Âm mưu của đế quốc Mỹ nhằm mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam
HQVN -
Những tháng cuối năm 1963, vấn đề Việt Nam ngày càng trở nên nóng bỏng đối với giới cầm quyền Mỹ. Bị thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải “thay ngựa giữa dòng”, hậu thuẫn cho cuộc đảo chính phế bỏ anh em Tổng thống tay sai Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu (ngày 1/11/1963). Sau đảo chính, tình hình chính trị ở Sài Gòn không những không được cải thiện mà càng trở nên tồi tệ, rối ren hơn. Bọn tay sai mới tiếp tục đấu đá, lật đổ lẫn nhau và không chống đỡ nổi những cuộc tiến công nổi dậy mạnh mẽ của quân và dân ta. Trong khi đó, lực lượng cách mạng ngày càng được củng cố, phát triển và giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường.
Đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và mở cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, nơi mà chúng cho là “gốc rễ”, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam, để triệt tiêu công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và sự giúp đỡ của các nước cho cách mạng Việt Nam. Tháng 2/1964, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn (Johnson) đã thông qua “chương trình thử nghiệm 4 tháng” gồm 3 nội dung chủ yếu:
- “Kế hoạch hành quân 34A”, do thám bằng máy bay chiến lược U2, bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để khai thác tin tình báo, sử dụng các đội nhảy dù phá hoại và gây chiến tranh tâm lý, tiến hành các cuộc tập kích từ biển vào để phá đường xe lửa và cầu đường. Mục đích của kế hoạch này là tăng cường sức ép để buộc Hà Nội phải ra lệnh cho du kích “Việt cộng” và Pa-thét Lào phải đình chỉ hoạt động.
- Mở các cuộc tiến công bằng không quân ở Lào, lan dần đến biên giới Bắc Việt Nam, coi đó là một sự “khởi xướng” cho cuộc chiến tranh không quân ào ạt chống lại Bắc Việt Nam.
- “Kế hoạch Đề-sô-tô” (Desoto), tổ chức các cuộc tuần tra bằng tàu khu trục Mỹ ở khu vực Vịnh Bắc Bộ nhằm phô trương lực lượng, gây tác động tâm lý và thu thập tin tức tình báo về các trận địa ra đa cảnh giới, trận địa phòng thủ của Bắc Việt Nam phục vụ cho các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch 34A, hỗ trợ các cuộc tiến công của hải quân Nam Việt Nam vào bờ biển miền Bắc. “Mỹ tin rằng Bắc Việt Nam không dám đánh tàu Mỹ”, trường hợp “Hà Nội coi các cuộc tuần tra đó là một sự khiêu khích, Oa-sinh-tơn (Washington) sẽ phản ứng nhanh chóng”.
Loại máy bay Mỹ sử dụng để tấn công các mục tiêu quan trọng của miền Bắc Việt Nam năm 1964
Thực chất đây là chương trình hoạt động phô trương sức mạnh và tìm cớ để gây chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Ngày 17/4/1964, Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đưa ra kế hoạch đánh phá các tuyến vận chuyển chiến lược của ta chạy dọc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia nhằm ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam. Kế hoạch này được mang tên Oplan 37, dự định thực hiện qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Truy kích Việt cộng qua biên giới Lào và Cam-pu-chia.
Giai đoạn 2: Mở các cuộc oanh kích và dùng mìn đánh phá các mục tiêu đã dự định trong nội địa miền Bắc.
Giai đoạn 3: Tăng cường oanh tạc mạnh mẽ và liên tục chống miền Bắc.
Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo kế hoạch hành động từng bước, kết hợp cả hoạt động chính trị và quân sự chống lại miền Bắc Việt Nam; soạn thảo nghị quyết nhằm tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội cho việc mở rộng các hoạt động quân sự ở Đông Dương.
Theo chỉ thị của Giôn-xơn, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thông qua kế hoạch dùng không quân, hải quân đánh phá 94 mục tiêu trên miền Bắc nước ta (gồm 12 điểm nút giao thông vận tải, kho, cảng, bến bãi; 9 khu vực sân bay; 53 khu vực quân sự; 8 khu vực công nghiệp; 12 đường bay trinh sát vũ trang). Dự kiến thực hiện kế hoạch qua 4 giai đoạn trong 13 tuần. Trong đó, giai đoạn 1 (3 tuần): Tấn công liên tục trên các tuyến giao thông, các khu vực quân sự phía Nam vĩ tuyến 20. Giai đoạn 2 (6 tuần): Cô lập Bắc Việt Nam bằng cách phá hủy các tuyến đường sắt liên hệ với Trung Quốc. Giai đoạn 3 (2 tuần): Cô lập Bắc Việt Nam bằng cách phá hủy các cơ sở kho cảng, bến bãi, các khu lưu trữ và cung cấp đạn dược, xăng dầu ở Hải Phòng - Hà Nội. Giai đoạn 4 (2 tuần): Phá hủy tất cả các mục tiêu còn lại trong danh sách bao gồm các khu công nghiệp, khu khai thác.
Bằng cách thức tiến hành leo thang từng bước với quy mô tăng dần và tính chất ngày càng ác liệt, Đế quốc Mỹ dùng hải quân khóa chặt cửa biển miền Bắc, dùng máy bay của không quân và của hải quân mở các chiến dịch đánh phá ven biển, các mục tiêu trong nội địa, săn tìm các căn cứ hải quân Bắc Việt để tiêu diệt lực lượng tàu thuyền chiến đấu có khả năng cản trở bước tiến công của chúng. Chúng dùng máy bay thả thủy lôi, bom từ trường để phong tỏa các cảng sông, cửa biển đồng thời trang bị hiện đại cho hải quân ngụy kết hợp chống phá miền Bắc. Với những mưu đồ trên, đế quốc Mỹ hy vọng “Hà Nội sẽ phải “quỳ gối” trong vòng 2-6 tháng”.
Đến tháng 5/1964, kế hoạch xúc tiến chiến tranh phá hoại miền Bắc đã được đế quốc Mỹ hoàn tất. Hệ thống căn cứ không quân, hải quân chúng bố trí gần miền Bắc nước ta đều đã được bảo đảm sẵn sàng nhận lệnh (Hạm đội 7, căn cứ ở Đà Nẵng, sân bay Ubon ở Thái Lan, Guam ở Thái Bình Dương). Để thực hiện kế hoạch đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân với một “kịch bản” đã được chuẩn bị từ trước, đế quốc Mỹ xác định phải “có một chiến dịch khiêu khích Bắc Việt Nam” để tạo cớ. Và họ đã tính toán cái “cớ” ấy nằm trong khuôn khổ của Kế hoạch Đề-sô-tô là phù hợp nhất.
HQVN
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Liệt sĩ Đặng Đình Lống qua lời kể của đồng đội - ( 05-08-24 01:00 )
- Tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ trong Chiến thắng trận đầu - ( 05-08-24 08:00 )
- Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc - ( 02-08-24 02:00 )
- Cái giá của cuộc chiến sắp đặt và phi nghĩa - ( 02-08-24 08:00 )
- Âm vang Chiến thắng trận đầu trên giảng đường - ( 02-08-24 07:00 )