Chính qui hiện đại bắt đầu từ khẩu phần ăn của bộ đội

HQVN -

Để xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam chính qui, hiện đại, công tác bảo đảm hậu cần, nhất là bảo đảm khẩu phần ăn, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí quyết định đến sức chiến đấu, nhất là đối với các lực lượng hoạt động trên biển xa, dài ngày, trong điều kiện khó khăn, phức tạp.

Bảo đảm ăn ngon, gọn, nhẹ cho thủy thủ tàu mặt nước

Do yêu cầu nhiệm vụ nên tổ phục vụ trên Tàu 012 được lệnh chuẩn bị bữa ăn sáng cho đoàn công tác vào lúc 5h 30 sáng ngày N để kịp lên đảo. Hôm đó, tôi và thành viên đoàn công tác khá bất ngờ bởi bữa sáng trên tàu hộ vệ tên lửa khác hơn so với các chuyến đi trước đó. Bữa ăn gồm bánh mỳ, súp, bơ, sữa, trứng ốp, dưa chuột, tất cả đều nóng sốt, thơm phức. Dù chưa quen với khẩu phần sáng như vậy nhưng quả thật so với các bữa ăn thường ngày, bữa ăn hôm đó khá đơn giản nhưng ngon miệng do bánh mỳ anh em tự làm nên chất lượng tốt. Hôm đó, có thành viên do bận việc không kịp ăn sáng đã được thủy thủ tàu cho bánh mỳ vào hộp nhựa để mang cùng hành lý, tiện lúc nào thì ăn lúc đó.

Chuẩn bị bữa ăn trưa cho thủy thủ trên tàu 186 Đà Nẵng. Ảnh: Văn Tý

Nhân viên quản lý trên Tàu 012 chia sẻ, từ khi tàu được trên cấp lò nướng bánh mỳ, việc chuẩn bị các bữa ăn trên tàu, nhất là ăn sáng và phục vụ các cuộc diễn tập, hành quân dài ngày trên biển đơn giản hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, để phục vụ cho một bữa ăn sáng quân số tổ phục vụ phải huy động từ 6-7 người, báo thức thức sớm từ 1,5- 2 tiếng (trước 4 giờ sáng) để nấu cơm… thì giờ đây chỉ phải chuẩn bị khoảng 1 tiếng, số lượng người phục vụ giảm đi 2/3, chỉ 1-2 người. Theo Thiếu tá Phạm Văn Long (Kiểm tra lại họ tên), Thuyền trưởng Tàu 012, sở dĩ việc phục vụ ăn sáng đơn giản hơn, tiết kiệm nhân công bởi việc nướng bánh mỳ và chuẩn bị các đồ ăn kèm theo thì được chuẩn bị từ tối hôm trước, sáng ra anh em chỉ cần nấu súp nữa là xong. Thời gian chuẩn bị tất cả chỉ trong vòng 45 phút, vừa tiết kiệm thời gian vừa giảm nhiều quân số phục vụ. Theo anh Long, một lần nướng bánh mỳ trong khoảng thời gian từ 15-18 phút, nướng được tầm 40 chiếc, nhanh và tiện lợi, phù hợp cho các chuyến đi biển gấp, dài ngày, không mất nhiều thời gian để chuẩn bị, dự trữ, bảo quản cũng đơn giản hơn nhiều.

Theo Thượng tá Trần Xuân Độ, Phó Trưởng phòng Quân nhu, Cục Hậu cần Hải quân, chủ trương hiện đại hóa ngành Hậu cần Hải quân, nhất là đột phá của ngành năm 2018 “nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội tàu, Không quân Hải quân”, bảo đảm bộ đội ăn đủ dinh dưỡng nhưng ít món, có khẩu phần chế biến sẵn cho các lực lượng đặc thù như tàu mặt nước, Tàu ngầm, Không quân, Đặc công Hải quân được thủ trưởng Bộ Tư lệnh, trực tiếp là đồng chí Tư lệnh Quân chủng và chỉ huy Cục Hậu cần quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệt.

Theo anh Độ, năm qua từ nguồn ngân sách trên cấp và Quân chủng hỗ trợ, ngành đã trang bị 16 lò nướng bánh mỳ cho các đơn vị trong Quân chủng để sử dụng, thử nghiệm. Riêng 10 lò nướng bánh mỳ cơ động cấp cho các Lữ 162/Vùng 4, Lữ 167/Vùng 2 bước đầu được bộ đội đánh giá cao, nhất là rất phù hợp cho các tàu làm nhiệm vụ trên biển, giá thành rẻ hơn thị trường từ 25-35%, bảo đảm chất lượng, vệ sinh thực phẩm.

Tiện ích, hiệu quả cho lực lượng Tàu ngầm, Không quân Hải quân

Bảo đảm ăn uống đủ chất, hiệu quả cho các lực lượng như Tàu ngầm, Không quân luôn là bài toán khó với ngành Quân nhu Hải quân trong những năm qua. Các lực lượng này có chế độ ăn tương đối cao. Tháng cao điểm thực hiện nhiệm vụ trên biển, thủy thủ tàu ngầm có tiền ăn xấp xỉ 300.000 đồng/người/ngày, Không quân Hải quân gần 200.000/người/ngày. Do đó, để bảo đảm dinh dưỡng và chế biến làm sao để bộ đội ăn hết tiêu chuẩn khi làm nhiệm vụ trên biển là công việc không hề dễ dàng, nhất là trong điều kiện thời tiết trên biển luôn phức tạp, không gian trên tàu, nhất là tàu ngầm thì chật hẹp, nhiên liệu (điện) bảo đảm hạn chế.

Trước tình hình này, ngành Quân nhu phối hợp với Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, Viện Công nghệ mới, Viện Khoa học quân sự, công nghệ, Bộ Quốc phòng trực tiếp đi khảo sát, thực nghiệm ở Lữ đoàn 189, 954… để xây dựng Bộ thực đơn ăn uống khoa học cho các lực lượng này theo hướng giảm lương thực, (giảm gạo), đồ ăn cứng (xương), sử dụng tổng hợp ít món, tiện cho công tác chế biến, sử dụng khẩu phần chế biến sẵn như thịt rim, cá kho, rau khô, bánh mỳ, thức ăn dạng ống tuýp.

Theo Đại úy Hà Văn Tý, Chính trị viên Tàu 183-TP.Hồ Chí Minh, trước đây khi tàu đi biển, do thực phẩm chế biến sẵn ít nên việc chuẩn bị bữa ăn trên tàu tốn khá nhiều thời gian. Để có bữa ăn trưa cho toàn tàu, kíp cấp dưỡng 2 người (các thủy thủ luân phiên nhau) phải bắt đầu từ lúc 9 giờ sáng mới kịp. Do không gian giành cho bếp trên tàu ngầm chỉ vài mét vuông nên việc nấu nướng (nấu bằng điện) phải khoa học, ít món chế biến kỹ, nếu không sẽ không kịp thời gian. Tuy nhiên, sau khi thực hiện bảo đảm bữa ăn trên tàu ngầm khi đi biển theo Bộ thực đơn của Viện Dinh dưỡng tư vấn, đến nay việc bảo đảm ăn uống trên tàu đơn giản hơn nhiều. Hiện nay các tàu ngầm ở Lữ đoàn 189 đi biển đã có gần 80% thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế tối đa nấu nướng trên tàu. Dù sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn nhưng bộ đội vẫn hài lòng về bữa ăn trên tàu, nhất là đồ ăn như nguồn cá bống kho từ Sông Đà, các loại thịt chế biến sẵn rồi đóng hộp cấp đông, rau khô… Theo anh Tý, các tàu còn luân phiên cho cán bộ, nhân viên dự các lớp tập huấn về chế biến, nấu ăn ngon ở Nha Trang nên hiện nay chất lượng bữa ăn của bộ đội tàu ngầm được bảo đảm tốt, quân số khỏe đạt tỷ lệ cao.

Kiểm tra quy trình làm bánh mỳ. Ảnh: CTV

Đối với lực lượng Không quân Hải quân, đây là lực lượng đặc thù của Quân chủng nên Cục Hậu cần Hải quân rất quan tâm tới chế độ dinh dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng này nhất là các phi công. Qua khảo sát của Viện Dinh dưỡng, dù tiêu chuẩn ăn xấp xỉ 200.000 đồng/người/ngày nhưng khẩu phần ăn của các phi công vẫn nhiều lượng (gạo), chưa đủ chất, khâu chế biến vẫn bằng kinh nghiệm là chủ yếu nên chất lượng bữa ăn vẫn chưa bảo đảm. Trung tá Trần Thanh Phương, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 954 cho biết: Sau gần 1 tháng được Viện Dinh dưỡng khảo sát, tập huấn chế biến thực phẩm đến nay chất lượng bữa ăn của phi công được cải thiện rất nhiều. Nhờ ăn theo định suất, (mỗi phi công sử dụng 4 đĩa thức ăn riêng), thay đổi thực 4-5 thực đơn/tháng, ít nhất phải có 2 món rau trong mỗi bữa ăn, nguồn thực phẩm bảo đảm tốt, khâu chế biến kỹ, đa dạng nên sau khi sử dụng Bộ thực đơn mới, từ tháng 4 năm 2018 đến nay sức khỏe của phi công tốt hơn rất nhiều, các bệnh thường gặp như gan nhiễm mỡ, mỡ máu đều giảm hẳn.

Để vừa ăn vừa bơi, bảo đảm khả năng SSCĐ

Đối với lực lượng đặc công Hải quân, do cường độ tập luyện cao, tiêu hao nhiều năng lượng nên bảo đảm đủ dinh dưỡng cho bộ đội đặc công, nhất là lực lượng hoạt động trên biển luôn là bài toán khó, là trăn trở từ lâu của lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Hiện nay, nếu ở bờ thì bộ đội đặc công được ăn theo tiêu chuẩn hơn 100.000 đồng/người/ngày, được chế biến theo kinh nghiệm như bếp ăn ở các đơn vị khác. Còn khi đi biển, bơi biển, bộ đội đặc công vẫn sử dụng các loại đồ ăn truyền thống như bánh mỳ, lương khô, cơm nắm, xôi nước, nước mắm… Các loại đồ ăn này vẫn bảo đảm sức khỏe nhưng theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng, Bộ Y tế, qua khảo sát 2 tháng ở Lữ đoàn 126 đặc công Hải quân, nếu bộ đội hoạt động dài ngày trên biển, nếu bảo quản không tốt, các loại thức ăn này dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe bộ đội. Các loại đồ ăn truyền thống chỉ phù hợp ở trên bờ, khi hoạt động dưới nước, cơ thể cần lượng calo lớn, do đó cần các loại thức ăn dạng tuýp, tổng hợp được nhiều chất dinh dưỡng, còn nếu sử dụng thức ăn truyền thống, cơ thể các chiến sĩ sẽ thiếu nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức bền, sức đề kháng.

Nướng bánh mỳ trên Tàu 015, Trần Hưng Đạo. Ảnh: Anh Kiệt

Qua khảo sát và thực tế tại Lữ đoàn 126, Viện Dinh dưỡng đã chế biến thành công tuýp thức ăn cho bộ đội đặc công. Mới đây đề án đã được Bộ Quốc phòng thông qua. Theo Trung tá Trần Văn Quang, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 126, qua hơn một tháng đơn vị thực hiện Bộ thực đơn của Viện Dinh dưỡng tư vấn, chất lượng bữa ăn bộ đội đặc công khối bờ được cải thiện rõ rệt. Bữa ăn của bộ đội bây giờ nhiều rau xanh hơn, bớt lượng gạo, thức ăn được chế biến phong phú, ngon hơn nhiều. Với 15 bộ thực đơn hàng tháng, 7 bộ thực đơn trong tuần, bộ phận hậu cần của Lữ đoàn đã cải thiện cơ bản bữa ăn cho khối bờ. Riêng thức ăn cho lực lượng đi biển, theo anh Quang, dù đề án đã được Bộ duyệt nhưng do giá thành các tuýp thức ăn cao (khoảng 500.000 đồng/ người/ngày), thời gian dự trữ chỉ 1 năm nên kinh phí bảo đảm gặp nhiều khó khăn. Nếu có kinh phí bảo đảm để đặt hàng các tuýp thực ăn này chắc chắn sức khỏe của các lực lượng đặc công làm nhiệm vụ trên biển sẽ được cải thiện đáng kể, cải thiện sức khỏe và sức chiến đấu cho các lực lượng này.

Trọng Thiết

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn