Chung tay gìn giữ môi trường biển
HQ Online -
Biển, đảo luôn gắn liền với mỗi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Hải quân, việc giữ gìn môi trường biển là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đã và đang được triển khai sâu rộng ở Quân chủng Hải quân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị đều có những việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường (BVMT), cùng giữ cho môi trường biển mãi xanh.
Quân chủng Hải quân ngoài chức năng, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc còn là lực lượng quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; phòng, chống ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường; tìm kiếm cứu nạn trên biển, là chỗ dựa vững chắc giúp ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển làm ăn, sản xuất.
Trong thời gian qua, Quân chủng đã luôn quan tâm gắn kết công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Được sự quan, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.
Các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng đã phát huy tốt công tác tuyên truyền biển đảo, trong đó có gắn với tuyên truyền về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục sự cố môi trường biển, hải đảo…
Trung tâm Quan trắc-Phân tích môi trường biển Hải quân lấy mẫu nước biển để phân tích chất lượng. Ảnh: CTV
Theo Đại tá Phạm Đình Tốn, Trưởng phòng Khoa học quân sự, Bộ Tham mưu Hải quân: “Tính từ tháng 1/2020 đến 8/2021, đã có 2 dự án và 1 nhiệm vụ cấp Nhà nước; 2 đề tài nghiên cứu khoa học và 3 nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng liên quan đến lĩnh vực BVMT đang được các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào thực tiễn”.
Các dự án đầu tư trong Quân chủng đều triển khai các thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và BVMT; thực hiện điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường tại một số cơ quan, đơn vị.
Nội dung điều tra, khảo sát bám sát hướng dẫn của cấp trên về công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các dự án còn tập trung xử lý, cải thiện các điều kiện môi trường tại các khu vực quân sự nhằm nâng cao sức khỏe bộ đội, giảm thiểu tác động bất lợi của môi trường đến chất lượng, tính năng kỹ, chiến thuật của VKTB và công trình quân sự…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ BVMT, mỗi một đơn vị Hải quân đều có những mô hình và cách làm sáng tạo, hiệu quả phù hợp với đặc thù của đơn vị và địa bàn đóng quân.
Là trung tâm chuyên trách về công tác môi trường, Trung tâm Quan trắc-Phân tích môi trường biển Hải quân, một đầu mối của hệ thống quan trắc môi trường Quốc gia, thời gian qua Trung tâm đã giúp Quân chủng, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên & Môi trường giám sát chất lượng môi trường biển để kịp thời phát hiện, dự báo ô nhiễm môi trường do hoạt động trong đất liền hay trên biển gây ra.
Trung tâm không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án, nhiệm vụ về môi trường tại các đơn vị trong Quân chủng, Quân đội và trên các khu vực, địa bàn đóng quân.
Giới thiệu máy ép rác trên tàu ngầm. Ảnh: CTV
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuyển, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trên cơ sở điều tra, khảo sát hiện trạng môi trường tại các đơn vị trong Quân chủng nói riêng và Quân đội nói chung, Trung tâm đã chủ động tham mưu cho thủ trưởng các cấp đầu tư hệ thống trang thiết bị nhằm BVMT. Trung tâm cũng không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, thường xuyên cử cán bộ, nghiên cứu viên tham gia các khóa đào tạo về chuyên ngành và đề xuất, tham gia thực hiện các đề tài, dự án về môi trường...
Tham gia vào các hoạt động BVMT, cán bộ, chiến sĩ của Vùng 1 đã có các hoạt động cụ thể hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới và Ngày môi trường thế giới 5/6. Các đơn vị trong toàn Vùng phối hợp chặt chẽ với địa phương đóng quân tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét hệ thống thoát nước…
Lữ đoàn Tàu ngầm 189 với đặc thù thường xuyên tiếp xúc với môi trường biển, nhận thức rõ việc BVMT là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Lữ đoàn đã luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến các nội dung của công tác BVMT tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, sáng kiến Máy ép rác thủy lực trên tàu ngầm của Thiếu tá Phan Văn Bình, Trưởng ngành Thông tin-Ra đa và Thượng úy Võ Chí Luận, sĩ quan Thông tin, Tàu 186 đã đạt giải Nhất Hội thi mô hình học cụ, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật năm 2020 của Lữ đoàn.
Nhờ tiện ích của sáng kiến, Cục Kỹ thuật Hải quân đã quyết định nhân rộng mô hình, đưa vào sản xuất hàng loạt cho tất cả các tàu ngầm và một số đơn vị tàu mặt nước để phục vụ công tác xử lý và thu gom rác thải trên tàu.
Toàn bộ sản phẩm máy ép rác thủy lực chỉ nặng khoảng 15kg, các bộ phận của máy có thể tháo rời nên thuận lợi khi di chuyển và bảo quản; giá thành sản xuất rẻ, tận dụng các nguyên liệu sẵn có để chế tạo. Máy sử dụng thủy lực độc lập, không phụ thuộc vào hệ thống thủy lực của tàu nên có thể sử dụng trong bất kỳ điều kiện nào. Sau khi được xử lý toàn bộ rác thải nhựa, chất rắn và rác vô cơ được cất giữ trong các túi nilon sinh học để đưa lên bờ xử lý khi tàu cập cảng, bảo đảm vệ sinh, an toàn cho sức khỏe của thủy thủ đoàn.
Với những hành động và việc làm cụ thể, những người lính biển đã góp phần cùng các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, nâng cao chất lượng môi trường biển, góp phần giữ gìn cho biển mãi mãi xanh.
Thu Trang
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Kiểm tra công tác quân nhu tại Tiểu đoàn 158 - ( 11-12-24 02:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân: Hoàn thành toàn diện các mặt công tác hậu cần, kỹ thuật năm 2024 - ( 10-12-24 08:00 )
- Chi đội Kiểm ngư số 3: Rút kinh nghiệm công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật - ( 10-12-24 04:00 )
- Lữ đoàn 602 bế giảng đào tạo sơ cấp báo vụ - ( 09-12-24 05:00 )
- Lữ đoàn 170 khai mạc Hội thi tàu chính quy mẫu mực, Hội thao huấn luyện tàu năm 2024 - ( 09-12-24 02:00 )