Chế độ đối với cán bộ, người lao động tại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh
HQ Online -
Ngày 25/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2023/NĐ-CP về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; sửa đổi quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Bên cạnh việc quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động, quản lý, giám sát và quy trình công nhận doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, Nghị định số 16/2023/NĐ-CP còn quy định chế độ, ưu đãi đối với doanh nghiệp, cán bộ, nhân viên, người lao động tại các doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp đảm bảo đồng thời 3 điều kiện sau
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp quy định tại điểm a nắm giữ 100% vốn điều lệ.
c) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sở hữu 100% vốn điều lệ của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có ít nhất một doanh nghiệp là doanh nghiệp quy định tại điểm a.
- Có ngành, lĩnh vực và địa bàn hoạt động quy định tại phụ lục về danh mục ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh kèm theo Nghị định này.
- Được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp hoặc thông qua cơ quan chức năng, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bằng nguồn lực từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.
Chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, người lao động
Người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được hưởng các chế độ, chính sách sau:
- Tiền lương của lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu được tính phù hợp với quy định về chế độ, chính sách của pháp luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và căn cứ vào năng suất lao động và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.
- Khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, người lao động nếu bị thương hoặc bị chết mà đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được xem xét, xác nhận là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật ưu đãi về người có công với cách mạng; người lao động bị tai nạn lao động thì xét hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
- Nhà nước bố trí kinh phí để đảm bảo trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu; thanh toán các khoản chi xuất ngũ, phục viên, thôi việc theo chế độ hiện hành.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2023.
Mai Thao (TH)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Một số điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ - ( 31-07-24 11:00 )
- Cảnh báo lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học - ( 08-07-24 05:00 )
- Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào nền nếp - ( 04-07-24 01:00 )
- Bộ Công an cảnh báo tội phạm đánh bạc, cá độ mùa EURO 2024 - ( 21-06-24 02:00 )
- Kho 858 phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024 - ( 18-06-24 09:00 )