Bữa cơm trên đảo Trường Sa

HQVN -

Từ lâu, bữa cơm đã trở thành nét sinh hoạt bình dị, thể hiện sự ấm no và thấm đượm tình yêu thương của mọi thành viên trong gia đình. Trong chuyến công tác đến đảo Trường Sa, chúng tôi đã có được cơ hội trải nghiệm bữa ăn cùng một hộ dân đang sinh sống tại đây.

Đoàn công tác của chúng tôi đến đảo Trường Sa là lúc đầu giờ chiều. Sau khi gặp gỡ, thăm thú khắp đảo, các thành viên đoàn công tác vội vã trở về Tàu 561 dùng cơm chiều để kịp 19 giờ tối còn lên giao lưu với quân và dân trên đảo. Chỉ còn vài phóng viên ở lại đảo để tiếp tục tác nghiệp. Chúng tôi chia nhau đi các hướng, người ra Trung tâm y tế đảo, người đến Phòng đọc Hồ Chí Minh, người thì đi tìm, chụp ảnh hoa bàng quả vuông… Còn tôi và phóng viên của VOV giao thông bảo nhau đến thăm các hộ dân.

Lúc này, trời đã nhá nhem tối. Các hộ gia đình đều sáng đèn. Anh Nguyễn Văn Chương, hộ dân số 7 đang ngồi trước cổng tỉ mẩn làm hoa ốc để kỷ niệm khách đến thăm đảo. Thấy chúng tôi hỏi về điều kiện sinh sống của người dân nơi đây, anh Chương nhiệt tình mời chúng tôi dùng chung bữa với gia đình. Anh bảo: “Anh chị cứ ăn bữa cơm với gia đình em là sẽ cảm nhận được cuộc sống của chúng em ra sao”. Nhân dịp có “khách”, chị Trần Thị Kim Liên-vợ anh gọi thêm vợ chồng anh Vinh và chị Dung ở hộ dân số 6 sang vui cùng.

Nhìn qua, mâm cơm nhà anh Chương cũng chẳng khác đất liền là mấy với đầy đủ thức vị: Thịt rang, rau xào, cá nướng và canh cá. Để có được bữa cơm như thế này là cả sự chăm chỉ, cân đo đóng đếm của tất cả thành viên trong gia đình.

Bữa cơm tại gia đình anh Nguyễn Văn Chương

Anh Nguyễn Văn Chương tham gia dân quân tự vệ trên đảo. Những lúc rảnh rỗi, anh đi đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Trước khi đưa vợ con ra Trường Sa sinh sống, anh thường xuyên theo tàu cá ra đây khai thác hải sản. Từ chỗ lao động, mưu sinh rồi anh cảm mến và gắn bó với cuộc sống nơi đây.

Trong mâm cơm có đĩa rau cải luộc nho nhỏ. Không hẳn vì đĩa rau ít ỏi khiến những vị khách từ đất liền phải chạm nhẹ, nâng niu từng cọng một rồi mới đưa lên miệng thưởng thức mà còn vì những ô vuông rau xanh nhọc nhằn, được che chắn bảo vệ mà chúng tôi đã được tham quan trước đó. Gió, nước, mưa và cả hơi biển mặn có thể đe dọa những chậu rau bất cứ lúc nào. Chị Liên chia sẻ: Trồng rau ở đảo phải mất công hơn so với ở đất liền rất nhiều. Không phải loại rau nào cũng có thể sống được ở đây. Rau muống, mồng tơi, cải, bầu, mướp… là những loại rau dễ chăm, tươi tốt nên hầu như hộ nào cũng trồng. Bên cạnh đó, tôi còn trồng thêm đu đủ, quất và nhiều loại rau thơm.

Loại thịt phổ biến nhất trong các bữa ăn giữa biển, đảo xa xôi này là thịt lợn. Người dân cùng bộ đội trên đảo phải chắt chiu nước ngọt trong sinh hoạt để dành trồng rau và chăn nuôi. Khi những chú lợn lớn đến thời điểm có thể thịt mà ai cũng tiếc công nuôi, không nỡ. Được một miếng thịt như vậy cũng ngon hơn bình thường so với đất liền.

Ngoài nước ngọt thì nguồn điện trên đảo cũng cần phải sử dụng tiết kiệm để đảm bảo mức sinh hoạt cơ bản. Vì thế chị Liên vẫn giữ thói quen dùng cả bếp ga và bếp dầu để nấu nướng. Chị Liên cho biết thêm: Ở đây, phụ nữ chỉ làm nội trợ, chăm sóc con và tham gia sinh hoạt tổ phụ nữ. Vì vậy, tôi luôn dành nhiều thời gian và tâm sức cho từng bữa cơm chế biến các món ăn mà chồng, con thích để tạo sự quan tâm, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Nấu một bữa cơm ngon cho gia đình cũng là niềm hạnh phúc, thể hiện tình yêu thương đối với chồng, con.

Anh Chung và chị Liên có hai con: Bé gái Nguyễn Trần An Thuyên, 10 tuổi hiện đang học lớp 3 và cậu con trai lên 4 tuổi. Sau mỗi buổi đi học về, hai chị em vẫn tranh thủ tưới rau, bắt sâu cho rau và dọn dẹp nhà giúp cha mẹ. Trong bữa cơm ấy, anh Chương và chị Liên trò chuyện với các con rất nhiều. Các bé thi nhau kể chuyện trên lớp, chuyện bạn bè… Đó là cách để anh chị hiểu, sẻ chia, đồng hành và định hướng cho các con mình. Có lẽ nhờ vậy mà chúng tôi cảm nhận được sự tự tin, tự lập cao của những “mầm non” nơi đây.

Được ăn bữa cơm cùng với những người dân nơi đầu sóng, ngọn gió, canh giữ vùng hải đảo thiêng liêng này có thể xem là một cơ hội không phải ai cũng có được. Qua bữa cơm đầm ấm trên đảo Trường Sa ấy chúng tôi hiểu được phần nào tâm tư của những người sống trên đảo. Dù điều kiện không được như đất liền nhưng họ luôn lạc quan và tự tin, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn.

Bài, ảnh: Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn