Cần có những giải pháp chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo

HQVN -

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành về lịch sử và văn hóa, giáo dục. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu giá trị cao về khoa học và thực tiễn. Văn hóa, trong đó có văn hóa biển, đảo là lĩnh vực ông đã dành nhiều tâm huyết và trí tuệ để nghiên cứu.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang thì văn hóa biển, đảo là một khái niệm rộng, bao gồm tất cả những gì do con người sáng tạo ra trong quan hệ tương tác với môi trường biển, đảo bao gồm cả các vùng duyên hải. Đó là nét đặc sắc và có vị trí đặc biệt trong di sản văn hóa Việt Nam. Do vậy, văn hóa biển, đảo cần phải được đặc biệt quan tâm bảo vệ và phát huy, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nhân dịp Tết Nhâm Dần, phóng viên Báo Hải quân đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang xoay quanh vấn đề này.

GS. TSKH Vũ Minh Giang

PHÓNG VIÊN (PV): Thưa GS. TSKH Vũ Minh Giang, là người đã dành cả tâm huyết và trí tuệ của mình để nghiên cứu về văn hóa biển, đảo, ông có thể nói rõ hơn về khái niệm này cho bộ đội Hải quân và độc giả được biết không ạ?

GS.TSKH VŨ MINH GIANG: Trước hết, phải khẳng định biển, đảo có vị trí đặc biệt quan trọng đối với đất nước ta từ xưa tới nay. Trong suốt chiều dài lịch sử cha ông ta đã sáng tạo nên biết bao những giá trị văn hóa trong quá trình khai thác và ứng xử với môi trường biển, đảo. Chúng ta có một di sản văn hóa vô cùng đồ sộ nhưng đáng tiếc là khai thác chưa được bao nhiêu. Tôi cùng rất nhiều nhà khoa học trong nước đã dày công nghiên cứu và công bố nhiều công trình, tổ chức nhiều hội thảo về nội dung này với mục đích làm dày thêm cơ sở khoa học cho các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Cảm ơn Báo Hải quân đã tạo cơ hội để nhân dịp đầu xuân mới, tôi được trao đổi nội dung quan trọng này với các độc giả, trong đó có những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển, đảo. Đây là điều với tôi hết sức đáng trân trọng.

“Văn hóa biển” hay rộng ra “văn hóa biển, đảo” là những khái niệm khoa học đã và đang được sử dụng trong nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước. Đó là những minh chứng cụ thể về sự quan tâm của khoa học đa ngành, liên ngành đối với vị trí, vai trò của biển, đảo, từ đó có những hướng tiếp cận khác nhau, điều này đã được thể hiện rất rõ tại Hội thảo khoa học về văn hóa biển, đảo được tổ chức lần đầu tiên (năm 2014).

Ở Việt Nam, văn hóa biển đã có từ hàng nghìn năm, khi người dân mưu sinh trong điều kiện cuộc sống gắn với biển và cũng mang trong mình niềm tự hào lớn lao về biển. Những nét văn hóa gắn với nghề đi biển, giao thương biển thể hiện trong tổ chức xã hội, lễ hội, tập tục, truyền thống, trong đó có cả sở trường chống ngoại xâm của cư dân ven biển… Trong quan hệ cộng sinh với biển, cùng với nghề làm muối, các loại mắm từ hải sản, người Việt cùng các dân tộc anh em sống ven biển đã sớm nắm được kỹ thuật đóng tàu thuyền và kiến thức đi biển để vươn ra khơi xa khai thác các nguồn lợi từ biển.

PV: Thưa Giáo sư có thể nói sâu thêm về truyền thống lâu đời của văn hóa biển, đảo Việt Nam?

GS.TSKH VŨ MINH GIANG: Có thể nói, truyền thống văn hóa biển, đảo Việt Nam đa dạng và phong phú với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể. Theo đó, thiết chế văn hóa trong không gian văn hóa biển, đảo rất phong phú, đa dạng với sự góp mặt của các loại hình di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, đình, đền, chùa, miếu… Mỗi di tích đều gắn với những tín ngưỡng, tôn giáo và là nơi tổ chức thực hành tín ngưỡng hoặc là nơi ghi nhớ, tưởng niệm các anh hùng đã có công dựng nước suốt chiều dài lịch sử.

Để có không gian thực hiện nghi lễ, từ thời xa xưa, những ngư dân, đặc biệt là từ trung bộ trở vào đã xây dựng những lăng, miếu thờ “ông Nam Hải” đồ sộ. Với ngư dân, Lăng cá Ông có vai trò như không gian thiêng dành để thờ Thành hoàng làng. Tín ngưỡng và tập tục thực hành tín ngưỡng thờ cá Voi của ngư dân biển, đảo đã tạo nên một hệ thống các giá trị vật thể và phi vật thể to lớn và quý báu. Có rất nhiều lăng thờ và lễ hội cá Ông đã được công nhận là Di sản văn hóa lịch sử cấp quốc gia như: Lễ hội Nghinh Ông (Khánh Hòa), Lăng Van Thủy Tú (Bình Thuận)…

Trong các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, trên các vùng biển, đảo còn lưu lại tên đất, tên người như di tích về chiến thắng Bạch Đằng trên vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Các di tích tôn vinh những người có công đánh đuổi xâm lược, bảo vệ biển, đảo như: Đình Quan Lạn, đền Trần Khánh Dư (Vân Đồn, Quảng Ninh), đền thờ Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá, Kiên Giang)…

Trong loại hình di tích lịch sử vùng biển, đảo, không thể không nhắc tới hình ảnh biểu trưng phản ánh lịch sử hình thành và phát triển ngành hàng hải nước ta, gắn bó sâu sắc, chặt chẽ với đời sống biển, đảo nhiều thập kỷ, chính là những ngọn hải đăng trên biển.

Giáo sư, TSKH Vũ Minh Giang tham luận tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021. Ảnh: CTV

PV: Thưa Giáo sư, qua những sơ lược của ông về văn hóa  và lịch sử truyền thống văn hóa biển, đảo, có thể thấy văn hóa biển, đảo Việt Nam mức độ phân bố bố dày đặc và có bề dày đáng kể. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?

GS.TSKH VŨ MINH GIANG: Phải khẳng định rằng, văn hóa biển, đảo của Việt Nam không chỉ dày đặc theo không gian,có bề dày lịch sử mà đó còn là một trong những bằng chứng, căn cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền đất nước.

Việt Nam có chiều dài bờ biển đến 3.260km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nên kho tàng lịch sử văn hóa biển, đảo rất phong phú. Về di sản văn hóa phi vật thể, chúng ta đã phát hiện hàng loạt di chỉ cư trú, sinh hoạt của cư dân thời tiền sử với những đặc trưng có thể khái quát thành những nền văn hóa, như: Hà Long, Bàu Tró, Sa Huỳnh… Ở những giai đoạn tiếp theo, ngoài những hệ thống di tích, lễ hội phản ánh cuộc sống, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân ven biển, người dân còn đúc kết được kinh nghiệm sống, làm ăn… được truyền từ đời này sang đời khác.

Các chứng cứ khảo cổ học đã khẳng định hàng nghìn năm về trước, người Việt Nam đã tiếp xúc với biển khơi. Truyền thống văn hóa đó nói lên rằng từ ngàn xưa tổ tiên người Việt đã làm chủ biển khơi. Những khu mộ cổ táng trong các quan tài hình thuyền sang trọng phát hiện ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) và Yên Hưng (Quảng Ninh) thuộc vùng duyên hải phía Đông Bắc cho thấy từ thời văn minh Đông Sơn cách ngày nay hơn 2.000 năm, nơi đây đã là từng là địa bàn sinh tụ của những cộng đồng cư dân gắn với sông biển, có trình độ phát triển rất cao. Sâu vào phía Nam, một loạt cửa biển khác cũng được khai thác như của Lạch Trường (Thanh Hóa), cửa Hội (Hà Tĩnh), thương cảng Cù Lao Chàm, Nha Trang, Phan Rang, rồi đến Óc Eo, Hà Tiên ở Nam Bộ… Khi bước vào kỷ nguyên độc lập, các triều đại Lý, Trần, Lê cũng đặc biệt chú ý xây dựng Thương Cảng quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Hiện nay, các nhà khảo cổ học tìm thấy ở Vân Đồn nhiều di tích, di vật gắn với một thời hoạt động thương mại sầm uất trên biển. Đáng nói hơn cả là những cứ Việt Nam được tìm thấy ở huyện đảo Trường Sa qua các di vật gốm. Điều này chứng tỏ hoạt động lâu đời và liên tục của người Việt ở đây.

Cũng như Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tồn tại cho đến tận hôm nay gắn liền với sự hình thành và hoạt động của hải đội Hoàng Sa trong lịch sử như những người mang trên mình sứ mệnh khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

PV:  Thưa Giáo sư, như Giáo sư đã nói, giá trị của văn hóa biển, đảo cần phải được bảo tồn và phát huy. Vậy theo Giáo sư, để thực hiện được điều này, chúng ta cần có những giải pháp gì thưa ông?

GS.TSKH VŨ MINH GIANG: Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021, trong bài phát biểu của tôi đã khẳng định, văn hóa chính là “hồn cốt” của một dân tộc, là “căn cước” của một cộng đồng. Văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh trên trường quốc tế. Vậy thì văn hóa biển, đảo cũng không nằm ngoài quan điểm này nên chúng ta phải bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của nó.

Trong bối cảnh hiện nay, thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ đại dương”, khai thác biển đang trở thành vấn đề mang tính chiến lược đối với nhiều quốc gia và vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa các quốc gia cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến nền hòa bình của nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế như: Xa rời các giá trị văn hóa truyền thống; khai thác biển thiếu định hướng và hủy hoại môi trường; yếu tố văn hóa mới xâm nhập; nguy cơ biến mất của nhiều làng nghề; sự xuống cấp của các di tích, ô nhiễm môi trường, nghề đánh bắt trên biển gặp khó khăn, du lịch văn hóa biển nghèo nàn….

Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã và đang đặc biệt quan tâm đến văn hóa biển, đảo. Điều này thể hiện tại các chỉ thị, nghị quyết và những quyết sách quan trọng của Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII. Nhưng để bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa biển, đảo, chúng ta cần có sự phối hợp, đồng thuận trong thực hiện của nhiều cấp, nhiều ngành và của nhiều địa phương.

Trước hết, phải chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng cư dân biển và ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, coi đây là nền tảng quan trọng để xây dựng văn hóa biển.

Thứ hai, cần kiện toàn và hoàn thiện bộ khung pháp lý về biển, đảo phù hợp với Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đối với các giá trị văn hóa biển, trong đó có chính sách bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa biển cho phù hợp. Tôn vinh các giá trị văn hóa biển truyền thống tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ, loại bỏ những thủ tục lạc hậu. Bên cạnh đó cần quan tâm hơn nữa đầu tư cho văn hóa biển, trong đó có bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa vùng miền biển.

Thứ ba, cần có chương trình văn hóa quốc gia đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo. Là quốc gia tiếp giáp với biển, để chinh phục và khai thác nguồn lợi của biển trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang đầu tư cho việc nhận diện, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo… Vì thế, cần có một chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ các địa phương có biển, đảo bảo vệ và phát huy giá trị của văn hóa biển, đảo. Đối với các địa phương có biển, đảo, cần có các bước điều tra, rà soát về thực trạng văn hóa biển, đảo theo một khung chung của cơ quan chức năng. Tiếp theo đó sớm triển khai thực hiện những chương trình, dự án bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo.

Thứ tư, phát triển du lịch gắn với bảo vệ và phát huy giá trị biển, đảo. Tổ chức các cuộc khảo sát, đánh giá về thực trạng phát triển du lịch làng nghề, từ đó định hướng đúng đắn công tác quản lý trong việc bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề. Để bảo tồn những làng nghề truyền thống có lịch sử phát triển lâu đời mang giá trị văn hóa địa phương, vùng miền, các nhà quản lý cần phải nhận thức giá trị của làng nghề không chỉ ở giá trị kinh tế mà còn ở cả giá trị văn hóa và ngược lại. Quy hoạch làng nghề gắn với phát triển du lịch biển.

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TSKH!

Thanh Hằng (thực hiện)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn