Bâng khuâng chiều cuối năm

HQVN -

Cái ngõ tôi ở chừng hơn hai chục nóc nhà nằm quay mặt vào nhau. Ngõ dài sáu, bẩy chục mét, quanh co. Ngõ cụt. Ngày thường vắng lặng như chùa Bà Đanh. Thi thoảng mới có người qua lại.

 Ấy vậy mà những ngày giáp tết lại đông như làng vào hội. Mọi người từ khắp nơi đổ về ăn Tết. Cả từ nước ngoài về nữa. Toàn con cháu đi làm ăn xa. Có nhà cửa đóng im ỉm suốt năm, đến ngày này mới mở. Sau câu chào, ông chủ nhà cười hể hả: "Không về là coi như không ăn Tết. Về để được thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên, cúng ông bà cha mẹ. Về để thăm họ hàng, làng mạc sau một năm đi "chiến đấu xứ người". Mà phải về đúng ngày Tết mới sướng". Có thể ông ta nói đúng và làm đúng. Khối người vì lí do nào đó không về được, cứ đến chiều 30 Tết thấy lòng dạ cồn cào, da diết. Như người mắc lỗi, cùng trăm thương ngàn nhớ. Đâu chỉ nhớ đào nhớ mai mà nhớ cả cái giá buốt, mưa phùn thấm vào da thịt. Nhớ con đường lầy lội. Nhớ cành cây khô nghèo nhựa. Hóa ra, dù ở đâu, gần hay xa, thành đạt hay thất bại, quê hương luôn là tay vịn cho người ta đứng vững trước giông gió cuộc đời. Những ngày này bao nhiêu phiền toái, giận hờn, bao nhiêu lo âu lộn xộn trong năm đều quẳng xuống sông xuống biển hết. Người ta tay bắt mặt mừng, nói cười hể hả. Vẫn là những con người cũ, mà sao rộn ràng, ân tình và đáng yêu biết nhường nào. Tôi cứ ao ước, giá như ngày nào cũng là 30 Tết, để tình người thêm đằm thắm, lời nói thêm dịu dàng.

Qua ngày ông Táo chầu trời, thời khắc như trôi nhanh. Không kịp níu giữ. Nhiều khi cuống lên. Đành rằng thời tiết tháng chạp giúp người ta khỏe hơn những tháng khác trong năm. Nhưng tôi không hiểu điều gì đã giúp những người vợ công lên việc xuống nhiều như thế, tất bật như thế, mà vẫn tươi như hoa vừa nở. Tài thật. Tự nhiên thấy các bà vợ đẹp trội hẳn lên, nhanh nhẹn hẳn lên. Đôi mắt sáng hơn. Đôi má cũng hồng hơn. Tại thương chồng, thương con? Ờ mà có khi thế thật. Nhìn ra xung quanh, nhà nào cũng vội vã sửa sang dọn dẹp, mua bán. Dường như ngày Tết mà không trang hoàng, sắm sửa mỗi thứ một ít thì lòng dạ không yên. Những niềm vui đơn sơ bình dị ấy, tưởng rất riêng mà hóa ra lại rất chung.

Bờ đê cao ngang tầm mắt. Bên kia đê là sông Thái Bình. Bên đây là những ruộng đào bát ngát. Đỏ thắm là bích đào, hồng nhạt là đào phai. Các loài hoa khác bạt ngàn khoe sắc. Người người đi lại tấp nập. Những gương mặt đủ đầy ngời rạng. Dịu hiền và thánh thiện. Bất giác, tôi nhớ nơi đây hơn bốn mươi lăm năm trước, tháng 12-1972, từng chịu nhiều trận ném bom khốc liệt của không quân Mỹ. Làng mạc tan hoang đổ nát. Hố bom chi chít liền liền. Hàng ngàn gốc đào bật rễ, dập nát. Mầu đỏ của máu, mầu đỏ của hoa đào, trộn lẫn. Day dứt và nhức nhối. Nhưng những vệt máu chưa khô chẳng làm ai sợ. Vừa dứt tiếng bom, khói lửa còn mù mịt, những người còn sống đã ào ra cứu chữa người bị thương. Cho đến tận sáng mới xong. Lại ra đồng làm cỏ bón phân cho lúa, lại xuông ruộng đào tỉa lá, cắt cành. Rồi những năm binh lửa cũng qua. Mầu xanh tỏa nhanh trên vùng đất chết. Chồi gai và hố bom lại biến thành ruộng đào. Ở đây, một con cá, một lá rau cũng hồng lên rực rỡ.

Tôi yêu buổi chiều 30 Tết không để đâu cho hết. Thời tiết đong đưa, lòng người cũng đong đưa. Tiếng nói, lời chào sao duyên dáng ngọt ngào đến thế. Những lời thăm hỏi chất chứa bao nhiêu là nghĩa là tình. Mọi người rủ nhau đi thăm viếng mộ phần gia tiên. Mời gia tiên về ăn Tết cùng cháu con. Nhiều nơi cũng làm như thế. Cả nước cũng làm như thế. Đó là chuẩn mực, là riêng biệt, chỉ có dân tộc Việt mình mới có. Người nông dân mong năm tới thuận gió hòa mưa, khoai lúa đầy bồ. Ngày cuối năm cũng là ngày mọi người đi lễ. Nào lên chùa tạ phật, ra đền tạ thánh. Ai cũng khấn cầu quốc thái dân an, cầu người với người yêu thương nhau. Cầu cái ác, cái lọc lừa phản trắc mất đi, hoặc giảm bớt. Nhiều truyện Liêu trai cứ ẩn hiện trong đầu. Không sao hết. Tôi vẫn yêu những câu truyện truyền kì về sự tích thờ ông Công ông Táo, truyện ngày cúng tất niên, truyện sự tích hoa đào. Tôi yêu, yêu luôn cả ngọn gió bấc buốt giá chiều 30 Tết, đến đám mây lãng đãng trôi ngang. Yêu tiếng chim gáy gù, tiếng chim chích chòe gọi bạn, mà nghe như tết đến xuân về.

Tôi đi trên những con đường mới mở, tự nhiên thấy lòng man mác bâng khuâng. Những gương mặt của xóm làng, của phố phường, của con người phơi phới đầy ắp nét xuân. Cái khoảnh khắc mơ hồ ấy có thật mà như không có thật. Thật và mơ đan xen ngay cửa ngõ thành phố. Như hương thơm, như gió thoảng. Mùa xuân ơi! Tất cả đang mở cửa sẵn sàng đón chào xuân mới!                                  

        Tản văn của Nguyễn Sỹ Đoàn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn