Bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương

Ngày 8-8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết: Người bệnh N.T.N (36 tuổi) ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, sau hơn nửa tháng điều trị sốt xuất huyết (SXH) tại bệnh viện đã tử vong vào ngày 7-8. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có sáu người chết do SXH; hơn 11 nghìn người mắc SXH…

Do số người bệnh tăng cao, từ ngày 7-8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đưa khu điều trị ban ngày (là hội trường của bệnh viện) với quy mô 20 giường bệnh vào hoạt động để làm nơi điều trị ban ngày cho người bệnh SXH. Hiện trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tiếp nhận từ 900 đến 1.000 người bệnh có biểu hiện SXH tới khám, trong khi cơ sở này chỉ có thể tiếp nhận vào điều trị nội trú vài chục người, còn lại phải chuyển tuyến hoặc căn cứ vào tình trạng bệnh để tư vấn cho theo dõi tại nhà. Bệnh viện đã phải mượn gần 400 giường bệnh của một số công ty thiết bị y tế để giúp người bệnh không phải nằm ghép. Nếu tiếp tục quá tải, bệnh viện sẽ kê thêm giường bệnh ở hành lang giống như bệnh viện dã chiến và huy động thêm phòng của nhân viên y tế làm nơi điều trị cho người bệnh.

* Tại Bệnh viện Ðống Ða (Hà Nội), một tuyến cuối trong điều trị bệnh truyền nhiễm của Hà Nội cũng đang trong tình trạng quá tải người bệnh SXH. Mỗi ngày bệnh viện này khám cho từ 400 đến 500 người có biểu hiện SXH, trong đó khoảng 20% số người bệnh phải nhập viện. Phòng làm việc của bác sĩ cũng được huy động, kê thêm giường gấp để người bệnh nằm truyền dịch. Bệnh viện Ðống Ða có tổng số 350 giường, nhưng người bệnh SXH đã chiếm gần 220 giường. Tại Khoa Truyền nhiễm, đã phải kê thêm 35 giường (đưa tổng số giường bệnh lên 85 giường cho người bệnh điều trị nội trú), số còn lại nằm xen tại Khoa Nội 2.

* Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.230 người mắc SXH, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2016. Ba địa phương có số người mắc SXH nhiều nhất là huyện Trần Văn Thời, TP Cà Mau và huyện Ðầm Dơi. Trước tình hình bệnh SXH tăng nhanh, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phòng chống hiệu quả, không để gia tăng thành dịch. Các cơ sở điều trị chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực sẵn sàng tiếp nhận điều trị khi có dịch xảy ra.

Theo Nhân dân điện tử

Sáng 8-8, tại Trụ sở Báo Nhân Dân, Báo Nhân Dân điện tử tổ chức Giao lưu trực tuyến "Nhận biết và phòng, chống sốt xuất huyết", với sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ đến từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bệnh viện Bạch Mai. Tại buổi giao lưu, các chuyên gia, bác sĩ đã trả lời các câu hỏi của độc giả về việc nhận biết chính xác dấu hiệu, triệu chứng, cách xử trí của người bệnh khi mắc SXH; các biện pháp tự phòng tránh mắc SXH cho bản thân và gia đình như: thực hiện diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH tại hộ gia đình, khu dân cư, vệ sinh môi trường. Ðặc biệt, các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo (đau bụng, nôn, tụt huyết áp, xuất huyết, men gan tăng, tiểu cầu hạ nhanh…) cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị và tư vấn kịp thời… Tại buổi giao lưu, đại diện các cơ quan chuyên môn cũng đã cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh SXH ở Việt Nam hiện nay; các giải pháp mà ngành y tế đang triển khai trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại các địa phương…

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn