Cảnh giác với "bẫy" môi giới việc làm tại nhà qua mạng xã hội
HQVN -
Nắm bắt nhu cầu tìm việc làm thêm tại nhà, nhiều website, Facebook cá nhân liên tục đăng tải tìm người làm việc tại nhà rất hấp dẫn. Đi kèm với những quảng cáo đầy “mật ngọt” là yêu cầu nộp tiền đặt cọc... Để rồi, khi người lao động đặt tiền đặt cọc, các đối tượng này biến mất.
Nguyễn Thu Huyền là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Văn hóa. Huyền nhận làm thêm xâu vòng tại nhà qua thông tin trên nhóm Facebook "Tìm việc làm sinh viên". Lương xâu 1 kg hạt là 350 nghìn đồng nhưng phải đặt cọc 1 triệu đồng. Sau khi hoàn thành công việc, Huyền liên lạc với tài khoản Facebook để trả hàng, nhận tiền công thì tài khoản đã biến mất. Huyền lần tìm địa chỉ nhưng tài khoản cung cấp trước đó đã không còn tồn tại.
Tàn nhẫn hơn, các đối tượng còn "nhắm" đến nhóm lao động là người khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Hoa ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã vui mừng khi đọc được thông tin tuyển dụng: "Cần tìm người làm thêm, việc nhẹ phù hợp mẹ bỉm sữa, người khuyết tật..." trên Facebook. Tìm hiểu tài khoản Facebook này, chị Hoa yên tâm khi thấy đăng tải hình ảnh người khuyết tật nhận lương, thưởng cao. Vì thế, chị Hoa nhận việc và làm theo hướng dẫn: Đăng ảnh quảng cáo cho kem đánh răng, nước rửa bát... trên Facebook, sau đó chụp lại màn hình chứng minh việc đã làm để nhận tiền công 200 nghìn đồng.
Tiền chưa được nhận nhưng chị Hoa lại liên tiếp nhận được tin nhắn và các bình luận hỏi mua hàng. Khi chị Hoa thấy nhiều tài khoản hỏi mua hàng và được tài khoản Facebook kia nhắn tin động viên sẽ chiết khấu mỗi sản phẩm 20% và tăng lên 40% nếu bán trên 100 sản phẩm, nên chị Hoa đã ôm hàng về bán. Sau khi bỏ tiền ra ôm một lượng hàng nhất định, chị Hoa mới "tỉnh" khi các số điện thoại, tài khoản hỏi mua hàng trước đó đều đồng thời biến mất. Lời hứa chuyển 200 nghìn đồng từ Facebook kia cũng bặt tăm. Như vậy, chị Hoa đã mất oan toàn bộ số tiền mua sản phẩm của tài khoản Facebook này.
Việc lợi dụng lòng tin của người lao động để thu tiền đặt cọc không mới nhưng vẫn có nhiều người bị "sập bẫy". Vì vậy, người lao động cần tỉnh táo, kiểm tra tư cách pháp nhân của công ty, trụ sở, không nên vội vàng đặt cọc tiền để mất tiền oan.
Nguyễn Giang
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo bán thuốc online, mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tài sản - ( 27-11-24 09:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bán vé Tết Nguyên đán 2025 - ( 20-11-24 10:00 )
- Cảnh giác thủ đoạn giả danh cảnh sát giao thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản - ( 13-11-24 03:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn quảng bá tệ nạn thông qua các chiến dịch miễn phí - ( 09-11-24 08:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt thông qua mời xem phim online và bình chọn được trả phí - ( 22-10-24 07:00 )