ACMEX-2018: Tăng cường hợp tác thực chất trên biển

HQVN -

Diễn tập hàng hải Hải quân ASEAN-Trung Quốc 2018 (ACMEX-2018) do Trung Quốc đề xuất từ năm 2015 và được các nước ASEAN đồng thuận tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc tổ chức tại Singapore vào tháng 2-2018. Ngay sau khi thành công ACMEX-2018, phóng viên Báo Hải quân Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Khoa học quân sự-Trưởng nhóm sĩ quan tham mưu Hải quân Việt Nam điều hành Tàu 015-Trần Hưng Đạo tham gia diễn tập.

Phóng viên: Đồng chí có thể nói rõ hơn về mục đích của ACMEX-2018?

Thượng tá Nguyễn Đức Thắng: Như chúng ta đã biết, ACMEX-2018 là kết quả của sự đồng thuận giữa Trung Quốc và ASEAN. Ngay từ hội nghị lập kế hoạch ban đầu, mục đích đã được các bên tham gia xác định là: Tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm củng cố hợp tác thực chất trên biển. Qua phối hợp hoạt động trong việc lập kế hoạch, bàn bạc, trao đổi, thống nhất các tình huống giả định sát thực tế trên biển để tìm kiếm và khám phá cơ chế đối phó, cũng như cách thức và phương pháp phối hợp hoạt động trong tìm kiếm, cứu nạn chung giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Cũng qua hoạt động này, các nước ASEAN và Trung Quốc có thêm cơ hội thực tiễn để làm quen với việc vận dụng Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển (Code for Unplaned Encounters at Sea-CUES) qua đó, phát hiện vấn đề vướng mắc để tìm cách hoàn thiện hơn nữa CUES.

ACMEX-2018 gồm 2 phần: Hội thảo tham mưu xử trí tình huống được tổ chức vào từ 1 đến 3-8-2018 tại Singapore và diễn tập thực binh vừa diễn ra từ 22 đến 27-10-2018 tại thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Sĩ quan Hải quân Việt Nam-Trung Quốc trao đổi thông tin trong diễn tập

Phóng viên: Để có được kết quả như BTC đánh giá: “Hoàn thành thành tốt mục tiêu đề ra”, các bên tham gia ACMEX có thuận lợi và khó khăn gì?

Thượng tá Nguyễn Đức Thắng: Thứ nhất, để đi đến thống nhất và tổ chức thành công ACMEX-2018, Hải quân các nước ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức 3 vòng hội nghị lập kế hoạch: Hội nghị lập kế hoạch ban đầu (được tổ chức tại Singapore vào tháng 5-2018); Hội nghị lập kế hoạch giữa kỳ (tổ chức tại thành phố Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc tháng 7-2018) và Hội nghị lập kế hoạch lần cuối (tại Căn cứ Hải quân Changi, Singapore ngày 1-8-2018). Như vậy là công tác chuẩn bị đã tạo sự chủ động cho các bên tham gia. Hơn nữa, ACMEX-2018 đã được Bộ trưởng Quốc phòng các bên đồng thuận từ tháng 2-2018, đây là thuận lợi lớn nhất. Thuận lợi thứ hai trên Biển Đông hiện nay, xu hướng hợp tác giữa các nước đã có những tiến bộ nhất định...

Thuận lợi nữa có thể kể đến là Hải quân các nước đều thể hiện mong muốn thông qua hợp tác quốc phòng trên biển nhằm đối phó với những thách thức an ninh, an toàn hàng hải để tăng cường trao đổi, tìm tiếng nói chung trong những vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Đồng thời, qua hoạt động của ACMEX-2018 còn có thể khám phá cơ chế, cách thức phối hợp hoạt động trên biển, hoàn thiện những đề xuất, cơ chế mới để có được “tiếng nói chung” áp dụng trong tương lai...

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn đánh giá, đến với ACMEX-2018 này, mỗi nước đều có những mối quan tâm, nhằm một đích riêng của mình. Khó khăn lớn nhất chính là phải làm sao để dung hòa tất cả các ưu tiên đó, và quan trọng nhất là làm sao cho những ưu tiên khác nhau có thể hướng đến mục đích chung. Tiếp đến là, năng lực của Hải quân ASEAN và Trung Quốc không đồng đều (có nước chỉ cử quan sát viên dự). Đồng thời, việc phối hợp hoạt động quốc tế là không đơn giản về mặt “kỹ thuật” do ngôn ngữ bất đồng, tổ chức lực lượng, văn hóa quân sự khác nhau... Vậy nên, đồng thuận được một kế hoạch cụ thể và chấp nhận được đối với tất cả các bên là một chuyện rất khó...

Thống nhất thời gian diễn tập thực địa cũng là một khó khăn vì mùa này biển động, sóng gió to. Các vấn đề về bảo đảm hậu cần cho tàu đi biển xa cũng là những khó khăn cần tính kỹ. Thực tế, các nước ASEAN đều ở khá xa Trung Quốc (trừ Việt Nam), hầu hết lại không có tàu hậu cần đi cùng bảo đảm nhiều nước băn khoăn khi cử tàu đi Trung Quốc tham dự diễn tập.

Hội thảo xây dựng kế hoạch đi biển

Phóng viên: ACMEX-2018 mở ra cơ hội hợp tác nào trong tương lai?

Thượng tá Nguyễn Đức Thắng: Qua diễn tập, điều nổi lên dễ nhận thấy là, tàu hải quân ASEAN và Trung Quốc có thể phối hợp được với nhau trên biển nhằm đối phó với những vụ việc mất an toàn hàng hải nếu xảy ra. Vấn đề còn lại là tăng cường giao lưu tiếp xúc; duy trì các kênh liên lạc tầm vĩ mô, cấp bộ tư lệnh hải quân các nước để nắm bắt tình hình và có những chỉ đạo kịp thời lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên biển…

Chúng ta thấy rằng, tại ACMEX-2018, tàu các nước đã thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp với nhau trên biển. Đóng góp then chốt cho vấn đề này chính là thông tin liên lạc quốc tế thông suốt. Việc thống nhất áp dụng CUES trong tổ chức giản ngữ chỉ huy, tín hiệu hiệp đồng và tổ chức diễn tập sa bàn để hiểu đúng và chính xác ý định của nhau đã góp phần quan trọng mang tính quyết định trong tổ chức chỉ huy, phối hợp các tàu trên biển. ACMEX-2018 có thể nói đã đạt được tất cả các mục tiêu chung đề ra.

          Xin cảm ơn đồng chí!

Duy Khánh (thực hiện)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn