Biển, đảo Tổ quốc trong trái tim những người xa xứ
HQVN -
Từ những miền đất xa xôi trên thế giới, mỗi kiều bào có điều kiện, môi trường sống và làm việc khác nhau nhưng khi đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 họ đều có chung một tấm lòng hướng về biển, đảo Tổ quốc.
Tình cảm đong đầy
Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, chuyến thăm và làm việc với quân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc của bà con kiều bào đã được nối lại vào tháng 5 vừa qua. Từ 17 quốc gia, họ tụ hội về trên một hải trình đến với biển, đảo chứa chan biết bao cảm xúc. Từ tình yêu biển, đảo ai cũng muốn “mắt thấy, tai nghe” để cảm nhận sự vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió của những người lính đảo, muốn nhìn thấy sự toàn vẹn của Tổ quốc từ hướng biển…
Kiều bào tặng quà các cháu ở thị trấn Trường Sa
Ông Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Mông Cổ mang đến Trường Sa một tấm chân dung Bác Hồ khắc 3D. Tác phẩm nghệ thuật này được ông đặt hàng một nghệ nhân nổi tiếng ở Mông Cổ thực hiện. Trải qua chặng đường dài, bức chân dung Bác đã được trao tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn, thể hiện tấm lòng của bà con cộng đồng người Việt ở Mông Cổ gửi đến cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.
Còn bà Bùi Thị Thơm, Việt kiều Đức đến Trường Sa với trọng trách cao cả được cộng đồng người Việt ở Đức giao phó là gửi gắm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa những món quà thắm tình dân tộc. Bà cũng hoàn thành nhiệm vụ là thay mặt cộng đồng người Việt ở Đức hát tặng cán bộ, chiến sĩ bài hát “Hà Nội-Một trái tim hồng”. Bà Bùi Thị Thơm tâm sự: Dù ở đâu, là con Lạc, cháu Hồng, đều hướng về quê hương, nơi có thủ đô Hà Nội, nơi có Trường Sa thân yêu. Tổ quốc, biển đảo luôn trong trái tim mỗi kiều bào. Giữa muôn trùng sóng gió, tiếng hát ngẹn ngào của bà Thơm cất lên trong sự cổ vũ nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ.
Đến với Trường Sa lần này, có rất nhiều bà con kiều bào ở Ba Lan, họ là doanh nhân, là giáo viên, là chủ trường học... nhưng vẫn chung một mục đích đi để cảm nhận, để lan tỏa tình yêu biển, đảo quê hương. Chia sẻ cảm nghĩ về hải trình đến với biển, đảo Tổ quốc, ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan cho biết: Trước đây, chúng tôi chỉ nghe về Trường Sa qua sách báo, mạng Internet. Qua chuyến đi này, chúng tôi được trực tiếp chứng kiến sức sống mãnh liệt của Trường Sa, cái nắng, gió, thời tiết khí hậu nơi đây. Đặt chân đến Trường Sa, chúng tôi ngạc nhiên bởi cơ ngơi, vật chất khang trang tại các điểm đảo, khác xa với những tưởng tượng trước đó. Chúng tôi mang theo những tình cảm của bà con người Việt tại Ba Lan gửi tới quân dân Trường Sa và Nhà giàn DK1, khâm phục trước tinh thần SSCĐ, hy sinh của người lính biển tại các điểm đảo.
Và những trăn trở…
Trong chuyến thăm, đại diện kiều bào đã trao tặng nhiều phần quà có ý nghĩa cho quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Được tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của quân dân trên huyện đảo, nhiều đại biểu bày tỏ những trăn trở và nguyện vọng kết nối để kêu gọi nguồn lực, tu bổ cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt để Trường Sa, DK1 ngày một vững vàng, khang trang hơn.
Anh Đinh Hùng Cường, Viện hoá học nước biển, Đại học Kitakyshu, Nhật Bản khi tìm hiểu mới biết hệ thống pin năng lượng mặt trời ở các đảo có tuổi thọ ngắn do môi trường khắc nghiệt. Anh đề xuất ý tưởng sử dụng các vật liệu mới, chịu được nắng, gió biển để thay thế cho pin mặt trời trên các đảo. Còn ông Lê Hoài Nam, Việt kiều Nam Phi khẳng định: Tôi sẽ tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo máy tính xách tay loại dễ bảo quản, tránh được ảnh hưởng xấu của thời tiết, khí hậu.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài tặng quà quân, đân huyện đảo Trường Sa
Trong đoàn kiều bào có nhiều người trẻ nhưng cũng có những người tuổi đã trên 60. Họ ra đảo với tâm trạng bôn ba xứ người nhiều rồi, nay trở về với quê hương, với biển, đảo để muốn “nhìn tận mắt, chạm tận tay” phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Bà Nguyễn Thị Mười, Việt kiều tiêu biểu tại Thái Lan tâm sự: Chuyến thăm Trường Sa khi tuổi đã thất thập là một trải nghiệm quý giá trong suốt cuộc đời mình. Ngay khi đặt bước chân đầu tiên lên đảo, bà đã bật khóc: “Nhìn các chiến sĩ da rám nắng, tuổi đời rất trẻ nhưng rắn rỏi, họ chỉ bằng con, cháu mình ở nhà mà trách nhiệm quá lớn lao, dù gian khổ, vất vả vẫn lạc quan, yêu đời… Điều này, làm chúng tôi, những người con xa xứ vững tin hơn với quyết tâm gìn giữ biển, đảo của Tổ quốc... Chắc chắn đây là những câu chuyện cảm động, ý nghĩa mà tôi sẽ kể lại cho con cháu khi về đến đất Thái”.
Ông Ngô Hướng Nam Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định: Mỗi kiều bào là một “đại sứ” cho sự lan toả tinh thần Trường Sa, tinh thần tất cả vì biển, đảo quê hương. Đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1, bà con thấy được đổi thay trên các điểm đảo và cảm nhận ý chí quyết tâm của quân dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Từ đó khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, niềm tin và trách nhiệm của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài, ảnh: Xuân Hương
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Học viện Hải quân tham gia Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lê nin - ( 29-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 83 đối thoại dân chủ với cán bộ, chiến sĩ - ( 28-11-24 08:00 )
- Lữ đoàn 126 thông tin về tình hình biển, đảo tại Bắc Giang - ( 28-11-24 02:00 )
- Trung đoàn 196 thông tin về biển, đảo tại Đà Lạt - ( 28-11-24 10:00 )
- Tổ chức chương trình “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” tại Vùng 3 - ( 27-11-24 06:00 )