8 Quế Đường.

Các đại biểu tham quan đảo Sinh Tồn

Tại mỗi đảo, điểm đảo, nhà giàn, các đại biểu đã trực tiếp chứng kiến sức sống mạnh mẽ nơi đầu sóng: những cột mốc chủ quyền sừng sững giữa đại dương; những vườn rau xanh mướt giữa nắng gió mặn mòi; tiếng cười trong trẻo của các em nhỏ và hình ảnh người lính vững vàng nơi trạm ra đa, cột cờ, ụ pháo...

Đại tá Nguyễn Công Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân (đứng giữa) trò chuyện với các đại biểu kiều bào trên đảo Đá Thị

Mỗi nơi mà đoàn đặt chân đến đều lưu lại dấu ấn sâu sắc về tinh thần kiên cường, ý chí thép, tinh thần quyết tâm vượt mọi khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Hải quân, để ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.

Các đại biểu tham quan vườn rau của bộ đội trên đảo Len Đao

Từng cái bắt tay, những cái ôm siết chặt, những giọt nước mắt lặng lẽ chảy xuống giữa nắng gió mặn mòi... Tất cả như nói hộ lời tri ân sâu sắc gửi tới những người lính Hải quân kiên cường, đang sống, học tập, công tác, sẵn sàng chiến đấu nơi đầu sóng ngọn gió.

Đây cũng là dịp để cộng đồng kiều bào và các đoàn đại biểu trong nước có những đóng góp cụ thể, thiết thực, thể hiện tình yêu, trách nhiệm đối với biển đảo quê hương.

Các đại biểu thăm nhà dân trên đảo Đá Tây A

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh: Chỉ khi đặt chân đến Trường Sa, tận mắt chứng kiến những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của quân dân nơi đảo xa, tôi mới thực sự cảm nhận hết ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là một hải trình khẳng định lòng yêu nước, kết nối cộng đồng người Việt trên toàn thế giới với đất mẹ Việt Nam.

Sợi dây gắn kết của cộng đồng người Việt

Một phần quan trọng của “Chuyến tàu đại đoàn kết” là sự tham gia của các đại biểu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Mặc dù sống ở các quốc gia khác nhau, nhưng tình yêu và tấm lòng hướng về biển đảo Tổ quốc luôn là sợi dây vô hình gắn kết họ với đất nước, quê hương.

Xúc động lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Nhiều kiều bào lần đầu tiên đặt chân lên đảo đã không giấu nổi xúc động. Anh Nguyễn Quang Thanh, kiều bào tại Mỹ chia sẻ: Chúng tôi ở xa quê hương nhưng Trường Sa luôn trong trái tim. Được trực tiếp gặp những người lính Hải quân, chúng tôi càng thấm thía giá trị của độc lập, hòa bình.

Đoàn công tác tham dự lễ chào cờ trên thị trấn Trường Sa

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Thái Lan bày tỏ: Là một đại biểu trẻ, tôi cảm thấy rất vinh dự và biết ơn cơ hội quý báu được trở về Tổ quốc tham gia hải trình vượt hàng trăm hải lý để trực tiếp cảm nhận và nhìn thấy các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 - nơi khẳng định rõ ràng và không thể chối cãi về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên Biển Đông. Chuyến đi đã giúp tôi nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của mình trong việc tuyên truyền, giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về ý thức chủ quyền, tiếp nối truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo của bao thế hệ cha anh.

Đại sứ nhân ái, Hoa hậu áo dài phu nhân toàn châu Âu 2024 - Phan Thị Thu Hằng, kiều bào Ba Lan xúc động và tự hào: Đây không chỉ là chuyến tàu trở về với cội nguồn, với linh hồn dân tộc. Là Đại sứ nhân ái, Hoa hậu áo dài phu nhân toàn châu Âu 2024, tôi thấy mình cần có trách nhiệm phải lan toả, kết nối tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc từ đất liền đến đảo xa, từ quê hương đến kiều bào nơi tôi đang sinh sống.

Các đại biểu trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ tại thị trấn Trường Sa

Các đại biểu tham gia hoạt động "Đi bộ vì Trường Sa"

Nhiều kiều bào cùng chia sẻ, sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, gây quỹ hướng về Trường Sa, vận động thế hệ trẻ kiều bào hiểu đúng về chủ quyền biển đảo, đồng thời bày tỏ mong muốn được góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương.

Trong hải trình lần này, đoàn công tác đã ủng hộ hơn 2 tỷ đồng tiền mặt, quà tặng và hiện vật đóng góp cho các chương trình như "Xanh hóa Trường Sa", xây dựng nhà văn hoá đa năng, mua nhu yếu phẩm, dụng cụ y tế, đồ dùng học tập gửi tới quân dân trên các đảo và Nhà giàn DK1.

Khánh thành công viên Cầu Vồng tại đảo Đá Tây A

Giao lưu văn nghệ ở Nhà giàn DK1/8 Quế Đường

Các đoàn đại biểu tặng quà cán bộ, chiến sĩ các đảo

Hải trình “Chuyến tàu đại đoàn kết” không chỉ là sự tiếp nối tình cảm từ khắp mọi miền của Tổ quốc mà còn là minh chứng cho sự đoàn kết không biên giới của người Việt, dù ở trong nước hay xa xứ. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân ở Trường Sa và Nhà giàn DK1 không bao giờ đơn độc, vì phía sau họ là một cộng đồng người Việt mạnh mẽ, đoàn kết, sẵn sàng tiếp thêm sức mạnh cho họ trong mọi hoàn cảnh.

Thành công của “Chuyến tàu đại đoàn kết” một lần nữa khẳng định lòng yêu nước, tình cảm, trách nhiệm và đóng góp của nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, cũng như công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nói riêng.

Bài, ảnh: Hoàng Mai

Đại tá Nguyễn Công Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân - Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh: Thời gian qua, Quân chủng Hải quân đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các đơn vị, tổ chức cho hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên và nhân dân, trong đó có kiều bào ta đang học tập, làm ăn, sinh sống ở nước ngoài, đi thăm quân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1… Thông qua các chuyến hải trình để khẳng định sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia trên biển và huy động các nguồn lực cho biển đảo, cho Trường Sa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” mà Đảng ta đã xác định.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn