7-5, truyền thống và những bài học từ thực tiễn

HQVN -

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam từ 1945 đến 1954 kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường và anh dũng, ngày 1-5-1954, bộ đội ta đồng loạt tiến đánh nhiều vị trí. Đến 17 giờ ngày 6-5, quân ta mở cuộc tiến công tiêu diệt cứ điểm A1. 17 giờ 30 phút ngày 7-5, Đờ Cát-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu Tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

 Chiến thắng này góp phần đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

“Dân tộc ta có thể tự hào rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta đã chứng minh một chân lý vĩ đại. Chân lý đó là trong thời đại ngày nay một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa. Điện Biên Phủ mãi mãi sẽ được ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ta và của nhân dân các dân tộc trên thế giới”. Đó là những lời đúc kết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy chấn động địa cầu.

Đúng một năm sau, ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể. Sau khi được thành lập, Cục Phòng thủ bờ bể đã quyết định tự đóng 20 tàu gỗ 20 tấn lắp máy ô tô làm phương tiện hoạt động, bên cạnh 36 thuyền buồm và 6 tiểu đoàn để xây dựng thành lực lượng tuần tiễu. Đóng mới 20 ca nô gỗ-đây thực sự là một thử thách lớn đối với tập thể cán bộ, công nhân Xưởng 46 Hải quân. Các kỹ sư, công nhân đều mới được điều động từ các xưởng quân giới trở về, chưa am hiểu kỹ thuật tàu thuyền. Nhưng rồi 20 ca nô gỗ đã được hoàn thiện. Ca nô lắp máy ô tô GMC, gắn súng 12,7mm và đại liên Macxim. Đây có lẽ là những ca nô “đa quốc gia” nhất lúc bấy giờ: Máy GMC là động cơ của xe vận tải Mỹ lấy từ chiến trường Điện Biên Phủ, súng 12,7mm và đại liên Macxim từ viện trợ của Liên Xô, phụ tùng của ca nô từ các tàu của Pháp bị đánh chìm trên các vùng sông biển miền Bắc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đọc quyết định thành lập hai thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng tại buổi mít tinh ngày 24-8-1955. Ảnh: Tư liệu

Ngày 24-8-1955, khi ra mắt hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng tại Trường Huấn luyện bờ bể, bên bờ sông Cấm (Hải Phòng), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham dự và chỉ thị: “Các đồng chí là những người được lựa chọn trong toàn quân về để xây dựng binh chủng mới của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hai thủy đội này là những viên gạch đầu tiên, là tiền thân của lực lượng tàu chiến đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam sau này… Bờ biển nước ta dài và rộng, trên bờ có đông dân cư, có các trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng, dưới biển có nhiều tài nguyên quí giá. Kẻ địch còn đang lén lút phá hoại. Các đồng chí từ con em của nhân dân mà ra, nên phải ra sức phát huy truyền thống của quân đội nhân dân anh hùng, hãy dũng cảm khắc phục khó khăn để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ bờ biển của Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ta”.

Vâng theo lời dạy của Đại tướng, lấy sản phẩm của chiến tranh để chống lại chiến tranh, với những chiếc ca nô bé nhỏ này-hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng-những đơn vị chiến đấu chính quy đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam đã len lỏi hết đảo này tới đảo khác suốt từ vùng ven biển Trung đến Bắc Bộ, hoàn thành nhiệm vụ tuần tiễu, góp phần ổn định an ninh vùng hải đảo trong nhiều năm sau đó… quét sạch bọn thổ phỉ, hải phỉ trên vùng biển để nhân dân yên ổn làm ăn.

Có thể là ngẫu nhiên hoặc không phải ngẫu nhiên nhưng lịch sử đã ghi lại 2 ngày 7-5 đầy ý nghĩa. Nếu 7-5-1954 là ngày góp phần trực tiếp kết thúc chiến tranh ở Đông Dương thì một năm sau, 7-5-1955 lại là ngày mở ra một thời kỳ mới cho quân đội nhân dân Việt Nam, thời kỳ chủ động bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia từ sớm.

Với quan điểm tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các nước bè bạn quốc tế, Hải quân nhân dân Việt Nam đã được xây dựng từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ lạc hậu tiến dần lên chính quy, hiện đại, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, trưởng thành nhanh chóng, trở thành một quân chủng có nhiều thành phần lực lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Trong điều kiện tiềm lực kinh tế, quân sự của ta còn hạn chế, những năm 1955-1975, nhờ có sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã tổ chức được các đơn vị tàu tuần tiễu, phóng lôi, săn ngầm làm lực lượng tiến công chủ yếu trên biển và các đại đội pháo bờ để bảo vệ các mục tiêu ven biển. Từ khi đất nước thống nhất đến nay, Hải quân vẫn duy trì và mở rộng hợp tác với Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới để trao đổi, học tập kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, tiếp nhận vũ khí trang bị, chuyển giao công nghệ, cùng nhau xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định. Song song với tranh thủ tối đa ngoại lực, Hải quân vẫn kiên trì đường lối độc lập, tự chủ của Đảng, Nhà nước, không bị phụ thuộc hoàn toàn vào bạn, chủ động nghiên cứu, xây dựng lực lượng từng bước làm chủ công nghệ, nghiên cứu, sản xuất các loại phương tiện, vũ khí trang bị đáp ứng yêu cầu tác chiến trên chiến trường sông, biển của Việt Nam.

Hải quân nhân dân Việt Nam là quân chủng anh hùng của quân đội anh hùng với một bề dày truyền thống rất vẻ vang. Trong hơn 6 thập kỷ xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, mà thường xuyên và trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nhiều chiến công xuất sắc, xây đắp nên truyền thống “Chiến đấu anh dũng; mưu trí, sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến, quyết thắng”. Truyền thống và những bài học từ lịch sử là nền tảng vững chắc để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân hôm nay phát huy lên một tầm cao mới trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn