Biểu diễn nghệ thuật ở Trường Sa
HQ Online -
Trên đảo Trường Sa, một buổi chiều tháng Tư đầy nắng gió, sân khấu ngoài trời rực rỡ tiếng nhạc, lời ca. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo chăm chú theo dõi buổi biểu diễn của Đội văn công xung kích Học viện Múa Việt Nam. Tiếng vỗ tay không ngớt vang lên sau mỗi tiết mục. Trong ánh mắt khán giả là sự háo hức, xúc động, cảm xúc chỉ có được khi nghệ thuật thực sự chạm tới trái tim.
Buổi biểu diễn là một trong những tiết mục của Đoàn công tác số 10 (năm 2025) ra thăm, kiểm tra và tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Không sân khấu lớn, không ánh đèn rực rỡ, chỉ là khoảng sân đơn sơ trước hội trường đơn vị với dàn loa di động và những chiếc ghế xếp tạm.
Vậy mà không khí lại thạt sôi động. Điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc chính là sự gần gũi, cuốn hút và đầy năng lượng của các diễn viên. Mỗi điệu múa, lời ca đều mang đến cảm xúc tươi mới, chân thành, lan tỏa tinh thần lạc quan, yêu đời.
Những cái tên như Tuấn Anh, Công Phương, Bảo Trâm, Thiên An nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả. Nhiều chiến sĩ không ngần ngại lên sân khấu hát, múa cùng đoàn, một hình ảnh mộc mạc nhưng đầy xúc động, làm bật lên tình cảm quân dân keo sơn nơi đầu sóng ngọn gió.
Tuy sân khấu giản dị là thế, nhưng mỗi tiết mục biểu diễn đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, mang đậm hơi thở văn hóa dân tộc và tình yêu đất nước.
Các diễn viên xuất hiện trong trang phục truyền thống của nhiều dân tộc, uyển chuyển trong những điệu múa đặc sắc từ miền xuôi đến miền ngược, tạo nên một không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt.
Một số tiết mục của Đội văn công xung kích Học viện Múa Việt Nam biểu diễn tại Trường Sa
Đặc biệt, mashup "Bài ca hy vọng - Mẹ yêu con" do Cẩm Vân trình bày khiến cả khán đài lặng đi. Một ca khúc quen thuộc nhưng khi cất lên giữa biển khơi sóng vỗ, bỗng trở nên thấm thía, sâu lắng hơn bao giờ hết. Không ít chiến sĩ xúc động, ánh mắt đỏ hoe khi nhớ về quê hương, gia đình… Những tiết mục ấy không chỉ mang tính biểu diễn, mà thực sự chạm đến tinh thần và trái tim người lính đảo.
Có một điều đặc biệt mà chúng tôi chỉ cảm nhận rõ ràng khi văn công biểu diễn ở Trường Sa, đó là khoảng cách giữa sân khấu và khán giả như được xóa nhòa. Không còn ranh giới giữa người biểu diễn và người xem, mà là sự giao hòa, gắn kết trong từng điệu múa, lời ca. Khán giả người thì vỗ tay theo nhịp, người cất tiếng hát phụ họa, người lên sân khấu hòa mình cùng nghệ sĩ.
Cảm động hơn cả là hình ảnh những anh lính trẻ rụt rè trong sinh hoạt hằng ngày, vậy mà khi bước lên sân khấu lại lột xác hoàn toàn: say mê, hết mình, đầy cảm xúc. Họ yêu mình, yêu đời và biết cách lan tỏa niềm vui, truyền cảm hứng cho đồng đội, cho chính những người “khách tới nhà”.
Sau mỗi màn biểu diễn, nhiều chiến sĩ đã mạnh dạn trao tận tay các nữ nghệ sĩ những món quà giản dị: hoa ốc biển hay thậm chí là bó hoa dại vừa hái vội... Món quà nhỏ mà chan chứa tình cảm lớn. Các cô gái trẻ Bảo Trâm, Thiên An, Ngọc Vân không giấu nổi bất ngờ, thích thú, nâng niu từng món quà, xem đó như vật kỷ niệm quý giá.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Trường, Trưởng đoàn Học viện Múa Việt Nam, chia sẻ trong niềm vui: “Đây là lần thứ 3 chúng tôi có dịp biểu diễn tại Trường Sa. Từ những trải nghiệm quý báu của các lần trước, lần này toàn đoàn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về cả nội dung và hình thức. Chúng tôi mong muốn mang đến cho bộ đội một bữa tiệc nghệ thuật thực sự sâu sắc, chạm tới cảm xúc và phù hợp với tâm hồn người lính trẻ. Thực tế đã chứng minh rằng sự chuẩn bị ấy là hoàn toàn đúng hướng.”
Quả thực, chương trình không chỉ đơn thuần là hoạt động biểu diễn phục vụ, mà còn là nhịp cầu kết nối cảm xúc giữa đất liền và đảo xa. Mỗi tiết mục đều mang hơi thở đời sống, trẻ trung nhưng sâu lắng, gần gũi mà vẫn giàu sáng tạo. Đó là kết quả của một quá trình làm mới tư duy nghệ thuật, hướng tới thị hiếu của khán giả trẻ, đặc biệt là những người lính đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Thầy Nguyễn Xuân Trường chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã có những cuộc họp căng thẳng để tìm ra cách trẻ hóa phong cách biểu diễn, giữ được bản sắc mà vẫn đổi mới. Chúng tôi tin rằng muốn đến gần khán giả, nhất là bộ đội trẻ, thì không thể chỉ dựa vào truyền thống, mà phải có sáng tạo, có giao thoa, có dấn thân.”
Và thành công ở Trường Sa đã cho thấy, nghệ thuật khi chạm đến trái tim sẽ luôn có sức mạnh, sức mạnh nâng bước người lính vững tin bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Thái Văn Đại
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 127: Tổ chức phát động thi đua cao điểm - ( 08-05-25 04:00 )
- Vùng 3: Chấm bài dự thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 5 - ( 08-05-25 04:00 )
- Yêu sao “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” - ( 08-05-25 02:00 )
- Lan toả tình yêu thương từ hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” - ( 08-05-25 02:00 )
- Biểu diễn nghệ thuật ở Trường Sa - ( 08-05-25 08:00 )