5 trận đánh điển hình của tàu, thuyền buồm trong lịch sử (Phần 1)

HQVN -

Tiếp nối loạt bài về tàu buồm hải quân, bài viết này điểm lại một số trận đánh điển hình có sự tham gia của tàu, thuyền buồm trong lịch sử. Các trận đánh được lựa chọn do tính chất quyết định đến bối cảnh chung của chiến tranh cũng như đối với sự phát triển của hải quân thế giới.

Tranh minh họa trận Trafalgar

Trận Salamis (27/9/480 TCN)

Trận Salamis diễn ra ngay sau trận hải chiến Artemisium và trận đánh trên bộ ở Thermopylae, nó là một phần của chiến dịch phối hợp rộng hơn trong đó lực lượng viễn chinh của đế chế Ba Tư tiến công đánh chiếm các thành bang Hy Lạp. Hạm đội hỗn hợp các thành bang Hy Lạp do Themistocles chỉ huy, gồm 300-380 tàu thuyền chống lại hạm đội của vua Ba Tư Xerxes vượt trội hơn với 700-1000 chiếc. Hai bên sử dụng tàu thuyền vỏ gỗ chạy bằng sức chèo của thủy thủ kết hợp buồm. Kết quả, Hải quân Ba Tư bị kìm chân, không kịp hội quân với đạo quân lớn hơn trên bộ đã đánh chiếm Hellespont và đang cố gắng vượt qua Hy Lạp để chinh phục toàn bộ châu Âu.

Sau trận đánh, hạm đội nhỏ hơn của Themistocles rút lui về vịnh hẹp Salamis để thủy thủ giữ sức chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo. Trong khi đó, Xerxes lệnh cho các tàu thuyền của Ba Tư duy trì hoạt động tuần tra và quan sát đối phương liên tục trong đêm. Lực lượng các thành bang Hy Lạp vận dụng mưu kế và chiến thuật khéo léo, nhử hạm đội Ba Tư (đã mệt mỏi sau 1 đêm) tiến vào Salamis lúc bình minh. Tại khu vực chật hẹp này, ưu thế về số lượng của Hải quân Ba Tư đã biến thành điểm yếu chí tử ngăn cản sự cơ động của toàn hạm đội. Bằng sự chủ động và tinh thần quyết chiến bảo vệ đất nước, quân Hy Lạp đã đánh bại hạm đội mệt mỏi và hỗn loạn của Ba Tư.

Trận đánh này đi vào lịch sử bởi 2 lí do: Thua trận Salamis đã khiến Xerxes từ bỏ tham vọng chinh phục Hy Lạp; nhờ sự kiên cường của người Spatar và Athens đã bảo vệ được nền văn minh non trẻ của phương Tây trước sự bành trướng của đế chế Ba Tư. Trong lịch sử tác chiến hải quân thế giới, Salamis là trận đánh có tính chất quyết định đầu tiên được ghi nhận giữa các lực lượng hải quân đối địch đồng thời nó được xem là 1 trong các trận đánh tiêu diệt tiêu biểu, khoảng 300 tàu thuyền Ba Tư bị đánh chìm, trong khi tổn thất của Hy Lạp chỉ khoảng 40 chiếc.

Trận Trafalgar (21/10/1805)

Trận đánh diễn ra ngoài khơi mũi Trafalgar, giữa Cadiz và Gibraltar, thuộc Tây Ban Nha. Hạm đội hỗn hợp Pháp-Tây Ban Nha gồm 33 tàu thuyền buồm dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Pháp Villeneuve giao chiến với hạm đội gồm 27 tàu thuyền buồm của Anh do Đô đốc Nelson chỉ huy. Cuối tháng 9/1805, Villeneuve nhận lệnh rời Cadiz, đổ quân đến Napoli nhằm chi viện cho chiến dịch của Napoleon ở Nam Italia. Ngày 19 và 20/10/1805, hạm đội rời Cadiz tiến vào Địa Trung Hải với hi vọng không gặp đối phương.

Tuy nhiên, Nelson đã phát hiện hạm đội địch ngoài khơi Trafalgar vào 21/10. Villeneuve lệnh cho hạm đội hỗn hợp lập thành đội hình hàng dọc hướng Bắc. Trong khi Nelson lệnh chia lực lượng Anh thành 2 biên đội (số 1 gồm 12 tàu do Nelson trực tiếp chỉ huy, số 2 gồm 15 tàu do Đô đốc Collingwood chỉ huy), tiến công vào chính ngang đội hình đối phương từ phía Tây. Gần trưa, biên đội số 2 của Anh giao chiến với lực lượng phía sau gồm 16 tàu Pháp-Tây Ban Nha. Lúc 11 giờ 50 phút, trên tàu chỉ huy Victory, Nelson truyền mệnh lệnh nổi tiếng: “Nước Anh trông chờ mỗi người lính làm tròn nhiệm vụ của mình”. Sau đó, biên đội số 1 tiến công vào lực lượng đi đầu và trung tâm đội hình của đối phương, gồm cả tàu chỉ huy Bucentaure của Villeneuve. Với sức mạnh vượt trội, lực lượng của Nelson đã chia cắt và phá vỡ đội hình địch trong 1 trận đánh hỗn loạn có tính toán của Nelson.

Trận chiến kết thúc lúc 17 giờ, Villeneuve bị bắt, hạm đội hỗn hợp bị tiêu diệt 19 tàu và 7.000 quân trên tổng số 14.000 thủy thủ. Nelson bị lính bắn tỉa Pháp bắn trọng thương và qua đời lúc 16 giờ 30 phút khi ông đã chắc chắn về chiến thắng quyết định của quân Anh. Hạm đội Anh cơ bản bảo toàn được lực lượng tàu thuyền, chỉ 1.500 thủy thủ bị sát thương.

Quân Anh với lực lượng ít hơn nhưng đã giành chiến thắng vì vận dụng chiến thuật hợp lý, có tinh thần chiến đấu dũng cảm. Để chuẩn bị cho trận đánh, Nelson và Bộ Tham mưu Hạm đội Anh đã nghiên cứu kỹ lực lượng đối phương trước đó hàng tháng, nắm được phương pháp triển khai đội hình địch. Các chỉ huy thuộc quyền Nelson đều nắm chắc ý định của tư lệnh. Nelson sử dụng phương pháp thông tin chỉ huy đơn giản nhưng hiệu quả và vững chắc, đặc biệt trong tình huống hỗn loạn khi giao chiến cự ly gần, điều mà hạm đội hỗn hợp Pháp-Tây Ban Nha không có. Trong thực hành chiến đấu, quân Anh vận dụng thủ đoạn chia cắt, bao vây tiêu diệt từng bộ phận địch. Toàn bộ sĩ quan, thủy thủ Anh có tinh thần chiến đấu cao, được cổ vũ, khích lệ bởi hành động quyết đoán của người chỉ huy cao nhất. Trận đánh xác lập “thế thống trị tuyệt đối trên biển” của Hải quân Anh trong 1 thế kỷ tiếp theo, giúp Anh mở rộng lãnh thổ, xâm chiếm nhiều thuộc địa trên khắp thế giới.

Thanh Hải (Còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn