APEC 2017: Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 thành công tốt đẹp

HQ Online -

Chiều 11-11, tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 đã chủ trì họp báo, thông báo kết quả của Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25, sự kiện quan trọng nhất trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 thành công tốt đẹp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25, thông báo kết quả của Hội nghị. Ảnh: Hà Trung

Chủ tịch nước cho biết, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25, cũng như của Năm APEC 2017. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thảo luận và nhất trí những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, thông qua Chương trình hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội nhằm khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và năng suất lao động của các nền kinh tế APEC, yêu cầu cấp bách đặt ra là tăng cường chất lượng giáo dục, trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích ứng tốt hơn với môi trường việc làm và thị trường lao động đang thay đổi căn bản bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhận thức sâu sắc về điều đó, chúng tôi đã thông qua Khuôn khổ Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Các định hướng chính sách và biện pháp đề ra trong Khuôn khổ không chỉ đáp ứng quan tâm chung của khu vực, mà còn là đòn bẩy giúp Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao đổi cùng các lãnh đạo APEC. Ảnh: Yên Ba

Thứ ba, nhằm tạo những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm, Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách sâu sắc về các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bền vững và sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường an ninh lương thực-nước-năng lượng, phát triển nông thôn và đô thị; cải cách cơ cấu; nâng cao năng lực; giảm thiểu rủi ro thiên tai; tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; phát triển du lịch bền vững. Việc triển khai những khuôn khổ hợp tác dài hạn của APEC trong những lĩnh vực này khẳng định nỗ lực về phát triển bền vững, như các mục tiêu chung cần đạt được vào năm 2030 mà Liên hợp quốc đã đề ra.

Thứ tư, thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở ở châu Á-Thái Bình Dương là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC. Để APEC tiếp tục là động lực thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, góp phần để châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, Hội nghị tái khẳng định cam kết hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư; thúc đẩy thuận lợi hóa đầu tư, kinh doanh và dịch vụ; tăng cường hợp tác kinh tế-kỹ thuật; tiếp tục nỗ lực hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); nhấn mạnh vai trò quan trọng của APEC trong việc ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm. Hội nghị cũng hoan nghênh việc thông qua Khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, để tạo điều kiện cho APEC khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của kinh tế mạng, kinh tế số và các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ năm, APEC đang nỗ lực hơn bao giờ hết để hoàn tất các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020 và chuẩn bị bước vào thập niên phát triển thứ tư. Để nâng cao vai trò và vị thế của APEC trong cục diện quốc tế đa tầng nấc, chúng tôi hoan nghênh việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức cao cấp trong việc xác định hướng đi và tương lai của Diễn đàn sau năm 2020. Đó là một Diễn đàn tự cường, có năng lực xử lý các thách thức toàn cầu cũng như khả năng thích ứng cao với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Quyết định này cũng thể hiện quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, trong đó, người dân và doanh nghiệp có vị trí trung tâm.

Các lãnh đạo APEC chụp ảnh kỷ niệm sau phiên họp cấp cao.Ảnh: Tuấn Anh

Nhằm phát huy vai trò của APEC là cơ chế khởi xướng và điều phối các các ý tưởng liên kết và kết nối khu vực, trong dịp này, Việt Nam đã tổ chức Đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN về chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vì một châu Á-Thái Bình Dương kết nối toàn diện”, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và 10 nhà lãnh đạo các nước ASEAN.

Chủ tịch nước nêu rõ: Những ngày vừa qua, người dân Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nói riêng, đã đón chào hơn 10 nghìn đại biểu APEC, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực và thế giới, đại diện các tổ chức quốc tế đến tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Tính riêng đội ngũ báo chí, có gần 3 nghìn phóng viên đại diện các cơ quan truyền thông của Việt Nam và quốc tế đang tác nghiệp tại Đà Nẵng. Đây là minh chứng sinh động cho tầm vóc của APEC và ý nghĩa quan trọng của Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Chủ tịch nước cảm ơn những tình cảm quý báu, sự đồng hành và ủng hộ nhiệt thành của các đại biểu và giới báo chí trong và ngoài nước dành cho Việt Nam trên cương vị chủ nhà APEC trong suốt năm qua. Nhân dịp này, Chủ tịch nước biểu dương toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động các bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các địa phương liên quan đã hỗ trợ, giúp đỡ, nỗ lực làm việc để bảo đảm thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là nền kinh tế mở đang hội nhập sâu rộng, có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Năm APEC Việt Nam 2017 là dịp để Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng tới phát triển bền vững mang lại lợi ích lợi ích hơn nữa cho người dân các nước châu Á-Thái Bình Dương.

 Hải Nam

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn