Cần thận trọng với đường link lạ từ tin nhắn SMS ‘Tình một đêm’
Các chuyên gia an ninh mạng cho biết người dùng cần cẩn trọng với những đường link lạ đính kèm trong các tin nhắn SMS được gửi đến thuê bao VinaPhone hay Viettel.
Trong những ngày gần đây, một loạt thuê bao VinaPhone và Viettel đều nhận được tin nhắn đến từ tên người gửi “Tinh 1 Dem” hoặc “gai***” với những nội dung mời chào kèm theo đường link truy cập vào một trang web lạ.
Anh T.N.L (Đống Đa, Hà Nội) cho biết cả anh và vợ mình đều nhận được tin nhắn mời chào này. Tương tự, anh Nguyễn Văn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội) bức xúc chia sẻ khi nửa đêm nhận được tin nhắn mời chào tham gia.
Anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia bảo mật tại dự án Chống Lừa Đảo (chongluadao.vn) cho biết, đây là trang nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Anh Hiếu chia sẻ, sau khi truy cập, trang web lừa đảo có thể yêu cầu người dùng cung cấp tên đăng nhập, tài khoản ngân hàng hoặc các thông tin như OTP để chiếm đoạt tài sản.
Anh Hiếu cũng cho biết dự án đã chặn đường link “Tinh 1 Dem” và thường xuyên chặn khóa các trang tương tự, nhưng các nhóm lừa đảo liên tục tạo ra các đường link mới, cùng các dạng tin nhắn mới để dẫn dụ người dùng.
Chẳng hạn, dạng tin nhắn lừa đảo tương tự trước đây đến từ tên người gửi “Sacombank” “TPBank” với nội dung yêu cầu người dùng truy cập trang web để hủy giao dịch hoặc cập nhật mật khẩu tài khoản ngân hàng.
Kiểm tra thuê bao nhận SMS, đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết dạng tin nhắn lừa đảo này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà do kẻ xấu phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo (IMSI Catcher/SMS Broadcaster).
Các thiết bị này được mua bán, sử dụng trái phép để phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng không thông qua mạng viễn thông di động. Tin nhắn thường được thay đổi thông tin nguồn gửi thành dạng tên để tạo lòng tin, và nội dung chứa đường link tới trang web lừa đảo.
Đại diện Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), thuộc Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng khuyến cáo người dân cảnh giác, không truy cập các đường link, tên miền lạ gửi qua tin nhắn. Cùng với đó, nếu đã cung cấp thông tin, người dùng hãy đặt lại toàn bộ mật khẩu của các tài khoản ứng dụng đang sử dụng để bảo vệ mình.
Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2022, tổng đài 5656 (tổng đài tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn của Bộ Thông tin và Truyền thông do Cục An toàn thông tin quản lý, vận hành) đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh.
Theo đó, có 25.476 lượt phản ánh tin nhắn rác; số lượt phản ánh cuộc gọi rác là 177.473 trong đó phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%. Số tin nhắn rác đã chặn 458,7 triệu tin (tăng 67.2% so với cùng kỳ năm 2021).
Theo Vietnam+
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bán vé Tết Nguyên đán 2025 - ( 20-11-24 10:00 )
- Cảnh giác thủ đoạn giả danh cảnh sát giao thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản - ( 13-11-24 03:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn quảng bá tệ nạn thông qua các chiến dịch miễn phí - ( 09-11-24 08:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt thông qua mời xem phim online và bình chọn được trả phí - ( 22-10-24 07:00 )
- Cảnh báo lừa đảo thông qua hình thức giao hàng - ( 03-10-24 05:00 )