Người giữ hồn then

Quỳnh Nhai-mảnh đất cư trú lâu đời của người Thái trắng ở Sơn La là nơi còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán, món ăn, trang phục riêng biệt... Hòa quyện trong bản sắc văn hóa đó không thể thiếu hát then, món ăn tinh thần gắn chặt với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân nơi đây.

Ông Điêu Văn Minh (ngồi ngoài cùng bên phải) truyền dạy hát then cho người dân

Nhiều năm nay, có một người vẫn âm thầm gìn giữ được ‘‘hồn’’ then bằng giọng hát trầm ấm và truyền cảm, đó là nghệ nhân Điêu Văn Minh ở bản Nghe Toỏng, Mường Giàng. Trong câu chuyện với ông, tôi được biết: Từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, ông đã đam mê học chữ Thái, đến năm 20 tuổi, được ông ngoại (thầy mo cúng thời đó) đưa đi theo dạy cho chữ Thái cổ và truyền dạy lại lời hát then. Then có từ bao giờ thì ông không nhớ được, chỉ biết rằng từ lúc sinh ra là đã nghe các cụ hát then rồi. Hầu hết hát then chỉ có ở người Tày, Nùng ở phía Đông Bắc, còn với người Thái, chỉ có Thái trắng mới biết hát then. Then có nghĩa là trời, được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, hát then được biểu diễn trong những sự kiện trọng đại như cầu mát nhà cửa những ngày đầu năm mới, sinh con đầu lòng, giải trừ tà ma, chữa bệnh hay lễ lên nhà mới, lễ cưới, lễ gọi hồn, lễ hội “Kin Pang Then”. Đặc biệt trong lễ hội “Kin Pang Then”, hát then bao giờ cũng có múa phụ họa để chỉ đường và tả lại cảnh vật trên đường Then xuống trần gian dự lễ.

Ông Minh cho biết: Hát then có nhiều loại, như: hát xao siên, hát loong té, hát cúng, hát giao duyên, cáo sứ, hát trong các lễ nghi của dân tộc Thái trắng. Hiện nay, tôi đang nắm giữ 3 điệu then chính đó là: Hát then, hát xao siên, hát loong té. Hát then là điệu hát dùng trong các nghi thức cúng tế, mừng xuân mới, mừng tuổi, mừng nhà mới, hát trong lễ Kin Pang Then cầu khấn cho con người những điều tốt lành, cho đất nước bình yên (hát điệu này và hát điệu loong té không cần phải có đàn tính tẩu). Hát loong té là hát về tình yêu lao động, tăng gia sản xuất, yêu quê hương, đất nước, dạy bảo con cháu điều hay lẽ phải, biết làm ăn, đoàn kết, chống tệ nạn xã hội... còn hát xao siên là hát mừng tuổi, mừng nhà mới, cầu khấn các đấng thần linh phù hộ cho con người, bản mường đất nước phát triển (điệu này bắt buộc phải có đàn tính tẩu). Điệu hát then có 6 loại giọng cổ, tùy theo từng điệu mà có âm điệu giọng khác nhau, lúc thì giọng đều, lúc thì lên xuống trầm bổng, nhẹ nhàng tình cảm.

Không chỉ nắm giữ các điệu then cổ, ông Minh còn sáng tác các lời ca phỏng theo các làn điệu dân gian, làn điệu cổ, làn điệu mới. Từ năm 1976 đến nay, ông đã sáng tác nhiều bài hát với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng xuân mới, tiễn đưa bộ đội lên đường nhập ngũ, kể chuyện xưa, hát đưa hồn về nơi an nghỉ, tuyên truyền di dân tái định cư và được mời hát trong các ngày lễ, ngày tết, ngày kỷ niệm truyền thống của xã, huyện, nhiều bài được in trên tạp chí Suối Reo của tỉnh. Bên cạnh đó, ông còn là hội viên của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh, cộng tác viên của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Đài VOV Tây Bắc, các tác phẩm tự sáng tác và biểu diễn của ông được đông đảo bà con trong tỉnh biết đến và thưởng thức.

Cũng vì am hiểu và nắm giữ được nhiều điệu then, ông Minh được cử tham gia rất nhiều các chương trình do Trung ương tổ chức và đã nhận được rất nhiều giải thưởng. Ngoài ra, ông còn được nhận Giấy khen của Viện Âm nhạc Việt Nam do đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân gian truyền thống của dân tộc Thái trắng ở Quỳnh Nhai; Bằng khen của UBND tỉnh vì những thành tích trong công tác xây dựng đội văn nghệ quần chúng tỉnh Sơn La (1992 - 2012), cùng nhiều giấy khen và giải khác do tỉnh, huyện tổ chức. Năm 2015, ông Minh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Bài, ảnh: Thủy Ngân

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn