70 năm thành phố “Hoa thắp lửa”

HQVN -

Những ngày này, khắp các ngả đường ở Hải Phòng, người dân và du khách bắt gặp sắc đỏ rực rỡ của cờ, hoa chào đón dấu mốc lịch sử trọng đại, kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng (13/5/1955-13/5/2025) và đón nhận danh hiệu cao quý “Thành phố Anh hùng”. Phần thưởng ấy là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, đóng góp to lớn của chính quyền, nhân dân thành phố vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, khẳng định tinh thần “Trung dũng - Quyết thắng”, là ngọn lửa soi đường để Hải Phòng vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ký ức không quên

Chúng ta đều biết, ngày 21/7/1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Từ tháng 7/1954 đến tháng 5/1955, Hải Phòng bước vào giai đoạn 300 ngày. Đây là giai đoạn quân Pháp tập kết ở vùng duyên hải Bắc Bộ, trong đó có Hải Phòng để thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Với bản chất phản động, ngoan cố, được đế quốc Mỹ tiếp tay, quân Pháp tiếp tục tìm cách phá hoại vùng giải phóng, củng cố hệ thống do thám, gián điệp như tiến hành hơn 133 cuộc vây ráp, hơn 200 lần nổ súng vào các khu dân cư... Đế quốc Mỹ cũng cử một phái đoàn đến Hải Phòng cùng với Pháp tổ chức hoạt động phá hoại miền Bắc.

Người dân ra đường đón chào bộ đội vào tiếp quản thành phố, ngày 13/5/1955. Ảnh: TL

Nhận rõ tính chất đấu tranh quyết liệt trong khu vực tập kết, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo khu tập kết 300 ngày và phân công đồng chí Đỗ Mười làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo khu tập kết 300 ngày với sự tham gia của Tỉnh ủy Kiến An, Thành ủy Hải Phòng đã phân tích tình hình, đề ra những nhiệm vụ cấp bách như chỉ đạo tăng cường cán bộ cho nội thành Hải Phòng vì việc đấu tranh với địch, tiếp quản một thành phố công nghiệp lớn là mới mẻ, phức tạp. Công tác tổ chức lực lượng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch cũng được triển khai. Từ 29/11/1954 đến ngày 12/5/1955, Hải Phòng đã sáng tạo nhiều hình thức đấu tranh để làm sụp đổ, tan rã tinh thần binh lính địch, tiến đến tiếp quản hoàn toàn thành phố.

Sáng sớm 13/5/1955, các cánh quân của Đại đoàn 320 và Trung đoàn 42 vượt qua các cửa ô tiến về giải phóng thành phố trong tiếng hò reo của nhân dân. Chiều cùng ngày, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đứng gác ở bến Cảng giám sát chiếc tàu chở những tên lính Pháp cuối cùng rời bến. Cùng lúc, đoàn tàu hỏa với cờ đỏ sao vàng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Ga Hải Phòng kéo theo một hồi còi dài tiến vào cảng. Tất cả các nhà máy, công sở cũng đồng loạt kéo còi chào mừng giờ phút lịch sử - thành phố Hải Phòng được hoàn toàn giải phóng, kết thúc 9 năm thực dân Pháp chiếm đóng thành phố.

Khát vọng vươn tầm

Ngày giải phóng Hải Phòng mở ra giai đoạn lịch sử mới với với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cảng. Từ 1955-1965, Hải Phòng là nơi triển khai thực hiện những phong trào thi đua yêu nước, nơi khởi nguồn của phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải” trong sản xuất công nghiệp, cũng là nơi mở đầu của phong trào thi đua xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Để chi viện cho chiến trường miền Nam, Bến K15 Đồ Sơn được xây dựng. Đây là nơi xuất phát bí mật của những con tàu không số làm nên kỳ tích huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Nhiều sĩ quan, thủy thủ của tàu không số là những người con ưu tú của Hải Phòng. Trong giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 9 lần về thăm Hải Phòng. Những lời dạy của Người trở thành di sản quý báu, soi đường cho Hải Phòng phát triển.

Đô thị Hải Phòng đã bừng lên một diện mạo mới của thành phố xanh, văn minh, hiện đại. Ảnh: CTV

Những năm 1965-1975, Hải Phòng là trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ. Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã phát huy cao độ truyền thống “Trung dũng-Quyết thắng” để chiến đấu và chiến thắng, bắn rơi 317 máy bay Mỹ, phá thế bao vây, phong tỏa bằng thủy lôi của kẻ thù, đảm bảo mạch máu giao thông vận tải thông suốt. Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từ trần, Hải Phòng vinh dự và tự hào đã sản xuất thành công xi măng P.600 để xây lăng an nghỉ của Người. Trong chiến tranh, hàng vạn người con Hải Phòng đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn, non sông thống nhất. Ghi nhận những đóng góp to lớn trên, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng Huân chương Sao Vàng (năm 1976).

Từ 1976-1985, Hải Phòng cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hải Phòng là nơi khởi nguồn cơ chế khoán sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, được Trung ương tin tưởng giao thí điểm các chủ trương đổi mới quản lý sản xuất công nghiệp, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế; thí điểm thực hiện cơ chế giá sát với giá thị trường, tổng kết thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Những bước đi, cách làm sáng tạo của Hải Phòng đã góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng.

Giai đoạn 1986 đến nay, Hải Phòng có sự chuyển mình mạnh mẽ, có nhiều chính sách đột phá, ghi nhiều dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước trên nhiều phương diện.

Hiện tại, quy mô nền kinh tế Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 5 cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất. Thành phố là địa phương duy nhất trong cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng mức 2 con số trong 10 năm liên tục; thu ngân sách đứng thứ 3, thu hút đầu tư nước ngoài FDI đứng thứ 2 cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 3, chỉ số cải cách hành nhà nước đứng thứ 1… Diện mạo của một thành phố xanh, thông minh, hiện đại, ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á đang dần được hình thành rõ nét.

Bảo Ngọc

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn