Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng
Tại cuộc họp báo thông báo kết quả công tác công an quý I-2024, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết:
“Hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Chúng không chỉ đánh cắp thông tin cá nhân bằng cách gọi điện, giả danh cơ quan chức năng để thao túng tâm lý mà còn chuyển qua sử dụng một số ứng dụng trên điện thoại thông minh để lừa đảo người nhẹ dạ”.
Trước kia, người dùng mạng xã hội khi nhận được những tin nhắn vay tiền, nhờ chuyển khoản từ bạn bè, thường kiểm tra lại bằng các cuộc gọi có hình. Nắm được quy luật này, các đối tượng lừa đảo đã dùng các phần mềm Deepfake (kỹ thuật tạo nội dung cho phép người dùng giả khuôn mặt của người khác hoặc ghép mặt mình vào một video) giả danh người thân, bạn bè để vay tiền, nhờ chuyển khoản hộ, sau đó chiếm đoạt.
Website có địa chỉ 113-bca.online giả mạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao
Thủ đoạn của các đối tượng là tìm hiểu kỹ thông tin những bạn bè, người thân của bị hại trên mạng xã hội. Tiếp đó, chúng tạo lập tài khoản giả mạo trên mạng trùng thông tin và ảnh đại diện với bạn bè, người thân của nạn nhân rồi kết bạn với nạn nhân. Để tạo lòng tin, các đối tượng truyền tải Deepfake video sẵn có lên kênh video call, khiến nạn nhân nhận ra hình ảnh, giọng nói của người quen và tin tưởng chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.
Ngoài sử dụng các ứng dụng điện thoại thông minh, các đối tượng còn tạo lập những đường link và dụ dỗ người dùng mạng xã hội đăng nhập thông tin cá nhân, từ đó đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng... Phổ biến nhất hiện nay là thủ đoạn giả danh cán bộ ngân hàng mời chào khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng online. Các đối tượng thường liên hệ khách hàng mời mở thẻ, mời nâng hạn mức thẻ tín dụng, mời rút tiền từ thẻ tín dụng, mời hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm...
Chúng hối thúc khách hàng nhấn vào đường link giả mạo, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân. Từ đó, chúng chiếm đoạt thông tin, yêu cầu cung cấp mã xác thực tài khoản ngân hàng và rút cạn tiền của nạn nhân.
Một thủ đoạn lừa đảo qua mạng mới nổi lên gần đây là làm giả hóa đơn chuyển tiền của các ngân hàng. Đối tượng lừa đảo thường đặt hàng qua mạng và chọn hình thức thanh toán chuyển khoản. Khi giao dịch mua bán xong, các đối tượng gửi hình ảnh chụp qua màn hình điện thoại biên lai thanh toán của ngân hàng. Thực chất đây là hình ảnh giả mạo.
Thiếu tướng Tô Cao Lanh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết: “Tùy từng lĩnh vực mà các đối tượng lựa chọn các hình thức khác nhau để thực hiện hành vi lừa đảo. Khi sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng, cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng cho bất kỳ ai nếu chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi đối tượng đã cung cấp hình ảnh chuyển khoản thành công”.
Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn giả danh lực lượng cảnh sát công nghệ cao để lừa người bị hại. Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh cán bộ an ninh mạng để hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa đảo.
Với lời giới thiệu sẽ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa từ các sàn chứng khoán, sàn thương mại điện tử, cộng tác viên online với thủ tục nhanh chóng, đơn giản, cam kết lấy lại được tiền sau 24 giờ... khiến nhiều người "sập bẫy". Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đóng phí hoặc thực hiện các thao tác để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi sử dụng internet hoặc mua sắm online. Không đăng nhập thông tin cá nhân vào các đường link chưa được kiểm chứng, không cung cấp mã xác thực tài khoản ngân hàng cho người lạ, số điện thoại lạ. Ngoài ra, người dân cần bình tĩnh khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video với nội dung vay, mượn tiền qua các ứng dụng mạng xã hội; cần gọi điện thoại hoặc liên lạc trực tiếp với người thân để xác minh (không gọi qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Messenger, Viber, Telegram...).
Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời và để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo theo quy định pháp luật. Đặc biệt, không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email cho bất kỳ ai, kể cả khi đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, cán bộ cơ quan nhà nước...
PV (TH)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Một số điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ - ( 31-07-24 11:00 )
- Cảnh báo lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học - ( 08-07-24 05:00 )
- Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào nền nếp - ( 04-07-24 01:00 )
- Bộ Công an cảnh báo tội phạm đánh bạc, cá độ mùa EURO 2024 - ( 21-06-24 02:00 )
- Kho 858 phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024 - ( 18-06-24 09:00 )