Các anh về an yên trong lòng đất mẹ

HQVN -

Tôi đã có một chuyến đi cùng những CCB Hải quân Thanh Hóa ra đảo Phú Quốc để đưa hài cốt các liệt sĩ về quê hương. Một chuyến đi nhiều xúc cảm và thấm thía tình đồng chí, đồng đội, tình thân gia đình và tình đồng bào giữa hai miền Nam Bắc… Trải nghiệm những cung bậc tình cảm ấy, những người trẻ như chúng tôi mới thấu hiểu được: vì sao cha ông ta sẵn sàng đổi máu xương vì độc lập, thống nhất nước nhà và vì sự nghiệp quốc tế cao cả.

Hai rưỡi sáng, từ thành phố Thanh Hóa, chúng tôi lên đường. Đây là chuyến đi do Ban Liên lạc CCB Hải quân Thanh Hóa tổ chức nhằm hỗ trợ thân nhân các liệt sĩ Hải quân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đưa di cốt các anh từ Phú Quốc về. Phú Quốc là hòn đảo xa bờ nằm ở vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc, đường xá xa xôi, nhiều chặng nên những gia đình nghèo, neo đơn không có điều kiện để vào tận nơi đưa hài cốt liệt sĩ về. Ban liên lạc đã đứng ra kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn kinh phí để thực hiện công việc “đền ơn đáp nghĩa”. Trong đó, Bộ Tư lệnh Hải quân hỗ trợ 50 triệu đồng, Vùng 5 Hải quân là đơn vị đón tiếp, thu xếp nơi ăn nghỉ và cử cán bộ, chiến sĩ cùng đoàn thực hiện nhiệm vụ.

Lễ tiễn đưa di hài các liệt sĩ về quê tại Nhà tang lễ nghĩa trang Dương Đông, Phú Quốc

Nằm trọn trong vòng tay đồng đội

Sau 5 ngày đường, chúng tôi đến thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Được sự giúp đỡ tận tình của Giám đốc Đặng Hồng Sơn và cán bộ, nhân viên các phòng ban của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, đoàn đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục di chuyển hài cốt liệt sĩ theo quy định. Sau đó, đoàn tiếp tục lên đường đến Hà Tiên để đi tàu ra Phú Quốc.

Phú Quốc được mệnh danh là đảo Ngọc. Nơi đây, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Tây Nam đã có nhiều chiến sĩ cách mạng trung kiên ngã xuống. Trên hòn đảo này còn có một nhà tù nổi tiếng được lập ra từ thời thực dân phong kiến-một “địa ngục trần gian” từng giam giữ 40 ngàn tù nhân chính trị các thời kỳ.

Việc đầu tiên sau khi đoàn có mặt tại Phú Quốc là đến nghĩa trang Dương Đông để dâng hương cho các anh hùng, liệt sĩ. Tại đây hiện có 3.309 ngôi mộ cá nhân và 3 ngôi mộ tập thể; riêng tỉnh Thanh Hóa 131 mộ. Trong số này sẽ có 17 ngôi mộ được đưa di cốt trở về quê hương Thanh Hóa. Đây là những cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Cam-pu-chia diệt trừ chế độ Pôn pốt Iêng xa ri-những kẻ gây ra họa diệt chủng cho chính đất nước mình. Các liệt sĩ được đưa về lần này đều ở các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân: Lữ đoàn 101, 126, 171, Vùng 2, Vùng 4, Vùng 5… và hầu hết là những người quê biển: Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn…

Thực hiện các thủ tục cất bốc các liệt sĩ tại Nghĩa trang Dương Đông, Phú Quốc

Chúng tôi cùng thân nhân của các liệt sĩ lần lượt thắp hương lên từng phần mộ. Trời Phú Quốc lồng lộng nắng và gió, những ngôi mộ ốp đá trắng xếp ngay hàng thẳng lối giống như những hàng quân trong đội ngũ duyệt binh. Những đóa sen trên mộ rạng ngời lên màu hồng phấn, những nén nhang rưng rưng tỏa khói … Phía trước nghĩa trang, biển xanh mênh mang hòa với màu trời bát ngát, một khung cảnh thật yên bình, khoáng đạt. Các bác, các anh đã nằm lại nơi đây suốt hàng chục năm qua, được cán bộ, quân và dân đảo Phú Quốc chăm nom hương khói.

Đến bên từng phần mộ chuẩn bị được cất bốc, di dời, CCB Nguyễn Văn Hạnh thay mặt đoàn CCB Hải quân Thanh Hóa khấn hương hồn các liệt sĩ xin đưa các anh về. Không theo khuôn mẫu các bài văn khấn thông thường, ông Hạnh nói với đồng đội nằm dưới mộ mà như đang nói chuyện với người còn sống: “Anh Hải, anh Cát, anh Hồng ơi!... Vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, các anh ra đi đã mấy chục năm rồi. Chúng tôi trở về mà các anh vẫn ở lại đây, chúng tôi và bà con quê hương nhớ các anh lắm. Đất nước hòa bình thống nhất từ lâu, nhưng gia đình còn nhiều khó khăn, lại xa xôi cách trở nên mãi đến bây giờ mới có điều kiện vào đây đón các anh về. Xin các anh vui vẻ mỉm cười nơi chín suối mà đại xá cho sự chậm trễ này. Hôm nay chúng tôi làm thủ tục để ngày mai đúng giờ tốt ngày lành, xin đưa linh cốt của các anh lên để về với quê hương, với anh em thân tộc nhé!”. Chỉ mấy lời mộc mạc vậy thôi, mà ai cũng rưng rưng nước mắt. Chị Nguyễn Thị Lý, em gái của liệt sĩ Nguyễn Minh Hải òa lên khóc sau khi ông Hạnh khấn xong trước phần mộ anh mình.

Bên mộ cha-liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, anh Nguyễn Viết Trung quê ở huyện Nga Sơn lặng lẽ lau dọn, sắp đặt mâm lễ. Là đàn ông, anh không dễ khóc như chị Lý nhưng anh đã xúc động khó nói nên lời khi chúng tôi đề nghị phỏng vấn anh. Cha nhập ngũ từ khi anh còn trong bụng mẹ và từ ấy không về nên anh không được biết mặt cha. Giờ cha chỉ còn là ngôi mộ trắng dưới bóng cây đại già cũng trổ hoa màu trắng. Anh bảo: “Mẹ mình còn sống nhưng không dám cho bà đi cùng, vì sợ vào đây bà lại khóc ảnh hưởng sức khỏe”.

Ông Trần Quang Huy, thân nhân của liệt sĩ Trần Văn Hòa kể chuyện: Năm 1972 ông nhập ngũ thì 4 năm sau, năm 1976 em trai ông mới 16 tuổi cũng vào bộ đội. Đợt đó cả xã có 9 người đi, chỉ có một mình chú Hòa hi sinh, khi mới có 19 tuổi xuân, chưa kịp yêu, chưa một lần về phép thăm gia đình. Năm 2003 ông Huy đi tìm mộ em, được Sở LĐTB&XH tỉnh báo địa chỉ phần mộ ở tận Phú Quốc, ông đã đưa mẹ vào thăm một lần nhưng ngày ấy Nhà nước chưa có chủ trương cho di dời phần mộ liệt sĩ. Hôm nay, mẹ đã già yếu nên ông thay mặt gia đình vào đưa di cốt em trai về.

Đến bên ngôi mộ nằm dưới bóng cây đại râm mát, bác Vũ Xuân Kính ở huyện Quảng Xương reo lên: “Đây rồi! Đây là anh Lữ Trọng Hồng ở cạnh làng tôi!”. CCB Nguyễn Văn Hạnh cùng quê với liệt sĩ Hồng cho biết: “Gia đình anh Hồng điều kiện khó khăn nên không vào đây được và cũng chưa tin tưởng là anh còn phần mộ. Nhờ anh em truyền hình Thanh Hóa quay lại phần mộ này để xác thực, báo tin cho gia đình mừng!”.

Những ngày đoàn Thanh Hóa vào lấy hài cốt liệt sĩ, ông Bùi Văn Cường, cán bộ quản trang vô cùng tất bật. Sau khi rà soát hết toàn bộ hồ sơ theo quy định, ông Cường dẫn các đồng đội, thân nhân liệt sĩ lên nghĩa trang, bàn giao từng phần mộ. Hỏi chuyện thì được biết ông Cường cũng là người quê Thanh Hóa và đã gắn bó với nghĩa trang này suốt 20 năm qua. Những ngày lễ tết, ông thay mặt các gia đình ở quê xa thắp hương cho liệt sĩ. Sống ngay tại nghĩa trang nhưng ông chưa bao giờ có cảm giác nơi đây buồn tẻ, hoang lạnh, bởi đối với ông mỗi người dưới mỗi ngôi mộ đều thân thiết như một người anh em.

Về với cội nguồn

Tại nghĩa trang Dương Đông, trong buổi sáng làm thủ tục cất bốc di cốt liệt sĩ, chúng tôi gặp nhiều người là đồng hương, đồng đội, người thân của các liệt sĩ hiện đang sinh sống ở Phú Quốc. Nghe tin đoàn đưa các liệt sĩ về, họ đến để chia tay. Suốt hàng chục năm nằm ở nghĩa trang này, tuy xa quê hương nhưng phần mộ các liệt sĩ luôn được bà con quê Thanh Hóa sinh sống tại Phú Quốc đến chăm lo hương khói. Đại tá Đặng Anh Cự, nguyễn Chính trị viên Trung tâm TDTT Quốc phòng 5 quê ở xã Nga Hải, huyện Nga Sơn hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh đã có mặt tại Phú Quốc rất sớm để đón đoàn vào và tham gia cất bốc hài cốt liệt sĩ suốt mấy ngày trời. Ông đã kể cho chúng tôi nghe về trận đánh cuối cùng giải phóng Công-pông-Thom giúp nước bạn Cam-pu-chia. Rất nhiều đồng đội của ông đã hi sinh trong trận đánh khốc liệt ấy, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân.

Đồng đội và nhân dân đón nhận hài cốt các liệt sĩ tại Thanh Hóa

Dưới sự hướng dẫn đầy kinh nghiệm của ông Bùi Văn Cường, cán bộ quản trang và sự hỗ trợ nhiệt tình của các chiến sĩ trẻ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, các ngôi mộ được mở phần đá ốp phía trên, sau khi đưa di cốt lên, chỉ cần chỉnh sửa một chút lại trả về nguyên vẹn hình dáng ban đầu. Ông Cường nói: “Giữ nguyên phần mộ để khi nào các bác liệt sĩ muốn vào đây thăm đồng đội thì lại về “ngôi nhà” của mình để ở. Đây cũng là quê hương thứ hai của các bác, giờ các bác đi mây về gió, ra Bắc hay vào Nam cũng đều có quê, có nhà của mình”.

Lễ tiễn đưa hài cốt liệt sĩ về quê được tổ chức vào buổi sáng hôm sau với  sự tham gia của lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân. Một cơn mưa to bất chợt ào đến. Qua cửa kính nhà tang lễ nhìn lên nghĩa trang, những ngôi mộ thẳng hàng lặng lẽ dưới mưa, có lẽ trong giây phút tiễn đưa xúc động này, những liệt sĩ ở lại cũng không cầm được nước mắt khi chia tay những đồng đội đã bao năm gắn bó.

Trên suốt chặng đường về, mỗi lần dừng nghỉ, CCB Nguyễn Văn Hạnh lại thay mặt đoàn làm thủ tục “mời” các liệt sĩ ăn sáng, ăn trưa. Ông mở cửa xe, tươi cười bảo: “Thôi đến giờ nghỉ rồi, mời các bác xuống xe rửa mặt mũi, tay chân để dùng cơm nhé!”. Dùng bữa xong, ông Hạnh lại nói: “Ăn uống nghỉ ngơi xong rồi, giờ ta lại lên đường nhé! Còn một chặng ngắn nữa thôi là chúng ta về đến nhà, các bác phấn khởi, chúng tôi cũng phấn khởi. Bà con ở quê đang rất mong chờ. Nào mời các bác lên xe!”.

Việc đưa rước hài cốt vì vậy không có vẻ bi lụy đau thương như thường thấy. Người đã khuất dù chỉ hiển hiện trong phần di cốt phủ màu cờ đỏ nhưng đối với đồng đội, họ vẫn như người đang sống. Trong suốt hành trình, chúng tôi tưởng như họ luôn có mặt, cùng đồng đội chúc nhau chén rượu quê mang theo, cùng vui cười trong những câu chuyện tếu táo, hài hước và những kỷ niệm đẹp của đời lính, khiến cho suốt dọc đường về, ai nấy đều phấn chấn như được trẻ lại ở cái thời “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”.

Sau 10 ngày ròng rã, đoàn về đến Trung tâm hội nghị tỉnh Thanh Hóa vào lúc trời bắt đầu sẩm tối. Vậy mà đông đảo cán bộ, nhân viên của Trung tâm vẫn chờ đợi, chuẩn bị sẵn đầy đủ mâm cơm, ngũ quả để dâng cúng các liệt sĩ. Sáng hôm sau, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ tiếp nhận hài cốt liệt sĩ chu đáo, có sự tham gia của đông đảo các đồng chí lãnh đạo tỉnh; các sở, ban, ngành. Sau đó, từng phần di cốt được đưa về quê hương để chính quyền địa phương và gia đình làm lễ mai táng.

Tuổi mười tám-đôi mươi, tạm biệt quê hương, gia đình đi làm nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó, nhiều người chưa được nhìn mặt đứa con thơ sắp chào đời, chưa kịp có mái ấm hạnh phúc riêng tư, chưa kịp có mối tình đầu. Ngày trở về, được ôm trọn trong vòng tay của những người thân, đồng đội của mình, những chàng trai sức vóc “bẻ gãy sừng trâu” năm xưa chỉ còn là những phần di cốt nhẹ bẫng. Lúc ra đi, họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, khi trở về, hương hồn cũng nhẹ nhàng, thanh thản vì từ nay các anh sẽ được an yên trong lòng đất mẹ.

Bài, ảnh: Mai Hương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn