Canô tự sát và phòng vệ tàu mặt nước

HQVN -

Khi đề cập đến vấn đề phòng vệ tàu mặt nước hải quân, người ta thường mặc định đây là một bộ phận của chiến thuật tàu mặt nước, nhưng vấn đề này cũng có nhiều tính chất kỹ thuật nữa. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật đang phát triển như vũ bão, một trong những minh chứng rõ ràng nhất chính là sự ra đời của các phương tiện mặt nước (nửa nổi, nửa chìm) tự sát. Chúng thậm chí đã được đưa vào thực chiến trên chiến trường, trong một cuộc xung đột quân sự nóng đang diễn ra tại châu Âu.

Canô tự sát thường được hiểu là một loại phương tiện mặt nước không người lái, mang theo chất nổ, sử dụng để đánh vào các mục tiêu như căn cứ, cầu cảng, tàu thuyền trên biển. Thực tế, trong cuộc xung đột quân sự tại Ucraina, các tàu mặt nước của Hải quân Nga thường xuyên bị những canô tự sát này tiến công tại những khu vực neo đậu hoặc cả khi đang làm nhiệm vụ trên biển, trong đó không ít tàu đã bị thiệt hại nghiêm trọng thậm chí bị đánh chìm.

 

Lồng sắt chống UAV trên xe tăng và phương án lồng sắt chống canô tự sát cho tàu mặt nước

Thời gian ban đầu, những canô tự sát này cũng khá dễ dàng bị lực lượng trực canh chiến đấu trên các tàu Hải quân Nga phát hiện và tiêu diệt bằng những loại vũ khí thông thường trong biên chế. Tuy nhiên, khi những canô tự sát này được trang bị những loại thiết bị dẫn đường tiên tiến hơn thì khả năng thành công của chúng được nâng lên cao hơn nhiều lần và thực sự đang trở thành một mối đe dọa với tất cả các lực lượng hải quân, đòi hỏi những biện pháp phòng vệ khác so với trước.

Các biện pháp phòng vệ này, nhìn chung, có thể chia thành chủ động và thụ động. Trong đó, biện pháp chủ động vẫn bao gồm sử dụng vũ khí trên tàu (bao gồm cả vũ khí bộ binh) và các phương tiện phát hiện mục tiêu, điều khiển hỏa lực để tiêu diệt các canô tự sát khi chúng tiếp cận tàu. Tuy nhiên, việc duy trì khả năng trực canh chiến đấu liên tục đối với cả trang bị và con người là một vấn đề lớn, đặc biệt là bên phòng vệ luôn là bên không chủ động được vì không biết khi nào bên kia tiến công vào tàu mình. Vì vậy, duy trì trực canh trong thời gian dài sẽ dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng và tất yếu nảy sinh những sơ hở dễ bị đối phương lợi dụng.

Biện pháp thụ động chủ yếu là sử dụng những loại thiết bị bảo vệ giăng ra để không cho canô tự sát lao vào tàu. Kinh nghiệm tác chiến với các loại phương tiện không người lái của hai bên xung đột tại Ucraina cho thấy, các loại phương tiện chiến đấu như xe tăng, pháo, cối thậm chí cả công sự chiến đấu đều cần phải được độ chế thêm một loại lưới hoặc lồng thép bảo vệ, mặc dù chúng khá đơn giản nhưng hiệu quả rất cao. Và, đây cũng chính là ý tưởng đang được nghiên cứu để áp dụng cho các tàu mặt nước trên biển của hải quân.

 

Lưới chống ngư lôi thời Thế chiến II và đề xuất lưới bảo vệ có phao nâng cho tàu mặt nước ngày nay

Tuy nhiên, vấn đề đối với ý tưởng này nằm ở khối lượng của các lồng sắt, lưới thép bảo vệ. Vì đối với một xe tăng (Hình 1) thì lồng sắt có thêm vào thì xe cũng chỉ nặng thêm vài tạ hoặc đôi tấn không thành vấn đề, nhưng đối với một con tàu dài cả trăm mét thì nếu làm cái lồng sắt này sẽ khác, khối lượng sẽ lên cả trăm tấn, lắp đặt không đơn giản, đấy là chưa kể đến lồng sắt này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của bản thân con tàu.

Mặc dù vậy, hiện người ta vẫn đang nghiên cứu đề xuất những dạng lồng sắt bảo vệ cho tàu mặt nước lấy cảm hứng từ hệ thống lưới chống ngư lôi cho tàu mặt nước từ thời Thế chiến I và II (Hình 2).

Đề xuất này về bản chất là sản xuất một loại thiết bị bảo vệ dạng ống làm bằng vật liệu nhẹ hơn thép, được câu nối từ thân tàu ra hai bên mạn, đến hai phao nâng (phương án tàu 3 thân), “lưới” này phải đảm bảo đủ chắc chắn để ngăn cản canô tự sát, có phần chìm đủ sâu để ngăn canô dạng nửa nổi, nửa chìm nhưng đủ nhẹ để thu hồi và triển khai sử dụng nhân lực và thiết bị biên chế trên tàu. Ý tưởng này mặc dù chưa có thông tin về việc triển khai trên thực tế nhưng rất đáng quan tâm, nghiên cứu vì tính ứng dụng của nó là khá cao do việc phòng vệ này phải tiến hành ngay cả ở những nước đang trong trạng thái hòa bình, nhưng có thể có nguy cơ khủng bố và tàu hải quân là mục tiêu mà nếu bị khủng bố và chịu thiệt hại thì sẽ có hệ lụy khôn lường.

Minh Ngọc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn