Theo tiến sĩ, bác sĩ Ngô Chí Cương, Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, thức ăn dù đã nấu chín nhưng để lâu ngày trong tủ lạnh vẫn có thể biến chất và nhiễm khuẩn.
Việc bảo quản đồ ăn sống - chín lẫn lộn và tủ lạnh quá chật chội không có không khí lưu thông dễ dàng khiến nơi đây trở thành ổ vi khuẩn làm thức ăn nhanh thiu hỏng. Nạp những thực phẩm này, người dân có thể bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, nặng nề hơn dẫn đến sốc nhiễm khuẩn không hồi phục và tử vong.
Bên cạnh những ảnh hưởng đến sức khỏe, tình trạng mua sắm thực phẩm dư thừa quá mức tiêu dùng trong ngày Tết gây nên sự lãng phí lớn. Để có thể giải quyết “bài toán” mua sắm thực phẩm hợp lý ngày Tết, vừa bảo đảm vấn đề sức khoẻ, vừa tạo lập thói quen tiêu dùng thông minh, tối ưu tài chính của bản thân và gia đình, chị em nội trợ cần lưu ý những điều sau:
Một là cần bỏ tâm lý tích trữ thực phẩm. Với tâm lý sợ khan hàng hóa trong dịp Tết, nhiều gia đình có thói quen mua thực phẩm tích trữ. Thế nhưng, hiện nay, các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối đều sở hữu nguồn hàng phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu xuyên suốt dịp Tết của người dân.
Vì vậy, chị em nên mua sắm thực phẩm theo đúng nhu cầu sử dụng trong gia đình, tránh dự trữ quá nhiều khiến thức ăn ôi thiu và phải bỏ đi gây lãng phí.
Ngày Tết, các loại thực phẩm đóng gói như mứt, hoa quả sấy, bánh kẹo… là những mặt hàng thường được ưa chuộng. Tuy nhiên, chị em nội trợ nên lưu ý hạn sử dụng trước khi mua hàng, tránh mua phải thực phẩm hết hạn, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đối với những loại thực phẩm khô như măng, nấm hương, mộc nhĩ… chị em cần bảo quản kín trong túi bóng hoặc hộp đựng, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh dính nước gây ẩm mốc hoặc lên men.
Đối với thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt bò, tôm… ngay sau khi mua nếu chưa dùng đến nên được cấp đông càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Chị em nên chia nhỏ thực phẩm thành từng phần vừa đủ cho mỗi lần sử dụng, tránh mất công rã đông dư thừa.
Các loại mứt Tết, bánh kẹo tẩm đường… không nên cất giữ trong tủ lạnh vì hơi ẩm sẽ làm chảy nước, khiến đồ ăn càng nhanh hỏng hơn so với khi để trong túi ở môi trường bên ngoài.
Lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao dịp Tết cùng tâm lý “ham rẻ”, nhiều đối tượng xấu bày ra đủ chiêu trò lừa đảo hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng để kiếm lợi nhuận. Chị em nên lựa chọn mua sắm ở các địa chỉ uy tín, có nhiều đánh giá tốt, bảo đảm được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm tra cẩn thận độ tươi ngon của sản phẩm trước khi quyết định chi hầu bao.
Bác sĩ Ngô Chí Cương khuyến cáo dù bận rộn đến mấy, bạn hãy “bỏ túi” những việc làm thiết thực này để chuẩn bị sức khỏe dồi dào cho năm mới hanh thông, thuận lợi.
Hai là cần uống nhiều nước. 60% trọng lượng cơ thể là nước cho thấy đây là thành phần đặc biệt quan trọng với sự sống.
Khi thiếu nước, nhẹ thì cơ thể sẽ bị khát, mệt mỏi, phản ứng chậm nặng thì có thể gây hạ huyết áp, nhịp tim tăng có thể gây tử vong.
Bạn hãy bổ sung nước nhiều nhất cho cơ thể bằng nước lọc, hoặc các loại nước ép trái cây, trung bình mỗi ngày cơ thể cần từ 2-2,5 lít nước tùy trọng lượng cơ thể.
Ba là phải ngủ đủ giấc. Có không ít người dân chủ quan kỳ nghỉ Tết nên thức quá muộn, hoặc ngủ nướng cả ngày để “bù đắp” cho trong năm đầu tắt, mặt tối.
Theo chuyên gia ngay cả vào dịp Tết, người dân nên bảo đảm ngủ đủ giờ để được lấy lại sức khỏe và sự thư giãn, thoải mái nhất cho não bộ, tăng cường trí nhớ, tăng sự tập trung, tăng miễn dịch phòng chống bệnh tật...
Bốn là cần duy trì luyện tập. Tết được xem là thời gian xả hơi, thư giản nên người dân thường chú trọng tới mâm cao cỗ đầy, ăn uống tụ tập, vui chơi mà quên việc luyện tập ngày Tết.
Lười tập thể dục sẽ phải đối mặt với vóc dáng "phì nhiêu", tăng nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa. Vì thế, chuyên gia khuyên bạn nên duy trì luyện tập ngay cả ngày Tết bằng việc dọn dẹp nhà cửa, lên xuống chạy cầu thang, đi bộ khi du xuân, đi lễ đầu năm, hoặc luyện tập thể thao vừa sức.
Năm là phải theo dõi sát sức khỏe. Do Tết diễn ra trong thời điểm chuyển mùa đông-xuân, cùng chế độ sinh hoạt/ăn uống thất thường, mất cân bằng, sử dụng đồ uống có cồn, thực phẩm giàu đạm... là những tác nhân gây ảnh hưởng sức khỏe trong dịp Tết. Do đó, theo chuyên gia, những người mắc bệnh lý mạn tính, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai cần kiểm soát chặt chẽ sức khỏe.
PV (Tổng hợp)