Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần Hải quân: Xây dựng lực lượng tinh, gọn, mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu và bảo đảm góp phần xây dựng Quân chủng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

HQVN -

Ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, tiền thân của Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày nay. Lực lượng của Cục Phòng thủ bờ bể lúc đầu bao gồm Trường Huấn luyện bờ bể (nay là Học viện Hải quân), Xưởng 46 (nay là Nhà máy X46 Hải quân) và 2 thủy đội, lực lượng pháo binh, bộ binh, các đài quan sát.

Ngày 24-1-1959, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 320 thành lập Cục Hải quân trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ bể trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Theo Quyết định trên, lực lượng Cục Hải quân có bước phát triển mới. Cơ quan Cục Hải quân thành lập 5 phòng: Phòng Tham mưu, Phòng Chính trị, Phòng Hậu cần, Phòng Công trình và Phòng Đo đạc biển. Ngày 24-1-1959, đánh dấu mốc phát triển của Cục Hải quân từ nhiệm vụ nghiên cứu chuyển sang chỉ đạo, chỉ huy mọi hoạt động của các lực lượng Hải quân; đồng thời, ngày 24-1-1959 trở thành ngày truyền thống của các cơ quan Quân chủng gồm Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần Hải quân.

Các tàu Vùng 4 Hải quân diễu duyệt trên biển. Ảnh: Đức Thu

Ngay sau khi thành lập, mặc dù quân số ít, điều kiện cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng ba cơ quan Bộ Tư lệnh đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, tích cực tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy Cục Hải quân xây dựng lực lượng, tập trung huấn luyện giỏi, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, bảo đảm tốt hậu cần cho lực lượng Hải quân còn rất non trẻ lúc bấy giờ.

Ngày 3-1-1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định đổi tên Cục Hải quân thành Bộ Tư lệnh Hải quân. Theo đó, Phòng Chính trị, Phòng Tham mưu, Phòng Hậu cần được nâng cấp thành Cục Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần Hải quân.

Mặc dù quân số ít, cơ sở vật chất bảo đảm rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng ba cơ quan đã kịp thời tham mưu đề xuất giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh làm tốt công tác chuẩn bị tham mưu tác chiến, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, phối hợp tốt với các lực lượng để làm nên chiến công đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964, ghi dấu ấn trong chiến công chống phong tỏa, khai thông luồng lạch, bến cảng góp phần to lớn cho bảo đảm, tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược cho tiền tuyến lớn miền Nam; tích cực tham mưu với Bộ Tư lệnh và Quân ủy Trung ương để mở đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển hàng nghìn lượt người và hàng trăm nghìn tấn VKTBKT chi viện cho chiến trường miền Nam. Chủ động tham mưu, đề xuất, bảo đảm mọi mặt để lực lượng Đặc công Hải quân chiến đấu hàng trăm trận, lập nên những chiến công oanh liệt trên chiến trường Cửa Việt- Đông Hà. Các cơ quan Quân chủng còn làm tốt công tác tham mưu, CTĐ, CTCT, công tác hậu cần để các lực lượng trong Quân chủng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.

Tiếp đó, các cơ quan Quân chủng làm tốt công tác tham mưu và các mặt bảo đảm khác để Quân chủng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bảo vệ chủ quyền vùng biển Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia góp phần hồi sinh đất nước chùa Tháp.

Trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay, Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần luôn nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, quán triệt nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của trên, chủ động, nhạy bén, sáng tạo trong tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng để xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính qui, hiện đại, xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; sẵn sàng chiến đấu cao, làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật.

Cục Chính trị tăng cường, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Ảnh: TT

Những năm tới tình hình thế giới, khu vực, nhất là Biển Đông dự báo sẽ có những diễn biến mới phức tạp, khó lường; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc mà Quân chủng làm nòng cốt sẽ rất nặng nề và khẩn trương; nhiệm vụ xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đặt ra những yêu cầu mới, ngày càng cao.

Xanh, sạch, đẹp ở đảo Trường Sa. Ảnh: Trọng Đăng

Từ tình hình trên đặt ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo công tác tham mưu tác chiến, CTĐ, CTCT, công tác bảo đảm hậu cần trong Quân chủng và xây dựng các cơ quan VMTD, các Đảng bộ TSVM. Đòi hỏi mỗi một cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cơ quan Bộ Tư lệnh tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm; gương mẫu, trách nhiệm, tâm huyết, cùng chung sức chung lòng xây dựng cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân chính quy, hiện đại, góp phần cùng các lực lượng trong Quân chủng xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn