Bộ đội Hải quân-Lực lượng tìm kiếm cứu nạn nòng cốt trên biển (Bài 2)

TRÁNH TRÚ AN TOÀN, SẴN SÀNG PHƯƠNG TIỆN

HQ Online -

Các âu tàu, làng chài, Trung tâm Dịch vụ hậu cần, kỹ thuật ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đủ khả năng cho hàng trăm tàu vào neo đậu, tránh trú. Đây là nơi hỗ trợ bà con ngư dân sửa chữa, khắc phục sự cố tàu thuyền; bổ sung nước ngọt miễn phí; cung cấp nhiên liệu, vật tư, phụ tùng thay thế bằng giá đất liền. Cùng với đó, những con tàu Hải quân dù đang làm nhiệm vụ trên biển hay neo ở cảng cũng luôn sẵn sàng cơ động đi tìm kiếm cứu nạn trong mọi tình huống.

Nơi tránh trú an toàn trên vùng biển xa

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài, điều kiện hạ tầng kinh tế, xã hội và đời sống quân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đổi thay từng ngày. Cơ sở dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, bệnh xá… ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của quân dân trên đảo và nhân dân lao động trên vùng biển xa, giúp bà con yên tâm vươn khơi, bám biển dài ngày.

Âu tàu, Trung tâm Dịch vụ hậu cần, kỹ thuật các đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Đá Tây, rồi làng chài đảo Núi Le, Tốc Tan đã trở nên quen thuộc đối với ngư dân ta. Chỉ riêng trong cơn bão số 9 năm 2020, các âu tàu, làng chài nói trên đã đón gần 70 tàu cá với hơn 1.000 ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên vào tránh trú.

Hướng dẫn tàu vào tránh bão ở Âu tàu đảo Song Tử Tây. Ảnh: Bùi Tùng

Ông Nguyễn Thế Vinh, quê ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là thuyền viên tàu cá QNg 90585 TS vào Âu tàu đảo Sinh Tồn tránh cơn bão số 9 năm 2020. Trước đó, đầu tháng 9-2019, ông là thuyền viên tàu cá QNg 95834 TS, khi đang đánh bắt hải sản cách điểm B, đảo Phan Vinh khoảng 3,5 hải lý, tàu dạt vào bãi cạn, bị phá nước và chìm. Tàu 714 thuộc Hải đoàn 129 đã kịp thời cứu vớt ông cùng với 45 ngư dân khác đưa vào Trung tâm Dịch vụ hậu cần, kỹ thuật đảo Sinh Tồn chăm sóc y tế, bố trí ăn ở trong 10 ngày, sau đó được tàu của Quân chủng Hải quân đưa về đất liền an toàn. Lần này vào đảo tránh bão, được thăm lại nơi cứu sống mình tròn 1 năm về trước, ông Vinh xúc động chia sẻ: “Tôi cũng như bà con ngư dân luôn biết ơn bộ đội Hải quân lắm. Chính các anh đã sinh ra anh em chúng tôi lần thứ hai”.

Các âu tàu, làng chài, Trung tâm Dịch vụ hậu cần, kỹ thuật trên đảo luôn duy trì hệ thống trực 24/24, có số điện thoại cứu nạn, khi xảy ra tình huống trên biển, các lực lượng sẽ hỗ trợ kịp thời. Hải đội 922, Hải đoàn 129 đang quản lý, vận hành Trung tâm Dịch vụ hậu cần, kỹ thuật đảo Trường Sa, Sinh Tồn và làng chài đảo Núi Le, Tốc Tan. Nhiều năm liền đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trung tá Phan Đình Hoàng, Chính trị viên phó Hải đội 922 khẳng định: Đơn vị luôn có đội ngũ cán bộ, nhân viên giàu kinh nghiệm đi biển, thợ sửa chữa lành nghề, bảo đảm khắc phục hầu hết các sự cố máy móc cho bà con ngư dân.

Con người, phương tiện luôn sẵn sàng

Quân chủng Hải quân thường xuyên quan tâm kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp sát với nhiệm vụ, tổ chức biên chế; phân công cụ thể cho từng thành viên gắn với phát huy trách nhiệm của cấp ủy và người chỉ huy ở từng cấp.

Giúp cố định tàu khi tránh bão số 9 năm 2020 ở Trung tâm Dịch vụ hậu cần, kỹ thuật Sinh Tồn. Ảnh: Văn Trường

Các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân chủng luôn duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện trực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại căn cứ trên bờ và ở vùng biển trọng điểm, sẵn sàng ứng phó kịp với các tình huống xảy ra. Hàng chục tàu, xuồng cao tốc tại các cảng và tàu trực SSCĐ trên biển đều sẵn sàng phương án, phương tiện cứu nạn để mỗi khi có tình huống là cơ động được ngay, có mặt sớm nhất ở hiện trường.

Tàu 888-Trần Đại Nghĩa của Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển được trang bị máy đo sâu đa tia hồi âm, máy quét có thể soi quét đáy biển ở độ sâu hàng nghìn mét. Tàu Tân cảng 63, 65, 69 và 86 của Quân cảng Sài Gòn sẵn sàng lắp đặt thiết bị can thiệp khẩn cấp từ xa để tìm kiếm dưới đáy biển sâu, khi tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. Cán bộ, nhân viên Trung tâm huấn luyện lặn sâu thuộc Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 có thể lặn ở độ sâu lớn. Phi đội thủy phi cơ DHC-6 của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 có khả năng bay cứu nạn trong điều kiện thời tiết phức tạp… Đây chính là lực lượng chủ lực tìm kiếm cứu nạn biển xa trong những tình huống khẩn cấp của Quân chủng Hải quân. 

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Thuyền trưởng Tàu 926, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Bắc, Hải đoàn 128, Quân cảng Sài Gòn cho biết: Trong huấn luyện cứu nạn, chúng tôi luôn gắn sát với tình huống thực tế trên biển nên khi có lệnh tàu xuất phát được ngay. Việc cứu nạn ở vùng biển xa phải nhanh, chính xác và bảo đảm an toàn về mọi mặt.

Tàu 952 làm nhiệm vụ cứu nạn tại biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Vũ Hưởng

Cán bộ, chiến sĩ Hải quân ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam luôn đồng hành, sát cánh cùng ngư dân bám biển. Đặc biệt, bệnh xá trên các đảo đều kết nối trực tuyến với bệnh viện lớn trong đất liền để hội chẩn cấp cứu ca bệnh nặng. Mỗi khi có tàu vào đảo để sửa chữa, hoặc ngư dân gặp nạn, cán bộ, chiến sĩ tận tình giúp đỡ, cứu chữa như người thân của mình. Họ sẵn sàng hiến máu cứu người, tặng quần áo, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men cho bà con…

Cùng với đó, hằng năm các đơn vị Hải quân luôn duy trì huấn luyện cứu nạn, cứu hộ bài bản, tinh nhuệ; phương tiện, tàu, xuồng luôn bảo đảm tình trạng kỹ thuật tốt, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời cho ngư dân làm ăn trên biển, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra…

Vũ Hưởng

Bài 3: Nhiều giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn