5 điều về Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc lần thứ 2
Đại dương là hệ sinh thái lớn nhất hành tinh, điều hòa khí hậu và cung cấp sinh kế cho hàng tỷ người. Tuy vậy, “sức khỏe” của đại dương đang gặp nguy hiểm. Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc (LHQ) lần thứ hai, dự kiến diễn ra vào tháng 6/2022, sẽ là cơ hội quan trọng để khắc phục những thiệt hại mà nhân loại tiếp tục gây ra đối với sinh vật biển và sinh kế.
Thuyền cập cảng ở Mombasa, Kenya
Với sự tham gia của các đại biểu từ các Quốc gia Thành viên, các tổ chức phi chính phủ và các trường đại học, cũng như các doanh nhân đang tìm cách phát triển bền vững “Nền kinh tế Xanh”, có nhiều hy vọng rằng sự kiện này, diễn ra tại thành phố Lisbon của Bồ Đào Nha từ ngày 27/6 tới ngày 1/7, sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới của đại dương.
Theo đó, 5 điều chúng ta nên biết về Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc lần thứ hai.
Đã đến lúc tập trung vào các giải pháp
Hội nghị đầu tiên, vào năm 2017, được cho là một sự thay đổi cuộc chơi trong việc cảnh báo thế giới về các vấn đề của đại dương. Theo ông Peter Thomson, Đặc phái viên về Đại dương của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Lisbon sẽ đưa ra giải pháp cho những vấn đề đó.
Sự kiện này sẽ tạo không gian cho cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp sáng tạo, dựa trên khoa học để quản lý bền vững đại dương, bao gồm chống axit hóa nước, ô nhiễm, đánh bắt bất hợp pháp, mất môi trường sống và đa dạng sinh học.
Hội nghị năm nay cũng sẽ xác định mức độ tham vọng cho Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (2021-2030). Thập kỷ sẽ là một chủ đề chính của hội nghị và sẽ là chủ đề của một số sự kiện quan trọng, đặt ra tầm nhìn về một Đại dương trong lành, bền vững hơn.
LHQ đã đặt ra 10 mục tiêu liên quan đến đại dương phải đạt được trong thập kỷ này, như một phần của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, kế hoạch chi tiết của Tổ chức vì một tương lai công bằng hơn cho con người và hành tinh. Chúng bao gồm hành động ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm và axit hóa, bảo vệ hệ sinh thái, điều tiết nghề cá và nâng cao kiến thức khoa học. Tại hội nghị, các cuộc đối thoại tương tác sẽ tập trung vào cách giải quyết nhiều vấn đề này.
Vai trò của thanh niên sẽ được đặt lên hàng đầu ở Lisbon, với các doanh nhân trẻ, làm việc về các giải pháp sáng tạo, dựa trên khoa học cho các vấn đề quan trọng, giữ vai trò trong cuộc đối thoại.
Từ ngày 24 đến ngày 26/6, họ sẽ tham gia Diễn đàn Thanh niên và Đổi mới, một nền tảng nhằm giúp các doanh nhân trẻ và các nhà đổi mới mở rộng quy mô các sáng kiến, dự án và ý tưởng của họ, bằng cách tổ chức đào tạo chuyên nghiệp và kết nối với các cố vấn, nhà đầu tư, khu vực tư nhân và các quan chức chính phủ.
Đại dương đóng vai trò lớn
Đại dương cung cấp cho tất cả chúng ta oxy, thức ăn và sinh kế. Nó nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học ngoài sức tưởng tượng và hỗ trợ trực tiếp cho cuộc sống của con người, thông qua các nguồn thực phẩm và năng lượng.
Bên cạnh vai trò là nguồn sống, đại dương còn ổn định khí hậu và lưu trữ carbon, đóng vai trò như một bể chứa khổng lồ cho khí nhà kính.
Theo số liệu của LHQ, khoảng 680 triệu người sống ở các vùng đất trũng ven biển, sẽ tăng lên khoảng một tỷ người vào năm 2050.
Ngoài ra, phân tích mới nhất ước tính rằng 40 triệu người sẽ làm việc trong các ngành công nghiệp dựa trên đại dương vào cuối thập kỷ này.
Tiêu điểm về Kenya và Bồ Đào Nha
Mặc dù, Hội nghị dự kiến diễn ra ở Bồ Đào Nha, nhưng do Kenya đồng đăng cai, nơi 65% dân số ven biển sống ở các vùng nông thôn, chủ yếu kiếm sống từ ngành ngư nghiệp, nông nghiệp và khai thác mỏ.
Đối với bà Bernadette Loloju, cư dân của Hạt Samburu, Kenya, đại dương rất quan trọng đối với người dân đất nước của bà vì nó giúp họ có nhiều hàng hóa mà họ cần. Bà cho biết: “Đại dương chứa nhiều sinh vật sống bao gồm cả cá. Đại dương cũng cung cấp cho chúng ta thức ăn. Khi đến thành phố Mombasa, chúng ta cũng có thể tận hưởng ở bãi biển và bơi lội”.
Nzambi Matee, người chiến thắng “Nhà vô địch trẻ của Trái đất” năm 2020 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn cũng chung quan điểm với bà Loloju. Nzambi sống ở Nairobi, Kenya và là người sáng lập Gjenge Makers, công ty sản xuất vật liệu xây dựng bền vững với chi phí thấp làm từ chất thải nhựa tái chế.
Cô Matee lấy rác thải nhựa từ đại dương do ngư dân đánh bắt và chuyển nó thành gạch lát. “Công việc tái chế rác thải nhựa từ đại dương đã giúp tôi kêu gọi được hơn 113 thanh niên và phụ nữ cùng nhau sản xuất 300.000 viên gạch. Tôi kiếm sống từ đại dương, do đó đại dương là sự sống đối với tôi”, Matee cho biết.
Niềm đam mê đối với đại dương được chia sẻ với Bồ Đào Nha, Quốc gia Thành viên Liên minh Châu Âu ven biển lớn nhất với khoảng 4 triệu km đường bờ biển và là 1 quốc gia đóng vai trò trung tâm trong lưu vực Đại Tây Dương.
ANP Associação Natureza Portugal (ANP), một tổ chức phi chính phủ làm việc với Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), đã điều hành một số dự án trong các lĩnh vực bảo vệ biển, nghề cá bền vững và bảo tồn đại dương. Catarina Grilo, Giám đốc Bảo tồn và Chính sách tại ANP kỳ vọng, Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc năm nay sẽ là một hội nghị về hành động, chứ không chỉ về cam kết.
Theo Catarina Grilo, Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc lần thứ nhất ở New York (Mỹ) là một thời điểm thực sự tốt để nâng cao nhận thức về vai trò của đại dương đối với hạnh phúc của nhân loại. Vào thời điểm đó, chúng ta đã có rất nhiều cam kết tự nguyện từ các Quốc gia thành viên và các tổ chức ngoài nhà nước, nhưng bây giờ đã đến lúc chuyển từ lời nói sang hành động.
Về bản chất, đại dương và khí hậu toàn cầu có mối liên hệ với nhau
Đại dương và khí hậu toàn cầu ảnh hưởng nặng nề đến nhau theo nhiều cách. Khi cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục gây ra một mối đe dọa hiện hữu, có một số số liệu chính mà các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ.
Theo báo cáo biến đổi khí hậu mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), mực nước biển trung bình toàn cầu tăng trung bình 4,5 mm mỗi năm từ năm 2013 đến năm 2021, do các tảng băng tan với tốc độ ngày càng tăng.
Đại dương hấp thụ khoảng 23% CO2 do hoạt động của con người tạo ra và khi đó, các phản ứng hóa học diễn ra, làm axit hóa nước biển. Điều đó khiến môi trường biển gặp nguy hiểm và nước càng có tính axit thì biển hấp thụ càng ít CO2.
Samuel Collins, Giám đốc dự án tại Oceano Azul Foundation ở Lisbon cho rằng hội nghị sẽ đóng vai trò là cầu nối cho COP27, dự kiến diễn ra tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập vào tháng 11 này.
Chàng trai 27 tuổi người Scotland cho biết: “Đại dương về cơ bản luôn gắn liền với khí hậu. Đại dương chứa 94% không gian sống trên hành tinh. Tôi có thể đưa ra những số liệu thống kê gây sốc cho tất cả chúng ta”.
Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ đại dương?
UN News đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia - bao gồm Catarina Grilo và nhà sinh vật học Nuno Barros tại ANP, cũng như Sam Collins tại Oceano Azul Foundation - về việc công dân có thể làm gì để thúc đẩy nền kinh tế xanh bền vững, trong khi chờ các nhà ra quyết định và các nhà lãnh đạo thế giới hành động. Dưới đây là một số ý tưởng mà chúng ta có thể kết hợp vào cuộc sống hàng ngày:
Nếu chúng ta ăn cá, hãy đa dạng hóa chế độ ăn uống về tiêu thụ hải sản, không phải lúc nào cũng ăn cùng một loài. Ngoài ra, hãy tránh tiêu thụ những động vật ăn thịt hàng đầu và đảm bảo những gì chúng ta ăn phải đến từ những nguồn có trách nhiệm.
Ngăn chặn ô nhiễm nhựa: Với 80% ô nhiễm biển có nguồn gốc từ đất liền, hãy nỗ lực để ngăn chặn ô nhiễm ra biển. Chúng ta có thể giúp đỡ bằng cách sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng, tránh tiêu thụ các sản phẩm dùng một lần và cũng đảm bảo rằng chúng ta đang xả rác thải vào thùng rác hợp lý.
Hãy nhặt rác từ bãi biển và không xả rác. Hãy nghĩ rằng bất kỳ giải pháp nào chúng ta có thể thực hiện để giảm tác động đến môi trường sẽ giúp đại dương một cách gián tiếp.
Ngoài ra, chúng ta có thể tiếp tục vận động việc triển khai các giải pháp hoặc hỗ trợ các chiến dịch nhằm tác động đến những người ra quyết định, ở cấp quốc gia hay cấp độ toàn cầu.
Nguồn: baotainguyenvamoitruong.vn
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam - ( 14-10-24 08:00 )
- "Địa chỉ xanh" giữa biển - ( 07-01-24 09:00 )
- Xã đảo Tam Hải thanh bình bên bờ sóng - ( 12-12-23 09:00 )
- Khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy kinh tế biển Đà Nẵng phát triển - ( 05-11-23 07:00 )
- Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố - ( 17-09-23 04:00 )