Đã có nhiều trường hợp học sinh bị ngộ độc do ăn, uống những đồ ăn vặt mua ngoài trường học mà không rõ xuất xứ hoặc thực phẩm được chế biến không bảo đảm.
Gần đây nhất, ngày 29/11 vừa qua, một nhóm học sinh lớp 6 và lớp 7 Trường Nguyễn Quý Đức, (Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau khi chia nhau ăn túi kẹo có vỏ màu xanh, chữ nước ngoài đã có dấu hiệu bị đau đầu, buồn nôn. Sau khi được chăm sóc tại phòng y tế của nhà trường, sức khỏe của 11 học sinh đã ổn định trở lại.
Trường hợp nặng hơn, 17 học sinh lớp 5 Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Buôn Dù, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột) đã phải nhập viện cấp cứu với biểu hiện của ngộ độc thực ăn sau khi cùng uống trà sữa được bán cạnh trường học.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài nguy cơ gây ngộ độc cấp tính với các biểu hiện như tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở,… những thực phẩm không có bao bì nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất không đúng quy trình, … thường được bày bán gần các trường học còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại lâu dài cho sức khỏe của học sinh như: béo phì, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí gây ung thư.
Sau sự việc 11 học sinh Trường Nguyễn Quý Đức ăn phải kẹo lạ gây buồn nôn, chóng mặt, tối 1/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, hiệu trưởng các nhà trường trên địa bàn thành phố về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin, thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành phố xảy ra tình trạng học sinh có dấu hiệu bị ngộ độc sau khi ăn “kẹo lạ” mua ở khu vực ngoài cổng trường học, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trường học và sức khỏe của học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị trưởng phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố cần tập trung thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cha mẹ học sinh và học sinh. Học sinh không mua, ăn đồ ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời phổ biến cha mẹ học sinh cần lưu tâm, tăng cường quản lý tình hình học tập, sinh hoạt của con em.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị, trường học chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phát hiện các cơ sở quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc và báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe, học sinh cần có ý thức về việc sử dụng thực phẩm, các gia đình cũng nên bố trí cho con ăn uống tại nhà đầy đủ và chuẩn bị các đồ ăn nhẹ đáp ứng nhu cầu của con em.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chất lượng những sản phẩm được bán trên thị trường, thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kịp thời giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là những hàng quán bày bán ở khu vực quanh trường học.
Dương Hưng (TH)