“Cánh chim biển” mở rộng đô thị Hải Phòng về phía Bắc

HQVN -

Ngày 15-10, cầu Hoàng Văn Thụ đã thông xe kỹ thuật sau hơn 2 năm thi công. Đây là công trình giao thông đặc biệt, kết nối phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên) của TP.Hải Phòng. Không chỉ giúp thuận tiện giao thông, cầu Hoàng Văn Thụ còn là điểm nhấn về kiến trúc, là đòn bẩy để Thành phố mở rộng không gian đô thị về phía Bắc.

Cầu vòm thép có nhịp chính dài nhất Việt Nam

Cầu Hoàng Văn Thụ thuộc Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới (KĐTM) Bắc sông Cấm. Cầu được thiết kế theo mô hình cánh chim biển gồm: Cầu chính có chiều dài là 290 m đảm bảo tĩnh không thông thuyền là 125x25 m, dạng kết cấu cầu vòm chạy giữa có thanh treo, vành vòm dạng ống thép nhồi bê tông. Phần cầu chính kết cấu thép nặng hơn 5 nghìn tấn. Bề rộng mặt cắt ngang cầu là 33,5 m đảm bảo 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và lề đi bộ hai bên. Đến thời điểm hiện tại, đây là chiếc cầu vòm thép có nhịp lớn nhất ở Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Hoàng Văn Thụ

Kết cấu các nhánh cầu dẫn phía Nam gồm hai cầu nhánh đối xứng dạng vòng xoay hai tầng, kết nối xuống đường ven sông Cấm; sử dụng kết cấu dầm bản rỗng bê tông cốt thép dự ứng lực đổ tại chỗ, chiều cao dầm là 1,45 m, chiều dài mỗi nhánh: 479,06 m, bề rộng cầu 12,8 m. Kết cấu cầu dẫn phía Bắc sử dụng dầm Super T cho phần chính tuyến và dầm bản rỗng đúc tại chỗ trên đà giáo cho các nhánh rẽ. Chiều dài nhánh 1: 212,9 m, Chiều dài nhánh 2: 247,9 m. Bề rộng cầu thay đổi từ 8,9-9,5m. Để thuận tiện cho người đi bộ, ngoài cầu thang bộ, cầu được thiết kế lắp đặt 2 thang máy tại vị trí 2 bên đầu cầu phía nội thành. Điểm nổi bật của cầu Hoàng Văn Thụ còn ở hệ thống ánh sáng. Về đêm cây cầu như một điểm trình diễn ánh sáng trên sông Cấm. Tổng mức đầu tư của công trình cầu Hoàng Văn Thụ là 2.173 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố.

Phát biểu tại buổi lễ thông xe kỹ thuật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương TP.Hải Phòng đã mạnh dạn dành ngân sách lớn để đầu tư công trình. Thủ tướng cũng đánh giá cao các đơn vị có liên quan và người dân đã ủng hộ chủ trương của Thành phố để có mặt bằng, khẩn trương thi công công trình. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh: Cầu Hoàng Văn Thụ hoàn toàn do Việt Nam thiết kế và thi công, không chỉ mở ra một không gian mới, phát triển KĐTM Bắc sông Cấm mà còn khẳng định sự lớn mạnh của ngành giao thông vận tải nước nhà, của TP.Hải Phòng.

Tạo sự đột phá cho đô thị Hải Phòng

Không bao lâu nữa, điểm nối của cầu Hoàng Văn Thụ tại huyện Thủy Nguyên sẽ hình thành một KĐTM năng động và thịnh vượng bậc nhất phía Bắc Việt Nam. Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐTM Bắc sông Cấm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1131/QĐ-TTg ngày 24-6-2016 hiện đang triển khai tích cực, tạo ra bước đột phá trong phát triển đô thị Hải Phòng với các chức năng: Trung tâm hành chính-chính trị; trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại; trung tâm văn hóa; trung tâm công viên, cây xanh sinh thái; khu nhà ở có chất lượng sống cao và là khu vực trọng yếu về Quốc phòng an ninh.

Cầu Hoàng Văn Thụ trong ngày thông xe kỹ thuật

Theo Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đến năm 2025, KĐTM Bắc sông Cấm có quy mô diện tích khoảng 324 ha, quy mô dân số khoảng 17.500 người. Thiết kế cảnh quan đô thị dọc các trục đường chính là các công trình điểm nhấn như: Các tòa nhà, các công trình kiến trúc nhỏ, điêu khắc…; hệ thống cây xanh đường phố, hệ thống các trang thiết bị biển báo, đèn đường sẽ được nghiên cứu thiết kế riêng để tạo điểm nhấn đặc trưng riêng của từng khu phố.

Bên cạnh đó, tổ chức không gian quảng trường trung tâm hài hòa với các khu vực chức năng xung quanh và đảm bảo cho các hoạt động sự kiện xã hội định kỳ và thường xuyên. Tổ chức hai hệ thống công viên ven sông là công viên ven sông Trịnh và công viên ven sông Cấm. Hai hệ thống công viên này ngoài chức năng liên kết về mặt không gian các khu vực phụ cận còn tạo ra hệ thống không gian mở của từng khu chức năng và của toàn bộ khu vực đô thị.

Về tổ chức giao thông, dự án được bố trí 1 bến tàu du lịch phía Nam khu vực phục vụ du lịch dọc sông Cấm, mở rộng tỉnh lộ 359 có lộ giới 50,5 m; đường trục chính Đông Tây và Bắc Nam có lộ giới 90 m, đường khu vực có lộ giới 45 m, đường phân khu vực có lộ giới 19,5-36 m, đường nội bộ có lộ giới 16,5-22 m; bố trí 4 nút giao khác mức tại các giao lộ lớn, còn lại tổ chức nút giao cùng mức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan cầu

Về tổ chức hệ thống cầu, hầm, sẽ giữ nguyên quy mô hiện hữu của Cầu Bính; xây mới cầu Hoàng Văn Thụ (kết nối đường Hoàng Văn Thụ với đường phố chính Bắc Nam) và hầm Tuynel (kết nối từ dải trung tâm Thành phố với đường khu vực Bắc Nam của KĐTM Trung tâm Bắc sông Cấm); đồng thời bố trí 4 cầu vượt và 7 hầm chui dành cho người đi bộ; 10 bãi đỗ xe ngoài trời có tổng diện tích là 5,26 ha; 4 bãi đỗ xe ngầm với diện tích 6,73 ha….

Như vậy, sau 14 năm kể từ khi khánh thành cầu Bính, một cây cầu nữa bắc qua dòng sông Cấm đã hoàn thành, đưa huyện Thủy Nguyên gần hơn với nội thành Hải Phòng, mở cánh cửa phát triển về hướng Bắc của Thành phố. Cầu Hoàng Văn Thụ đánh dấu sự chuyển mình của Thành phố trong quá trình thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài, ảnh: Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn