Các giải pháp chống khai thác IUU (Kỳ 4): Các địa phương cần quyết liệt khi thực hiện IUU
HQVN -
Bên cạnh một số địa phương thực hiện tốt IUU như Khánh Hòa, Phú Yên, còn một số tỉnh, thành thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác sản bất hợp pháp, nhất là công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra xử lý vi phạm còn nhiều bất cập, hạn chế.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra
Một trong những nguyên nhân thực hiện IUU chưa hiệu quả thời gian qua chính là các chủ phương tiện, ngư dân các địa phương còn chưa tuân thủ nghiêm pháp luật, chưa thấy được hậu quả khi đánh bắt hải sản bất hợp pháp, trong khi công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm không phải địa phương nào thực hiện tốt. Qua tìm hiểu các địa phương thực hiện tốt IUU chúng tôi nhận thấy, địa phương nào, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn, ấp, tổ dân phố quan tâm, quyết liệt trong tuyên truyền, vận động ngư dân kết hợp xử lý nghiêm vi phạm thì địa phương đó ngư dân chấp hành nghiêm việc thực hiện IUU.
Tàu cá ngư dân Khánh Hòa chuẩn bị ra khơi khai thác thủy sản. Ảnh: TTV
Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Khánh Hòa cho biết: Từ tháng 10/2018 đến nay mặc dù tỉnh luôn có gần 1.000 tàu cá hoạt động xa bờ nhưng không có tàu cá nào của Khánh Hòa vi phạm IUU. Có được kết quả này ngoài việc gần 97% tàu cá trên địa bàn đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), 95% tàu cá từ 6m trở lên được kiểm tra an toàn kỹ thuật, đánh dấu và cấp phép khai thác thủy sản trước lúc ra biển thì chúng tôi chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động ngư dân, kết hợp với nhiều biện pháp để thực hiện nghiêm IUU.
Do đặc thù nghề biển nên ngư dân không phải lúc nào cũng ở địa phương, do đó Sở yêu cầu các xã, phường, tổ dân phố nắm chắc các hộ dân có tàu khai thác hải sản để đến từng nhà, từng tàu để tuyên truyền, phát tờ rơi, vận động người dân chấp hành nghiêm IUU, ký giấy cam kết không vi phạm; việc xử phạt tàu vi phạm được đăng công khai trên website của Sở. Từ tháng 4/2018, tỉnh còn thành lập triển khai 4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì tại các cảng cá như Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh (các tỉnh khác, việc kiểm tra phương tiện xuất bến thường là giao cho Biên phòng). Nhờ có trạm (chốt) kiểm tra chuyên môn nghề cá nên việc kiểm soát, kiểm tra tàu xuất, nhập bến rất hiệu quả. Đến tháng 11/2021, các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đã kiểm tra 2.286 lượt tàu cá rời cảng, cập cảng với sản lượng gần 4.000 tấn.
Thu hoạch sản phẩm sau chuyến đánh bắt khơi xa của ngư dân Phú Yên. Ảnh: TTV
Một cán bộ ở Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá phường Vĩnh Lương, TP. Nha Trang cho biết: Trước lúc rời bến, bên cạnh thực hiện các thủ tục theo qui định, kiểm tra kết nối VMS, nhất là đối với 743 tàu cá hoạt động ở vùng biển xa, chúng tôi luôn phát tờ rơi tuyên truyền, đánh dấu khu vực ranh giới biển, vùng biển nước ngoài, những khu vực có âu tàu, làng chài do Hải quân quản lý để thuyền trưởng lưu ý không vi phạm IUU, nhất là vào trú tránh bão khi thời tiết bất thường, vì vậy ngư dân ở các tàu cá tự giác chấp hành nghiêm. Qua kiểm tra thực hiện IUU ngày 20 và 21/11 vừa qua tại Khánh Hòa, Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành thực hiện nghiêm IUU, nhất là công tác tuyên truyền kết hợp với thực thi pháp luật về nghề cá vượt trội hơn 28 tỉnh, thành ven biển khác.
Xử phạt nghiêm để có tính răn đe
Từ một tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm IUU nhưng từ năm 2019 đến nay Phú Yên được Bộ NN-PTNT đánh giá là địa phương thực hiện tốt IUU. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh Phú Yên. Với hơn 4000 tàu cá, trong đó có 1.180 tàu đánh bắt xa bờ nên từ năm 2018 trở về trước việc quản lý tàu cá ở tỉnh Phú Yên gặp không ít khó khăn.
Năm 2018 có đến 5 tàu cá của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt gây thiệt hại cho chủ tàu và ảnh hưởng đến việc thực hiện IUU của tỉnh Phú Yên. Sau sự việc trên, đối với các tàu cá vi phạm, Sở NN-PTNT không cấp giấy phép khai thác hải sản, không cho đóng mới tàu cá và buộc chủ tàu chi trả kinh phí đưa các thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ về nước. UBND tỉnh Phú Yên cũng chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc ngư dân và chính quyền địa phương có tàu cá vi phạm; đồng thời xử phạt nghiêm để răn đe tàu cá vi phạm.
Qua hệ thống giám sát tàu cá (96% số tàu cá của tỉnh đã được lắp đặt VMS), nếu phát hiện tàu cá có dấu hiệu vượt đường ranh giới, các kíp trực thông báo ngay cho chủ tàu và thuyền trưởng, nếu có tàu vi phạm sẽ xử lý nghiêm khi vào bờ.
Tàu cá ngư dân Phú Yên cập cảng Âu tàu đảo Trường Sa để tiếp nhiên liệu bám biển dài ngày. Ảnh: PV
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, Sở đã tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm. Đã có 45 vụ vi phạm hành chính đã được phát hiện và xử lý qua kiểm tra, kiểm soát; 18 trường hợp chỉ mới chớm chạm vùng biển nước ngoài vẫn bị lập biên bản khiển trách, yêu cầu cam kết không vi phạm; xử phạt nghiêm 2 trường hợp vô hiệu hóa thiết bị VMS để né tránh kiểm soát của cơ quan chức năng.
Là một trong những tỉnh thực hiện tốt qui định lắp đặt VMS (đạt 98,8%) nhưng việc quản lý, giám sát tàu cá còn khó khăn do tình trạng thiết bị giám sát hành trình bị ngắt kết nối, mất tín hiệu khi hoạt động trên biển nên tỉnh Bến Tre vẫn là một trong 7 tỉnh còn có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ do khai thác hải sản trái phép (năm nay còn 7 tàu vi phạm). Ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết: Nguyên nhân chính của việc thực hiện IUU ở tỉnh Bến Tre chưa hiệu quả, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương còn lơ là, thiếu sâu sát, thiếu theo dõi kiểm tra việc thực hiện IUU; các chế tài, qui định xử lý vi phạm còn nhiều bất cập; công tác phối hợp giữa các ngành, lực lượng chưa chặt chẽ; ý thức của người dân chưa thấy được tính chất nghiêm trọng của vi phạm IUU...
Tàu cá ngư dân vào tránh trú bão ở Âu tàu Song Tử Tây. Ảnh: PV
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các qui định về IUU thì tới đây tỉnh sẽ thực hiện nghiêm việc đăng ký, chuyển nhượng phương tiện, quản lý chủ tàu cá, sàng lọc đối tượng nguy cơ cao, nhất là những tàu ở ngoài tỉnh không về Bến Tre.
Kiên quyết không cho các tàu xuất bến khi chưa bảo đảm các điều kiện, xử lý kịp thời các trường hợp vượt đường ranh giới biển, vi phạm vùng biển nước ngoài, điều tra, truy tố các trường hợp môi giới đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài không đúng qui định; kiểm tra đến từng xã có tàu vi phạm, tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm IUU. Bến Tre quyết tâm sớm chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, góp phần cùng các địa phương tháo gỡ thẻ vàng của EC trong thời gian tới-ông Lê Đức Thọ cho biết thêm.
Trọng Thiết (còn nữa)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 162 trao 150 phần quà tặng gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn - ( 10-12-24 04:00 )
- Thông tin về biển, đảo cho hơn 900 học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - ( 10-12-24 02:00 )
- Lữ đoàn 162 gặp mặt, giao nhiệm vụ cho chiến sĩ mới về đơn vị - ( 09-12-24 06:00 )
- Chương trình “Dấu ấn Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” - ( 09-12-24 06:00 )
- Gần 400 giáo viên, học sinh nghe thông tin về biển, đảo - ( 09-12-24 05:00 )