Bài 1: Sự chủ động của Hải quân Việt Nam trong diễn tập đa phương

Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN và Duyệt binh tàu quốc tế

HQVN -

Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN là sáng kiến của Hải quân Hoàng gia Thái Lan đề xuất và được đồng thuận tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 8 năm 2014 (ANCM 8) nhằm tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau. Diễn tập đa phương dự kiến tổ chức 3 năm một lần, luân phiên bởi Hải quân các nước ASEAN. AMNEX-1/2017 là cuộc diễn tập lần thứ nhất được tổ chức cùng với Hội nghị ANCM 11 và Lễ duyệt binh tàu quốc tế Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.

Kịch bản diễn tập là: IONIA-quốc gia công nghiệp giàu tài nguyên năng lượng trong khu vực ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế, môi trường và trở thành mục tiêu của các nhóm đối tượng cơ hội trục lợi thông qua các hoạt động bất hợp pháp. Các đối tượng này đã và đang đổ chất thải hóa học độc hại trong vùng biển của IONIA gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe con người cũng như sinh vật biển trong khu vực. Thông tin tình báo mới nhất cho biết, một tàu không rõ nguồn gốc chở chất thải hóa học đang hành trình qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) các nước ASEAN và hướng vào vùng biển của IONIA. Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN đã thống nhất cử lực lượng Hải quân các nước ASEAN phối hợp, hiệp đồng theo dõi, nhận dạng và (khi được phép) ngăn chặn, bắt giữ tàu chở hóa chất này.

Nhóm sĩ quan tham mưu tác chiến trên Tàu 012 tham gia diễn tập mô phỏng

Cuộc diễn tập diễn ra tại khu vực biển phía Bắc Vịnh Thái Lan. Tham gia có 14 tàu mặt nước, 2 máy bay tuần thám biển, 5 trực thăng của Hải quân 9 nước ASEAN được chia thành 2 tốp chiến thuật. Tàu 012-Lý Thái Tổ nằm trong tốp chiến thuật 1. Ngay từ khi tham gia các hội nghị lập kế hoạch, các sĩ quan Hải quân Việt Nam đã đóng góp ý kiến và lĩnh hội kết quả của từng phiên họp, sau đó báo cáo cấp trên để lựa chọn thành viên tham gia đoàn công tác trên Tàu 012.

Thiếu tá Lê Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Mô phỏng tác chiến, Bộ Tham mưu Hải quân cho biết: Trong tất cả các khâu, từ lúc tham gia lập kế hoạch đến kết thúc diễn tập đều đòi hỏi cán bộ phải nắm chắc được ý định, kế hoạch và kịch bản diễn tập. Đoàn công tác Hải quân Việt Nam thường xuyên hội ý, trao đổi, đề ra phương án hiệu quả nhất để xử lý các tình huống diễn tập theo kịch bản đặt ra.

Để cuộc diễn tập thành công, nước chủ nhà Thái Lan đã tổ chức tốt các cuộc hội thảo, thông qua kế hoạch đi biển và diễn tập mô phỏng. Tại các hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, kinh tế, môi trường, luật pháp quốc tế... cùng đại diện Hải quân các nước ASEAN đã thuyết trình, trao đổi quan điểm về cách thức ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển, gìn giữ và bảo tồn môi trường biển cũng như chỉ ra những nguy cơ, hậu quả của việc mất an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực ASEAN. Hải quân các nước đã bàn bạc, thống nhất về thủ tục kiểm tra, bắt giữ tàu chở chất thải hóa học trái phép, kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc, quy tắc bảo đảm an toàn, luyện tập và thực hành trên hệ thống mô phỏng. Tổ sĩ quan tham mưu tác chiến của đoàn công tác trên Tàu 012 đã đóng góp nhiều ý kiến sát thực, hiệu quả và được ban tổ chức đánh giá cao.

Phía sau Tàu 012 là Tàu 15 của Hải quân Singapore trong diễn tập thực binh trên biển

Bước vào diễn tập thực binh, thời tiết diễn biến khá phức tạp, trời mưa, sóng ngày một to gây không ít khó khăn cho cuộc diễn tập. Trên hành trình hơn 100 hải lý, các tàu tham gia diễn tập thực hành vận động theo đội hình và chụp ảnh từ trên không (PHOTEX); vận động đội hình trên biển (MANEX); ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp trên biển (MIOEX); tiếp vận trên biển (RASEX) và trên không (VERTREP); thông tin liên lạc hải quân (NAVCOMEX). Trong quá trình diễn tập thực binh, chỉ huy diễn tập đã điều hành linh hoạt, điều chỉnh một số nội dung để bảo đảm an toàn cho từng tàu tham gia. Đoàn công tác trên Tàu 012-Lý Thái Tổ đã cử hai tổ sĩ quan tham mưu tác chiến (6 người) tham gia tại hai tàu chỉ huy Tàu 421-Naresuan của Hải quân Hoàng gia Thái Lan và Tàu 30-Lekiu của Hải quân Malaysia.

Thượng tá Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tham mưu Hải quân làm tổ trưởng, đảm nhiệm Phó Chỉ huy Tốp 1 trên Tàu 421-Naresuan chia sẻ: Các sĩ quan tham mưu của Thái Lan có trình độ chuyên môn tốt, vì vậy các kế hoạch để ra rất cụ thể, chi tiết; họ xử lý linh hoạt các tình huống trong điều kiện thời tiết phức tạp và tổ chức phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các tàu, các bộ phận. Chúng tôi vừa tham gia cùng họ vừa trao đổi kinh nghiệm để sẵn sàng đảm nhiệm tốt công tác chỉ huy hiệp đồng nếu sau này AMNEX diễn ra tại Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Đình Hùng, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác khẳng định: Trong thời bình, ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, việc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường biển và một số các hoạt động mang tính chất phi truyền thống của Hải quân cũng là nhiệm vụ thường xuyên của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên biển. AMNEX-1/2017 thành công góp phần thúc đẩy trao đổi chuyên môn, nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng trong giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải cũng như tăng cường hợp tác đa phương trong cộng đồng ASEAN ở tất cả các cấp độ. Đây còn là cơ hội để Hải quân các nước ASEAN nâng cao khả năng huấn luyện hiệp đồng, trao đổi chuyên môn, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, cùng nhau xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định cùng phát triển.

Bài, ảnh: Hải Hà

Bài 2: Ấn tượng Lễ duyệt binh tàu quốc tế

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn