Biển và ba cung bậc cảm xúc tình yêu

HQVN -

Như bề mặt mênh mông, như đáy lòng sâu rộng ngàn năm vẫn cồn cào da diết, biển là đề tài bất tận của thi ca. Tôi đã đi bên Biển của Xuân Diệu, mong được làm sóng biếc “hôn mãi cát vàng em”. Tôi đã sống với Sóng của Xuân Quỳnh, ước tan “thành trăm con sóng nhỏ, giữa biển lớn tình yêu”. Và tôi đã lạc vào Biển của Pushkin để nếm trải những cung bậc cảm xúc tình yêu.

Như bề mặt mênh mông, như đáy lòng sâu rộng ngàn năm vẫn cồn cào da diết, biển là đề tài bất tận của thi ca. Tôi đã đi bên Biển của Xuân Diệu, mong được làm sóng biếc “hôn mãi cát vàng em”. Tôi đã sống với Sóng của Xuân Quỳnh, ước tan “thành trăm con sóng nhỏ, giữa biển lớn tình yêu”. Và tôi đã lạc vào Biển của Pushkin để nếm trải những cung bậc cảm xúc tình yêu.
Tôi biết Biển của Pushkin từ ngày mới lên đường nhập ngũ, ngày ấy anh bạn cùng tiểu đội chép tặng tôi vào cuốn sổ nhật ký. Tôi đọc, rồi thích, rồi lại chuyền tay chép tặng lại cho nhau. Bài thơ là lời tâm tình của một chàng thủy thủ với người yêu. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình tinh tế, “Mặt trời thi ca Nga” đã khắc họa nên ba trạng thái tự nhiên của biển khơi để diễn tả ba tâm trạng rất điển hình trong tình yêu lứa đôi.

Một, đời thủy thủ lênh đênh, nay đây mai đó, trước mỗi chuyến đi xa, trong lòng luôn dào dạt nỗi nhớ niềm thương. Chàng tâm sự với người yêu, nếu như em nhìn thấy biển lúc hoàng hôn, em sẽ hiểu, khi xa em, lòng anh cô đơn, khắc khoải đến nhường nào. Cũng như biển chiều nay vắng bóng những con thuyền, và những cánh hải âu đã trở về trên bến, chỉ còn tiếng sóng rì rào với gió. Lòng biển trở nên trống vắng, biển nhớ thuyền, nhớ cánh hải âu bay.“Em thân yêu đã bao giờ thấy biển/ Khi nắng chiều tắt dần trên bến/ …Nhớ thương em dào dạt trong lòng”.
Hai, nhưng khi màn đêm buông xuống, khi ánh trăng rắc vàng trên sóng biếc, biển không còn cô đơn nữa vì biển có trăng làm bạn. Biển hân hoan, biển quyến rũ, lung linh, đến nỗi, núi cũng phải “ngả nghiêng trong mơ nghe biển tâm tình”. Đêm trăng lên, bến cảng trở nên vắng vẻ, những con thuyền lại nhổ neo ra khơi. Thuyền trở về với biển, biển đâu còn buồn nữa? Biển hạnh phúc biết bao, như lòng anh rung lên sung sướng khi được trở về bên em sau mỗi chuyến đi xa. “Em thân yêu đã bao giờ thấy biển/ Khi trăng lên rắc vàng trên sóng biếc…Núi ngả nghiêng trong mơ nghe biển tâm tình …”

Trước biển (Ảnh minh họa)

Ba, trong tình yêu, có yêu thương sẽ có giận hờn, có tin tưởng sẽ có hoài nghi, và có hạnh phúc cũng sẽ có khổ đau. Nó như chất xúc tác làm cho tình yêu thêm thi vị, đắm say. Đôi khi giận hờn để thấy yêu nhau hơn. Sau hoài nghi niềm tin thêm bền chặt. Cũng như biển, có bình yên rồi sẽ có lúc phong ba bão tố. Nếu như em đã nhìn thấy những cơn cuồng phong của biển cả, em sẽ biết lòng anh đau đớn như thế nào khi đôi ta lung lạc niềm tin. Khi ấy, cơn giận giữ của tình yêu tàn phá cõi lòng anh như ngọn sóng kia đang điên cuồng tàn phá rừng cây, đang thét gào xô vách đá lung lay… Em thân yêu đã bao giờ thấy biển/ Khi bão tố từ nơi nào cuộn đến/ Sóng điên cuồng tàn phá những rừng cây…”
Nhớ thương-hạnh phúc-hoài nghi, ba cung bậc cảm xúc rất điển hình của tình yêu ứng với ba trạng thái cồn cào-bình yên-bão tố của biển khơi. Ai đã yêu, đang yêu rồi cũng sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc ấy. Ở Biển, ta thấy có một sự tổng hòa của cảm xúc bất tận và tầm cao trí tuệ. Ẩn sâu trong những câu thơ đong đầy cảm xúc ấy, là triết lý nhân sinh cao cả, không chỉ trong tình yêu mà còn cả trong cuộc sống.

                                                                                                                                                                             Cao Dân

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn