Chu đáo, tận tình tiếp nhận công dân cách ly từ vùng dịch về nước

HQVN -

Đoàn An điều dưỡng 22 Hạ Long, Cục Chính trị Hải quân là đơn vị đầu tiên của Quân chủng tiếp nhận cách ly công dân từ vùng dịch về nước. Ngày 31-3, đơn vị đã tổ chức đón tiếp 195 công dân từ Nhật Bản đến cách ly tại đơn vị.

15 giờ, từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy vào khu cách ly Đoàn An điều dưỡng 22 Hạ Long đưa 195 người lao động, du học sinh từ các vùng của Nhật Bản về từ sân bay Vân Đồn đến cách ly tại đơn vị. Đây là những “vị khách” đầu tiên trong mùa dịch được Đoàn tổ chức tiếp nhận ngay sau khi có chỉ thị của Bộ Quốc phòng về việc mở rộng khu cách ly trong các đơn vị Quân đội.

Cán bộ, nhân viên Đoàn 22 kiểm tra thân nhiệt công dân cách ly. Ảnh: Minh Hạnh

Ngay khi đoàn xe dừng trước cổng đơn vị, bộ phận quân y phun khử trùng cho từng xe trước khi chạy vào khu nhà 7 tầng làm thủ tục cách ly. Tại đây đặt 5 bàn có cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn kê khai y tế, lấy thông tin về thân nhân, số điện thoại gia đình, bản thân. Số công dân này đã được xét nghiệm sàng lọc ở Nhật và được cấp giấy chứng nhận không nhiễm Covid-19 nên không phải lấy máu để xét nghiệm khi nhập cảnh. Thời gian để làm các thủ tục cho 195 con người không hề nhanh nhưng mọi việc được tiến hành khẩn trương trong sự cố gắng của cả “khách” cũng như “chủ”. Không có cảnh chen lấn, không có cảnh bực bội, mọi người xếp hàng và tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ. Sau một vài hành khách làm thủ tục thông suốt và những lời hỏi thăm ân cần của nhân viên phục vụ, mọi người đã bắt đầu bớt e ngại và cởi mở hơn.

Thời gian này, số lượng người Việt từ vùng dịch về nước khá đông, một số công dân cũng có phần dè dặt khi được chuyển vào cách ly tại các khu vực bắt buộc. Ông N.T.T quê Hưng Yên cho biết: Khi quyết định về, chúng tôi cũng lo lắng lắm vì sợ làm phiền mọi người, làm gánh nặng thêm cho đất nước. Nhưng khi về đến đây được bộ đội Hải quân tiếp đón, hỗ trợ từ nơi ăn, chốn ngủ, mang vác hành lý… chúng tôi thực sự xúc động. Trên máy bay, bà con cũng động viên nhau về đây là nhà, là quê hương rồi, không còn phải lo nghĩ nữa, phải cố gắng chấp hành tốt quy định về cách ly để phần nào góp sức vào công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Cán bộ, nhân viên Đoàn 22 Hạ Long cấp nhu yếu phẩm cho công dân cách ly. Ảnh: Minh Hạnh

Cùng đi với nhóm ông T có 15 người, họ là những lao động đến từ các vùng nông thôn, những ngày đầu có dịch chưa sắp xếp được công việc để về. Đến khi dịch bùng phát, các nước yêu cầu đóng của biên giới và lệnh giới nghiêm được siết chặt nhiều nơi. Lúc này muốn về thì mọi việc không còn dễ dàng như trước. Còn một số du học sinh thì muốn ở lại vì yêu cầu của việc học hành nhưng gia đình không yên tâm nên phải về vét trên những chuyến bay cuối cùng. 195 con người, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nỗi lo. Nhưng về đến đây ai ai cũng như trút được gánh nặng. Có thể vài ngày tới, một trong số họ có khả năng bị dương tính với SARS-CoV-2 nhưng dường như ai cũng yên tâm hơn khi đã được “ở nhà”.

Đến 18 giờ cùng ngày, sau khi những công dân cuối cùng hoàn thiện thủ tục để lên phòng nghỉ thì các nhân viên phục vụ thu dọn đồ đạc đưa vào khu vực rác thải y tế nguy hại. Trong khi đó, bộ phận hậu cần bắt đầu phân chia khẩu phần ăn để mang đến từng phòng. Biết công dân đều từ nước ngoài về và đi đường mệt mỏi, nhà bếp đã chuẩn bị món ăn đúng hương vị quê hương như thịt gà rang lá chanh, thịt kho trứng, rau muống luộc... để mọi người cảm thấy ấm áp và ngon miệng, bắt đầu những ngày cách ly đáng nhớ tại đơn vị.

Để có được buổi đón tiếp chu đáo, ân cần với công dân đồng thời đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất cho cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ, trước đó Đoàn 22 đã gấp rút triển khai công tác chuẩn bị kỹ càng. Ngoài chủ động mua sắm đầy đủ các vật dụng như chăn, nệm, giường, bàn chải đánh răng, khăn lau, nước sát khuẩn, toàn bộ chén, đũa thìa dùng 1 lần. Các loại nước muối súc họng, nước tỏi do bộ đội sản xuất cũng được phân phát đến từng phòng. Đoàn đã được sự hỗ trợ của Phòng Quân y, Cục Hậu cần Hải quân tổ chức các buổi tập huấn cách sử dụng đồ bảo hộ cá nhân, thu gom rác thải, những vật dụng đã qua sử dụng đảm bảo an toàn vệ sinh phòng dịch. Cách xử trí tình huống khi có trường hợp người bị ho, sốt…

Thượng tá Hoàng Công Sỹ, Trưởng ban Chính trị Đoàn 22 cho biết: Theo kinh nghiệm từ các khu cách ly khác thì giai đoạn khó khăn, phức tạp nhất là lúc đón tiếp và vài ngày đầu khi công dân về cách ly. Tuy nhiên, đến giờ này công tác đón tiếp đã hoàn tất, coi như chúng tôi đã đi được nửa chặng đường. Trong 14 ngày tới, mọi người sẽ cảm thấy thoải mái, an toàn ở đơn vị.

Bao nhiêu ngày chuẩn bị chỉ thực hiện xong trong vài giờ đồng hồ. Mệt mỏi, lo âu, nhưng đến giờ cán bộ, nhân viên Đoàn 22 đều cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Khi ánh đèn sáng lên trên các phòng của khu cách ly cũng là lúc những hộp cơm nóng hổi được đưa đến từng phòng. Mọi người thấy ngon miệng sau một chặng đường dài mệt mỏi, ngủ một đêm bớt lo lắng vì mọi thứ đã có bộ đội lo. Ngày mai, không chỉ một số người bị cách ly mà toàn dân sẽ thực hiện cách ly xã hội. Nhà ai ở nhà đó, thôn nào ở thôn đó, huyện nào ở huyện đó, tỉnh nào ở tỉnh đó… với quyết tâm sau 14 ngày, dịch bệnh sẽ qua đi, mọi thứ sẽ quay trở lại đúng như nó vốn có.

Xuân Hương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn