Chàng lính biển của em nơi đảo xa biển vắng !

“Biển mùa này có lặng sóng không anh?/Không em à, biển cồn cào nỗi nhớ/ Tình yêu anh vẫn ngọt ngào muôn thủa/ Lính đa tình yêu biển và em”.
Vậy là anh đã ra đây công tác được gần một năm rồi, cũng là ngần ấy thời gian anh xa em, xa đất liền, xa thủ đô Hà Nội yêu dấu của chúng ta. Em đã hỏi anh rất nhiều lần rằng: “Tại sao anh lại muốn ra đó công tác, ngoài ấy vất vả lắm! Anh không sợ mất em sao?”. Lúc ấy, anh chỉ mỉm cười và bảo: “Mất em ư? Anh không sợ. Vì anh tin vào tình yêu của em. Còn lý do thì em đợi khi nào anh được ra đó, anh sẽ trả lời”.
Phần vì công việc, phần vì đôi lúc nói chuyện với em thì sóng điện thoại cứ chập chờn, ngắt quãng nên những yêu thương, hờn giận nhiều khi còn chẳng đủ đắp đầy. Và hôm nay, lá thư này anh xin trả lời em câu hỏi đó.

Tình yêu của anh! Khi còn ở Học viện Chính trị anh và bạn bè đã luôn tự ý thức rằng: sau khi ra trường sẽ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần. Cho đến một ngày anh được đọc những bài báo về Nhà giàn DK1 cùng những tấm gương hi sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ nhà giàn, anh đã rất xúc động và không hiểu sao anh lại ao ước sau này sẽ được ra đó công tác. Mong ước ấy đã trở thành hiện thực khi ngày hôm nay anh và đồng đội đang có mặt ở Nhà giàn Phúc Nguyên trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Anh và đồng đội cảm thấy tự hào, hãnh diện khi được tiếp nối truyền thống anh dũng, kiên cường của anh Chương, anh An, anh Hồng-những người anh hùng của thời đại mới.

Từ khi ra đây, anh hiểu một điều rằng, chính tình yêu nước là sức mạnh tinh thần giúp những người lính biển vượt qua được muôn vàn khó khăn, thiếu thốn và cả sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết. Bởi em biết rồi đó, so với mênh mông biển cả thì nhà giàn thực sự nhỏ bé và chơi vơi. Em còn nhớ những câu thơ anh đã đọc cho em: “Anh ở nhà lô/Nước ngọt được cấp một xô mỗi ngày/Đánh răng, rửa mặt, rửa tay/Nước thừa dồn lại cuối ngày tưới rau”. Và em đừng ngạc nhiên khi có lúc anh trêu đùa: “Hay mình đổi cho nhau nhé! Anh sẽ về “Hà Lội” ngập úng những ngày mưa và em ra đây những ngày nhà giàn thiếu nước ngọt?”. Mới nghe tưởng như thật tội nhưng cũng rất đáng để yêu phải không em?
Em biết không? Giữa mênh mông biển nước, chỉ có trời, có biển, có những cánh chim hải âu và những con sóng bạc đầu bầu bạn thì nỗi cô đơn, sự thiếu thốn tình cảm là điều mà những người lính biển cảm thấy thiệt thòi nhất. Em có tin khi giữa thời đại này, có những đám hỏi vắng mặt chú rể chỉ vì chú rể phải vội đi đang công tác ngoài nhà giàn? Đừng cười anh khi những lá thư của em, anh và đồng đội đọc đến thuộc lòng từng câu chữ! Ở nhà giàn DK1 này còn rất nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu. Khi nào về đất liền anh sẽ kể em nghe.
Đã bao lần anh tự hỏi, không biết thế hệ các anh đi trước đã sống và làm việc như thế nào trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, khắc nghiệt và thiếu thốn trăm bề? Và cũng bấy nhiêu lần anh tự nhủ phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với những hi sinh của các anh. Bởi so với 15, 20 năm về trước thì nhà giàn bây giờ đã có điều kiện hơn nhiều: Tất cả các nhà giàn đã được phủ sóng di động, Dcom, tàu thuyền ra tiếp tế lương thực và nước ngọt thường xuyên hơn, một số nhà giàn đã được xây mới khang trang và vững trãi hơn trước rất nhiều. Đảng và Nhà nước cùng nhân dân chăm lo, quan tâm hơn đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn…
Em là cô gái nhạy cảm và sâu sắc, anh tin chỉ cần đọc đến đây là em đã hiểu và ủng hộ quyết định trở thành lính nhà giàn của anh.
Hà Nội trời đang thu. Cuộc sống vẫn hàng ngày thay đổi theo biến chuyển của thời gian. Chỉ có những người lính biển là vẫn một lòng bám trụ với đảo, với nhà giàn để khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Tổ quốc trong em là những trang giáo án dạy học trò biết yêu chân, thiện, mỹ, còn Tổ quốc trong anh và đồng đội đơn giản là sự bình yên của DK1 chứ chẳng phải là một sự xa xôi, khó định hình nào.
 

NGÔ THANH
 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn