Bảo hiểm xe máy có cần bắt buộc?

Trong nhiều năm qua, chi trả bảo hiểm khi xe máy gây ra tai nạn hoặc gặp một sự cố nào đó luôn nhiêu khê, mất rất nhiều thời gian.

Điều này không chỉ làm khó dễ, mà còn gây ức chế lớn cho các chủ xe máy khi để xảy ra sự cố giao thông. Chẳng hạn, một người có mua bảo hiểm xe máy không may gây ra tai nạn khi tham gia giao thông, vừa phải gọi cho doanh nghiệp bảo hiểm cử nhân viên đến xác minh và phải giữ nguyên hiện trường.

Song hầu hết là chủ xe máy phải tự thương lượng để bồi thường tai nạn do mình gây ra, vì đợi nhân viên bảo hiểm thì quá lâu, mà giữ nguyên hiện trường sẽ gây tắc đường, mất thời gian của đôi bên.

Bảo hiểm xe máy có cần bắt buộc?

Việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác cần dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên. Ảnh minh họa: Dân trí

Một trường hợp khác là khi nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm đã đến xác minh hiện trường, nhưng hơn 10 ngày sau họ vẫn chưa tạm ứng tiền để bồi thường cho nạn nhân. Theo quy định của bảo hiểm xe máy, trong 3 ngày (kể từ ngày nhận được thông báo gây ra tai nạn của người mua bảo hiểm), doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay cho người mua để bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trả lời là còn cần phải có biên bản xác định của cảnh sát giao thông xem lỗi thuộc về bên nào? Khi người bị tai nạn đang điều trị phải cần cả giấy xác nhận của cơ sở y tế. Nếu không đủ giấy tờ sẽ không ứng tiền bồi thường. Quy trình vòng vo kiểu này đã gây bức xúc cho cả chủ xe máy gây ra tai nạn và nạn nhân.

Vừa qua, trong góp ý vào dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất nên để người có xe máy mua bảo hiểm tự nguyện thay vì bắt buộc như hiện nay, bởi nó không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội khi tỷ lệ chi trả quá thấp.

Hiện tại, bảo hiểm bắt buộc với xe máy là loại giấy tờ chủ phương tiện buộc phải có khi đi trên đường. Tuy nhiên, người dân mua bảo hiểm xe máy chủ yếu để đối phó với cảnh sát giao thông là chính, còn phòng sự cố đền bù khi gây ra tai nạn lại là phụ. Mọi người đều hiểu rằng có gây ra tai nạn giao thông, muốn lấy được một đồng của doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đã mua để đền bù cho nạn nhân là rất khó khăn.

Trên thực tế, bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy lại không chi trả cho người mua bảo hiểm (chủ xe), mà chi trả cho nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây ra tai nạn. Song từ khi triển khai cho đến nay, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp (gần 6% năm 2019), trong khi đó tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của ô tô khoảng 32,7%, bảo hiểm cháy nổ là 31,9%. Xem xét về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

Rõ ràng, quy định bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy qua nhiều lần sửa đổi vẫn tồn tại nhiều bất cập. Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ xe máy.

Việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác cần dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên. Điều này sẽ làm cho chi phí xã hội giảm, đồng thời giúp các doanh nghiệp bảo hiểm có thể cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, mang lại lợi ích thực sự cho xã hội và không trái với pháp luật.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn