Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng: Cửa ngõ kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế biển

HQVN -

Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng (TC-HICT) là liên doanh giữa Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân), Công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines (Nhật Bản), Công ty Wan Hai Lines (Đài Loan, Trung Quốc) và Tập đoàn Itochu (Nhật Bản). Từ khi TC-HICT đi vào hoạt động, hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc được vận chuyển trực tiếp tới châu Mỹ, châu Âu mà không phải trung chuyển qua cảng khác như trước đây.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, TC-HICT vẫn đạt được doanh số, kế hoạch đã đề ra. Những ngày đầu Xuân 2021, không khí lao động, sản xuất của cán bộ, công nhân viên TC-HICT càng hăng hái, tự tin và phấn khởi.

TC-HICT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Luôn đặt mục tiêu khách hàng là trung tâm, lãnh đạo TC-HICT đã áp dụng chính sách ưu đãi; đi đầu trong việc phát triển công nghệ thông tin, triển khai thành công phần mềm E-port và lệnh giao hàng điện tử EDO… bảo đảm năng suất làm hàng đạt hơn 150 container/giờ. Bằng chất lượng dịch vụ và các chính sách mềm dẻo, linh hoạt, TC-HICT ngày càng được khách hàng tin yêu và lựa chọn là nơi giao nhận hàng hóa.

Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân thăm, kiểm tra TC-HITC

Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng thành viên TC-HICT cho biết: Trải qua gần 3 năm phát triển, TC-HICT đã và đang khẳng định được vị thế của mình trong khu vực. TC-HICT đã vượt qua nhiều cột mốc đáng nhớ. Tháng 3-2019, Cảng hoàn thành việc đưa toàn bộ các trang thiết bị mới đồng bộ đi vào hoạt động. Tháng 4-2019, Cảng tiếp nhận chuyến tàu xuyên Thái Bình Dương đầu tiên đi trực tiếp đến Mỹ và Canada. TC-HICT đã tổ chức lễ đón cỡ tàu 12.000 TEU trên hải trình đến bờ Tây nước Mỹ vào ngày 7-5-2019. Một năm sau, Cảng chào đón thêm 2 tuyến dịch vụ đi trực tiếp đến Mỹ. Ngoài ra, các hãng tàu đã tin tưởng chọn TC-HICT là nơi để đưa những chuyến tàu nội Á với kích cỡ lớn hơn 3.000 TEU cập cảng làm hàng, khẳng định khả năng, tiềm lực tiếp nhận những tàu trọng tải lớn của Cảng.

Để nâng cao năng lực tiếp nhận, xếp dỡ hàng hóa, container, TC-HICT đã đầu tư trang bị 6 cẩu bờ STS hiện đại nhất Việt Nam, 24 cẩu bãi ERTG, hệ thống quản lý khai thác cảng TOPX-Expert, cổng thông tin điện tử E-Port, lệnh giao hàng điện tử EDO.

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, hiện Cảng tiếp nhận 10 tuyến dịch vụ với 12 chuyến/tuần bao gồm 3 tuyến dịch vụ trực tiếp xuyên Thái Bình Dương với tàu có sức chở 108.000 DWT đến 132.900 DWT, rút ngắn thời gian vận chuyển từ 25 ngày xuống còn 19 ngày so với phương án trung chuyển tại cảng nước ngoài như trước đây; 2 tuyến dịch vụ trực tiếp đi Ấn Độ... TC-HICT đã vươn lên là một trong các cảng dẫn đầu tại Hải Phòng về sản lượng hàng hóa thông qua và là cảng nước sâu đầu tiên, duy nhất hiện nay tại miền Bắc Việt Nam cũng như trong TOP 20 các cảng biển trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn.

Ông Steven Yang, Tổng Giám đốc TC-HICT khẳng định: Song song với việc cải thiện chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng, tăng năng suất phục vụ, TC-HICT ưu tiên đẩy mạnh việc chuyển đổi số, hướng đến việc xây dựng một môi trường cảng thân thiện nhằm đạt được danh hiệu “Cảng xanh” của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. TC-HICT sẽ chủ động gắn kết các mối quan hệ đối nội, đối ngoại, tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) với mục tiêu trở thành một doanh nghiệp vững mạnh về mọi mặt và mang đến nhiều giá trị tích cực cho khách hàng cũng như cộng đồng.

Để tiếp tục khẳng định vị thế cảng biển nước sâu có thể đón được các tàu mẹ có sức chở lớn hơn khai thác trên tuyến trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ, TC-HICT sẽ tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam cho phép thử nghiệm tiếp nhận tàu trọng tải 160.000 DWT, sức chở 14.000 TEU giảm tải ra vào làm hàng tại cảng.

Nhìn lại chặng đường lịch sử gần 150 năm qua, các bến cảng của TP.Hải Phòng luôn đóng vai trò là cửa ngõ ra vào lớn nhất miền Bắc. Với sự phát triển của TC-HICT, hệ thống cảng Hải Phòng sẽ bước sang một trang mới, đón thêm những con tàu có sức chở ngày càng lớn, ghi dấu ấn trên bản đồ các cảng trung chuyển quốc tế của khu vực và thế giới. TC-HICT đi vào hoạt động góp phần cắt giảm thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và chi phí cho các doanh nghiệp. Sự có mặt cảng nước sâu TC-HICT còn mở rộng thêm cánh cửa thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam, tạo động lực cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Với khẩu hiệu “Chân thành-Sáng tạo-Chu đáo”, cán bộ, công nhân viên, người lao động TC-HICT phấn đấu xây dựng Cảng trở thành trung tâm kết nối hệ thống cảng và các ICD khu vực phía Bắc, góp sức cùng toàn hệ thống xây dựng Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn trở thành tập đoàn kinh tế quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển, thực hiện thắng lợi sứ mệnh “Kết nối lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế biển, nâng tầm thương hiệu quốc gia”.

Bài, ảnh: Duy Khánh

Năm 2020, TC-HICT đã đón hơn 400 lượt tàu ra vào làm hàng; sản lượng thông qua đạt 653.944 Teus, về đích trước 28 ngày (vượt 8% kế hoạch, tăng 56% so với 2019); năng suất làm hàng đạt hơn 150 container/giờ, cao nhất khu vực miền Bắc.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn